Có thể tốn 7 tỷ USD khi đầu tư cho sản xuất thử chip bán dẫn

Tài chính - Đầu tư
08:51 AM 07/06/2024

Chính phủ đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để Việt Nam có thể tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn của thế giới, một số trung tâm đổi mới sáng tạo sẽ được đầu tư để tiến hành những khâu ban đầu trong sản xuất ngành bán dẫn, các hoạt động này có thể tốn 7 tỷ USD.

Đó là thông tin do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ đưa ra tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sáng 6/6.

Có thể tốn 7 tỷ USD khi đầu tư cho sản xuất thử chip bán dẫn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Ảnh: Tin nhanh Chứng khoán

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết Việt Nam đang là nước phát triển nhanh trong lĩnh vực kinh tế số. Trong đó, người Việt Nam có những mặt mạnh, nổi trội như yêu toán học, khéo léo… 

“Việt Nam chúng ta hoàn toàn có cơ hội tham gia sâu vào lĩnh vực này”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, các trường đại học đã quan tâm đào tạo lĩnh vực công nghệ thông tin cũng như các lĩnh vực về vật liệu, vật lý, đều liên quan công nghệ này.

Với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực hiện nay, Thủ tướng đã phê duyệt một đề án để chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, trong nước có nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư ở lĩnh vực kinh tế số, công nghệ cao. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phát triển mạnh về kinh tế số. Thời gian qua, ngành này đóng góp vào GDP có nơi 12-15%.

Về giải pháp, Phó Thủ tướng cho biết cần quan tâm đào tạo ngay, đào tạo lại kỹ sư, những người đã có kiến thức, nền tảng có thể tiếp cận, tham gia ngay chuỗi sản xuất này, đặc biệt các chuỗi liên quan thiết kế, đóng gói, kiểm chuẩn…

Bên cạnh nguồn nhân lực trong nước, bằng cơ chế chính sách, Việt Nam có thể huy động sự tham gia của lực lượng, nhà khoa học ở nước ngoài để đầu tư. Đồng thời, Chính phủ cũng có chủ trương giúp cho những doanh nghiệp bằng việc lựa chọn các trường đại học để xây dựng trung tâm về công nghệ chip bán dẫn Việt Nam, thông qua đầu tư phòng thí nghiệm lớn, hiện đại, để từ thiết kế, kiểm chuẩn đến sản xuất, từ đó có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi này.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, các thiết bị chế tạo các chip, công cụ thiết kế đều đang được các nước nắm giữ và không bàn giao cho ai. Do đó, Việt Nam cũng cần có nghiên cứu sâu để tự mình làm chủ vấn đề này, nhưng đó là giải pháp dài hơi.

Theo đó, giải pháp trước mắt vẫn là tập trung chuỗi giá trị, thu hút doanh nghiệp liên quan điện tử sử dụng chip bán dẫn, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo bài bản hơn các lĩnh vực cơ bản khác có liên quan.

Hiện, ta có lợi thế là được các nước ưu tiên chuyển cho một phần công nghệ.

Về lâu dài, khi tham gia đầy đủ các chuỗi giá trị, nắm bắt các khâu thì nhân lực sẽ là vấn đề. Thực tế để nắm bắt, làm chủ công nghệ sản xuất là cả một vấn đề cần phải nghiên cứu cơ bản, rất nhiều khâu khác nhau và triển khai một cách lâu dài.

Vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo đầu tư một số trung tâm khoa học công nghệ để phục vụ công tác nghiên cứu cơ bản. Một số trung tâm đổi mới sáng tạo sẽ được đầu tư để tiến hành những khâu cơ bản ban đầu.

Theo Phó Thủ tướng, những khoản đầu tư này rất lớn, như lĩnh vực sản xuất thử có thể tiêu tốn 7 tỷ USD. Có thể 100 lần sản xuất thử mới ra được một con chip theo yêu cầu. Do đó, lĩnh vực này cần các doanh nghiệp tham gia, đặt ra các yêu cầu của thị trường trên cơ sở có cung, có cầu.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Mong đợi từ những cánh đồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp Mong đợi từ những cánh đồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến nhiều mục tiêu, ngoài nâng cao chất lượng lúa gạo, sản xuất lúa gạo bền vững, còn hướng đến giảm phát thải trong trồng lúa .