Cơ quan chức năng nói gì về vụ xe chở tôn cuộn có dấu hiệu quá tải trọng?

Đời sống
07:00 AM 29/06/2020

“Lái xe, chủ hàng thường có ý thức trốn tránh, đối phó lực lượng chức năng, thường chạy vào ban đêm, thời điểm giao ca, những lúc không có lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên tuyến…”.

Trước đó, vào những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, phóng viên cũng đã cố gắng liên hệ với lãnh đạo phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh về tình trạng xe chở tôn cuộn có dấu hiệu quá tải trọng cho phép lưu thông trên QL 8A hướng lên Cầu Treo

Đây là một trong những nội dung được đại diện lãnh đạo phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về tình trạng xe chở tôn cuộn có dấu hiệu quá tải trọng cho phép lưu thông trên địa bàn trong thời gian qua.

Theo đó, trong quá trình tuần tra, kiểm soát trật tự ATGT trên địa bàn, lực lượng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện, xử lý rất nhiều trường hợp xe chở quá tải trọng cho phép. Cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản, kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật ATGT đối với chủ hàng và lái xe.

Đại diện lãnh đạo phòng CSGT Hà Tĩnh cũng cho biết, sau khi có thông tin phán ánh từ cơ quan báo chí, người dân về tình trạng xe chở tôn cuộn quá tải trọng lưu thông trên QL 8A lên hướng cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, đơn vị đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, thành lập tổ công tác để kiểm tra, xử lý.

Cụ thể, trong ngày 10 và 12/6, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, phát hiện, xử lý 09 trường hợp chở quá tải trọng cho phép so với quy định. Những trường hợp này sau khi kiểm tra bằng phương tiện cân tải trọng di động đều quá tải trọng từ 10-gần 50%.

Được biết, sau khi lập biên bản về các trường hợp xe chở quá tải trọng, cơ quan chức năng cũng đã tiến hành kiến nghị mức xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ xe, lái xe.

Trung tá Trần An Ninh – Phó phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, để nâng cao hiệu quả xử lý về tình trạng xe chở quá khổ, quá tải, đơn vị đã thành lập tổ công tác đặc biệt tập trung xử lý các chuyên đề “nóng” nổi lên trên địa bàn.

Đáng chú ý là tình trạng lái xe, chủ hàng thường có ý thức trốn tránh, đối phó lực lượng chức năng, thường chạy vào ban đêm, thời điểm giao ca, những lúc không có lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên tuyến.

Trong khi đó, việc hạ tải đối với những xe chở quá khổ, quá tải cũng gặp khó khăn do điều kiện bến bãi.

Trước đó, Diễn đàn Doanh nghiệp cũng đã có bài phản ánh, suốt những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6/2020, tại cảng Cửa Lò có hàng nghìn tấn hàng tôn cuộn mã kẽm được vận tải bằng đường biển về nơi đây.

Do Chỉ thị 32 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ chỉ nêu việc kiểm soát tải trọng đối với hàng nhập cảnh nên Hải quan cửa khẩu cũng gặp khó đối với việc kiểm soát hàng quá cảnh sang nước bạn

Tiếp đó, số lượng lớn tôn cuộn này sẽ được bốc dỡ, xếp lên xe tải trọng lớn để vận chuyển bằng đường bộ theo lộ trình xuất khẩu sang nước Lào qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

Vậy nhưng, đáng quan tâm là khi được bốc dỡ từ tàu vận tải biển lên xe tải, các kiện hàng này được bốc xếp đúng tải trọng theo quy định của pháp luật nhưng lên đến đường tránh Tp Vinh thì các phương tiện này tiếp tục sang tải để “cõng” thêm từ 3-5 cuộn tôn, nâng tổng số lượng 5-8 cuộn/xe (mỗi cuộn có trọng lượng trên dưới 10 tấn).

“Binh đoàn” xe tải trọng chở từ 4-8 cuộc tôn/phương tiện di chuyển theo tuyến đường tránh Tp Vinh->đường 12/9 qua huyện Hưng Nguyên->Quốc lộ 15->Quốc lộ 8A->cửa khẩu quốc tế Cầu Treo với quãng đường trên 100km rồi làm thủ tục thông quan sang nước Lào.

Khi phóng viên trực tiếp làm việc với Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo để tìm hiểu, nắm số liệu về phương tiện cơ giới chở tôn cuộn quá tải thì được đại diện đơn vị này trả lời là không thể kiểm soát được.

Bởi vì, theo Chỉ thị 32 ban hành năm 2016, Thủ tướng cũng chỉ yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan hải quan không giải quyết thủ tục thông quan nhập cảnh, thủ tục kẹp chì hải quan đối với trường hợp xe ô tô chở hàng hóa vượt quá tải trọng thiết kế của xe…

Ngọc Thái
Ý kiến của bạn
Kinh tế số có thể đem lại 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030 Kinh tế số có thể đem lại 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030

Theo nghiên cứu về nền kinh tế số Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng, tương đương 74 tỷ USD.