Cơ sở dữ liệu là nền tảng quan trọng phát triển tài chính số bền vững
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, cơ sở dữ liệu quốc gia là nguồn tài nguyên mới, là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia.
Ngày 21/9, Cục Tin học và Thống kê Tài chính và Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) đồng tổ chức Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý Ngân sách Nhà nước năm 2023 (Vietnam Digital Finance 2023) (VDF-2023) với chủ đề "Dữ liệu số - Nền tảng phát triển tài chính số bền vững".
Tham dự Hội thảo - Triển lãm VDF-2023 có đại diện một số Bộ, ngành Trung ương và địa phương; các ngân hàng thương mại, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Đại diện các hiệp hội; Đại diện một số Trường Đại học, Viện nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT và kinh tế số và đại diện một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính.
Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý Ngân sách Nhà nước là sự kiện thường niên được Bộ Tài chính tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà quản lý, xây dựng chính sách, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực CNTT, các nhà cung cấp giải pháp hàng đầu trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi và thảo luận về những xu hướng mới trong lĩnh vực chuyển đổi số ngành Tài chính.
Phát biểu khai mạc "Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý ngân sách Nhà nước năm 2023" (Vietnam Digital Finance 2023), sáng 21/9, ông Nguyễn Việt Hà - Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, Quyết định số 776/QĐ-BTC ngày 12/4/2023 về kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 nhằm mục tiêu tập trung chỉ đạo, các đơn vị thuộc bộ đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số và xã hội số. Trong đó, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng của Chính phủ nói chung và Bộ Tài chính nói riêng.
Nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy phát triển dữ liệu lớn về tài chính, CSDL quốc gia về tài chính, triển khai nền tảng hóa đơn điện tử quốc gia kết nối, liên thông với toàn bộ các cơ quan thuế. Cho phép mỗi cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp dễ dàng gửi nhận hóa đơn điện tử với cơ quan thuế.
Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Đức Hiển cũng nêu rõ, tại Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045", Việt Nam đã coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả và bền vững.
"Cơ sở dữ liệu quốc gia là nguồn tài nguyên mới, là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia. Chính vì vậy việc khai thác các tiềm năng của dữ liệu sẽ là sự cộng hưởng lớn đối với quá trình chuyển đổi số của Việt Nam để hướng tới sự chuyển đổi theo mục tiêu bền vững và kiến tạo tài nguyên số cho tương lai. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tìm ra không gian phát triển mới để tiếp cận nhanh, đón đầu xu hướng, khai thác và sử dụng dữ liệu số làm động lực mới, cơ hội mới, tạo đà cho tăng trưởng và phát triển.
Vì vậy, ngành tài chính cùng với các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành, địa phương cần thảo luận, làm rõ kết quả chuyển đổi số chính của ngành Tài chính, đặc biệt trong lĩnh vực dữ liệu số, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị về chủ trương, chính sách, giải pháp hiện đại hóa toàn diện ngành Tài chính; các giải pháp để triển khai hiệu quả việc thu thập, xây dựng dữ liệu lớn về thị trường chứng khoán, về các giao dịch trực tuyến trong lĩnh vực tài chính; cũng như việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới (phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet kết nối vạn vật) vào các lĩnh vực hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của ngành Tài chính", ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Minh Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính cho biết, thế mạnh về dữ liệu của Bộ Tài chính nằm ở khung pháp lý và hạ tầng trao đổi, cung cấp dữ liệu. Đó là khung pháp lý nhất quán ở một số kênh trao đổi thông tin giữa các đơn vị (Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Hải quan, các sở tài chính ...) đã được thiết lập. Việc phổ biến thông tin về các chính sách tài chính, thông tin chung khác được thống nhất thông qua cổng thông tin điện tử.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của hoạt động xây dựng CSDL quốc gia về tài chính đến từ khối lượng dữ liệu lớn, phân tán và chưa được quản trị một cách thống nhất trên quy mô toàn Bộ Tài chính. Khối lượng dữ liệu rất lớn, với nhiều lĩnh vực khác nhau do lĩnh vực quản lý Nhà nước về tài chính - ngân sách rộng.
Việc xây dựng CSDL quốc gia về tài chính chưa có khung quản trị dữ liệu thống nhất giữa các đơn vị trong ngành tài chính. Nhiều hoạt động tổng hợp thông tin và báo cáo đang được thực hiện thủ công. Chưa tập trung thông tin chi tiết, đa chiều về các vấn đề cụ thể từ các góc nhìn khác nhau.
Bộ Tài chính đang hướng tới mục tiêu quy hoạch, xây dựng, phát triển các thành phần thuộc CSDL quốc gia về tài chính trong một chỉnh thể thống nhất. Xây dựng các nguyên tắc chủ đạo bảo đảm tính liên kết, tích hợp, khả năng kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các đơn vị trong ngành tài chính, giữa Bộ Tài chính với các cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài ngành tài chính.
Đồng thời, hỗ trợ xây dựng Chính phủ điện tử (E-Government) ngành tài chính, hướng tới xây dựng tài chính số (Digital Finance) dựa trên dữ liệu lớn và dữ liệu mở. Tạo nền tảng cho ngành tài chính tiếp cận, nắm vai trò chủ động, kiến tạo và đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền tài chính số hiện đại tại Việt Nam.
Tại Phiên toàn thể với chủ đề: Dữ liệu số - Nền tảng phát triển tài chính số bền vững, các diễn giả, các chuyên gia, các nhà quản lý tập trung thảo luận, chia sẻ các vấn đề về: Huy động nguồn lực tài chính quốc gia cho phát triển bền vững dựa trên dữ liệu số đến năm 2030; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và phát triển dữ liệu ngành Tài chính; Kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) phục vụ cho việc phân tích, quản lý thuế theo nguyên tắc rủi ro; xu hướng và một số trường hợp phân tích dữ liệu ngành thuế, tài chính và giới thiệu kinh nghiệm, năng lực triển khai của đơn vị cung cấp; ứng dụng Trí tuệ nhân tạo thúc đẩy phát triển kinh tế và các nội dung về dữ liệu số và kết nối thông minh trong lĩnh vực tài chính nói chung và thuế nói riêng.
Nhật HàCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.