Có thể bị phạt đến 20 triệu đồng nếu không đăng ký đất đai
Luật Đất đai 2013 nêu rõ quy định người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý có nghĩa vụ bắt buộc phải đăng ký đất đai.
Khái niệm đăng ký đất đai
Theo Khoản 15 Điều 3 Luật Đất đai 2013, đăng ký đất đai, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất là việc kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đất đối với một thửa đất vào hồ sơ địa chính.
Căn cứ Khoản 1 Điều 95 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý có nghĩa vụ bắt buộc phải đăng ký đất đai; riêng quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được đăng ký theo yêu cầu của chủ sở hữu.
Có thể bị phạt đến 20 triệu đồng nếu không đăng ký
Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất là nghĩa vụ bắt buộc của người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý. Theo đó, điều 17 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi không đăng ký như sau:
Không thực hiện đăng ký lần đầu
Thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng nếu trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày 5/1/2020 mà không thực hiện đăng ký lần đầu.
Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày 5/1/2020 mà không thực hiện đăng ký lần đầu.
Đáng chú ý, mức phạt trên đây áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân tại khu vực nông thôn; tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 2 lần mức xử phạt đối với khu vực nông thôn; đối với tổ chức bằng 2 lần mức xử phạt đối với hộ gia đình, cá nhân.
Khi không đăng ký biến động, mức phạt là bao nhiêu?
- Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền của mình như: Chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn.
- Chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người sử dụng đất được phép đổi tên.
Phạt tiền 1 - 3 triệu đồng nếu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn mà không đăng ký.
- Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở tài sản là tài sản riêng của vợ, chồng thành tài sản chung của vợ chồng.
- Chia tách quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình hoặc của tổ chức hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất.
- Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế như quyền về lối đi; cấp, thoát nước; tưới nước, tiêu nước trong canh tác; cấp khí ga; đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác đối với thửa đất liền kề.
Phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn theo quy định mà không đăng ký.
Bên cạnh việc bị phạt tiền, các trường hợp trên buộc phải đăng ký biến động theo quy định.
Đặc biệt, mức phạt tiền trên áp dụng với hộ gia đình, cá nhân tại khu vực nông thôn; tại khu vực đô thị mức phạt sẽ gấp đôi (mức cao nhất lên tới 10 triệu đồng). Mức phạt đối với tổ chức bằng 2 lần mức xử phạt đối với hộ gia đình, cá nhân (tại khu vực đô thị phạt tới 20 triệu đồng).
Hà TrầnNgày 28/11, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) sẽ diễn ra Lễ tôn vinh “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2024.