Có thể có gói hỗ trợ 244.000 tỷ đồng dành riêng doanh nghiệp trong 2 năm tới
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ngày 5/12, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn đã chỉ ra những giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế bền vững thông qua thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam. Cùng với đó, ông Tuấn cũng nêu một số giải pháp can thiệp nền kinh tế thông qua các gói hỗ trợ .
Yếu tố trọng tâm của hệ sinh thái chuyển đổi số
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho biết, phát triển kinh tế số có nhiều lợi ích đối với quốc gia như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển các ngành/lĩnh vực mới, tạo việc làm, thay đổi cơ cấu việc làm, nâng cao chất lượng lực lượng lao động, tăng chất lượng dịch vụ công.
Đặc biệt đối với doanh nghiệp chuyển đổi số giúp tăng năng suất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo cơ hội mở rộng thị trường và gia tăng thị phần, thay đổi linh hoạt hơn, kết nối với khách hàng, nhân viên, đối tác và nhà cung cấp nhanh hơn, đẩy nhanh quá trình ra quyết định.
Kinh tế số cũng mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng như: Chất lượng sản phẩm/tiện ích được cải thiện do ứng dụng công nghệ tiên tiến; mua hàng mọi lúc, mọi nơi chỉ cần có điện thoại thông minh hoặc máy tính kết nội mạng Internet; giá thành sản phẩm cạnh tranh hơn so với mua qua kênh truyền thống do chi phí sản xuất và phân phối được cắt giảm; thuận tiện trong thanh toán do không phải sử dụng tiền mặt…
Từ những lợi ích trên, ông Bùi Quang Tuấn nêu ra một số định hướng và giải pháp phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế từ góc độ của chuyển đổi số và kinh tế số.
Về ngắn hạn, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn đề nghị cần rà soát, hoàn thiện pháp luật theo hướng thuận lợi hóa mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh và đầu tư cho các doanh nghiệp, chú ý đến doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, để phát triển các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng số
Bên cạnh đó, thúc đẩy kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu số hóa trong nước, phát huy vai trò của nguồn tài nguyên số phục vụ cho kinh tế số, thúc đẩy kết nối và chia sẻ thông tin của các cơ quan quản lý, bộ ngành, trung ương, địa phương.
Hơn nữa đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng số, nền tảng số, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai, phát huy vai trò của các quỹ tài chính hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khuyến khích thương mại hoá và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, khuyến khích và hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào thực tiễn sản xuất và kinh doanh.
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho hay, cần đẩy nhanh quá trình thử nghiệm và khẩn trương ứng dụng đại trà các công cụ thanh toán điện tử, tiền số và các hình thức kinh doanh và dịch vụ kinh tế số không dùng tiền mặt; khuyến khích phát triển các định chế tài chính mới như Fintech.
Thêm vào đó, cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong quản lý tài chính, thuế, an sinh xã hội, y tế, giáo dục; tăng cường đầu tư cho phát triển các hình thức khám, chữa bệnh từ xa, hỗ trợ các sản phẩm và các công cụ hỗ trợ học tập và làm việc trực tuyến tại nhà… để góp phần tăng năng suất lao động và giảm chi phí di chuyển, đi lại và chi phí giao dịch.
Về dài hạn, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn khẳng định, cần phải có cách tiếp cận tổng thể, hệ thống hơn. Cần phải chú ý tới các yếu tố của một hệ sinh thái đầy đủ của chuyển đổi số. Đồng thời, cần phải chú ý tới xu hướng phục hồi xanh đang trở thành một xu hướng nổi trội trên thế giới.
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn nói thêm, cần tận dụng phục hồi nền kinh tế để tái cấu trúc theo hướng xanh hóa nền kinh tế là một thời cơ lớn. Chiến lược tăng trưởng xanh cũng xác định 4 nội dung quan trọng là giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng, và xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Vì vậy, theo PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, các giải pháp để thực hiện chuyển đổi số và phát triển kinh tế số cần phải được lồng ghép tốt với thực hiện các giải pháp của chiến lược tăng trưởng xanh đã được đưa ra ở Quyết định 1685 của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/10/2021.
Cần gói hỗ trợ doanh nghiệp khoảng 244.000 tỷ đồng
Liên quan đến các giải pháp can thiệp nền kinh tế, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn nêu rõ, với tình hình trong nước và quốc tế như hiện nay, các gói cứu trợ kinh tế cần phải được thực hiện theo hướng vừa đảm bảo kịp thời, lại vừa đảm bảo đủ liều lượng, quy mô và hiệu quả.
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn phát biểu: "Đây là những mục tiêu khó khăn nhưng rất quan trọng để đảm bảo nền tảng ổn định vĩ mô, làm cơ sở cho sự phục hồi toàn diện của nền kinh tế trong trung và dài hạn". Theo đó, ông đề xuất các giải pháp cơ bản nên tập trung vào 4 lĩnh vực ưu tiên.
Thứ nhất, cần ưu tiên nguồn lực củng cố hệ thống y tế trên toàn quốc. Cụ thể, gói củng cố hệ thống y tế theo ông cần khoảng 76.000 tỷ đồng. Căn cứ của đề xuất này dựa trên báo cáo của bộ Y tế về các khoản chi y tế để ứng phó với đại dịch COVID-19 ở Việt Nam.
Thứ hai, cần tiếp tục củng cố hệ thống an sinh xã hội với gói hỗ trợ khoảng 58.000 tỷ đồng. Mục tiêu chính là hỗ trợ những nhóm dân cư, người lao động chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất do dịch bệnh.
Thứ ba, cần hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn với gói hỗ trợ doanh nghiệp khoảng 244.000 tỷ đồng. Ông Tuấn cho biết, căn cứ của mức đề xuất này là tính đến tháng 10/2021, Chính phủ đã miễn, giảm, giãn 95 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, miễn, giảm 27.000 tỷ đồng tiền lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Như vậy, tổng hỗ trợ đã thực hiện là 122.000 tỷ đồng.
Thời gian tới, để đảm bảo tính khả thi, các chính sách hỗ trợ có thể tiếp tục cố gắng duy trì được mức này trong 2 năm 2022-2023. Lộ trình giải ngân 122.000 tỷ đồng/năm trong hai năm 2022-2023, tổng gói hỗ trợ là 244.000 tỷ đồng.
Thứ tư, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn đề xuất tiếp tục cải cách thể chế, giải quyết những điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công với quy mô gói đầu tư công là 288.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2 năm 2022-2023.
Như vậy, tổng gói cứu trợ nền kinh tế dựa trên 4 lĩnh vực ưu tiên dự kiến có giá trị khoảng 666.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 8% tổng giá trị GDP nền kinh tế năm 2020.
Tiêu TươngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.