Con Buôn, Trọc Phú và Doanh Nhân: Tư duy quản trị khác biệt
Vừa qua, cuốn sách với tiêu đề “Con Buôn, Trọc Phú & Doanh Nhân: Tư Duy Quản Trị Khác Biệt” của tác giả - Thạc sĩ Nguyễn Phạm Hữu Hậu đã được phát hành hơn 2.000 bản, được rất nhiều bạn đọc quan tâm, đặt mua và đánh giá cao về chất lượng nội dung.
Để tìm hiểu rõ hơn những ý tưởng của tác giả về nội dung cuốn sách, chúng tôi có cuộc trao đổi ngắn với Thạc sĩ Nguyễn Phạm Hữu Hậu - Chuyên gia tái cấu trúc Doanh nghiệp, Phó chủ tịch Hanita Master về vấn đề xoay quanh quyển sách đầu tay của anh.
Phóng viên (PV): Động lực nào để ông tâm huyết viết ra cuốn sách này?
Thạc sĩ Nguyễn Phạm Hữu Hậu: Vài năm trở lại đây, khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 bùng nổ các phương tiện truyền thông đại chúng và các trang mạng xã hội không ngừng sử dụng hai từ "doanh nhân" để gán ghép vào trước tên của chủ doanh nghiệp. Ví dụ đơn cử như: "doanh nhân" Tr. V. Q., "doanh nhân" Đ. A. D., "doanh nhân" N. P. H… Và, dường như những chủ doanh nghiệp ấy vẫn không hề có những đính chính gì và đôi khi cũng thích thú với hai chữ "doanh nhân" được đặt trước cái tên thường gọi. Họ đã quá lạm dụng hai từ doanh nhân mà không hiểu chúng là danh hiệu hay danh xưng…
Tư duy "con buôn" và "trọc phú": đã lỗi thời (!?)
PV: Thưa Thạc sĩ, gần đây chúng tôi vẫn thường xuyên được nghe ông nhắc đến cụm từ "Con buôn" và "Trọc phú". Theo ý kiến cá nhân của ông, họ bao gồm những ai?
Thạc sĩ Nguyễn Phạm Hữu Hậu: Trong nền kinh thương của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng luôn có sự tồn tại của những Con buôn và Trọc phú. Đó là điều tất yếu và cũng là quy luật tự nhiên của sự phát triển xã hội. Bởi, nhân sinh tất yếu sẽ có người tốt kẻ xấu, không có môi trường nào là hoàn hảo tuyệt đối.
Con buôn và trọc phú là những người cũng làm kinh doanh trên thương trường, nhưng họ không kinh doanh dựa trên nguyên tắc "phụng sự xã hội" mà giống nhau ở chỗ kiếm được tiền bằng cách lừa ai đó, hại ai đó hoặc làm phương hại cho lợi ích quốc gia, cộng đồng và xã hội, chỉ khác nhau về quy mô thôi. Con buôn thì quy mô nhỏ, còn trọc phú thì quy mô lớn.
PV: Ông cho rằng, nhóm "Con buôn và Trọc phú" khác biệt trong tư duy quản trị đối với nhóm Doanh nhân. Vậy thì, theo ông khác biệt ở điểm nào?
Thạc sĩ Nguyễn Phạm Hữu Hậu: Khác biệt lớn nhất là năng lực văn hóa. Bởi, nhóm lãnh đạo doanh nghiệp là những "Con buôn và Trọc Phú" thì văn hóa của họ, lối sống của họ và đạo đức của họ có "phần lệch chuẩn" so với nhóm doanh nhân. Vậy nên, văn hóa kinh doanh của họ là "bất chấp" và "bất cần". Họ bất chấp lợi ích của người tiêu dùng và cũng bất cần xây dựng hệ thống quản trị và kinh doanh bền vững, vì lúc này lợi ích của họ là tối thượng. Điều chúng ta dễ nhận thấy nhất là nhân sự tại doanh nghiệp của họ "ra - vào" liên tục như các phiên chợ Tết.
PV: Ông có nhắc đến bốn trụ cột của văn hóa doanh nghiệp trong cuốn sách "Con buôn, Trọc phú và Doanh nhân: Tư duy Quản trị Khác biệt", ông có thể nói rõ hơn?
Thạc sĩ Nguyễn Phạm Hữu Hậu: Văn hóa doanh nghiệp được cấu thành bởi "bốn trụ cột" quan trọng: Văn hóa kinh doanh và tổ chức kinh doanh, Văn hóa tuyển dụng, Văn hóa phát triển và giữ chân nhân sự và cuối cùng là Văn hóa sa thải nhân sự. Văn hóa vốn dĩ là một khái niệm rộng lớn, không có định nghĩa cụ thể. Nó được hình thành bởi ba yếu tố quan trọng: "Chân - Thiện - Mỹ". Khi Lãnh đạo doanh nghiệp làm kinh doanh mà thiếu đi một trong ba yếu tố quan trọng như đã nêu thì đó không phải là kinh doanh nữa, luật pháp sẽ thay người tiêu dùng định nghĩa về những hành vi đó.
PV: Tư duy quản trị của Con buôn và Trọc phú, liệu có lỗi thời không thưa ông?
Thạc sĩ Nguyễn Phạm Hữu Hậu: Chắc chắn là lỗi thời và cũng sẽ sớm bị đào thải ra khỏi môi trường kinh thương trong sạch. Ngày nay, luật pháp Việt Nam gần như đã kiện toàn hầu hết các bộ luật liên quan nhằm bảo vệ người tiêu dùng tối đa nhất. Những hành vi gây "phương hại lợi ích" của người tiêu dùng, lợi ích quốc gia và lợi ích xã hội sẽ sớm bị xử lý theo quy định pháp luật.
Lãnh đạo cần "khai phóng" để tránh tư duy quản trị lỗi thời
PV: Được biết, ông là vừa một chuyên gia tái cấu trúc doanh nghiệp, vừa là một giảng viên mẫn cán của một trường đại học danh tiếng. Bên cạnh đó, đồng thời ông cũng là một lãnh đạo cao cấp của một doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh địa ốc. Vậy thì, ông sắp xếp thời gian như thế nào để viết sách?
Thạc sĩ Nguyễn Phạm Hữu Hậu: Bất kỳ ai trong chúng ta cũng chỉ có thời gian tối đa là 24 giờ trong ngày. Việc sắp xếp và phân bổ thời gian hợp lý sẽ dễ dàng khi chúng ta phân định rõ ràng và chi tiết các nhóm công việc: Cốt lõi, đặc biệt quan trọng, quan trọng và ít quan trọng. Những ai lấy lý do "bận" cũng chỉ là... ngụy biện. Bởi, khi và chi khi chúng ta sắp xếp việc ấy là quan trọng thì tất yếu sẽ có thời gian dành cho nó.
PV: Ông có thể chia sẻ thêm về hoàn cảnh ra đời quyển sách: "Con buôn, Trọc Phú và Doanh nhân: Tư duy Quản trị Khác biệt" ?
Thạc sĩ Nguyễn Phạm Hữu Hậu: Tôi vốn dĩ là người làm thuê chuyên nghiệp và đã "nếm trải" nhiều môi trường doanh nghiệp tại Việt Nam với hơn… 12 lần đổi việc trong hơn 16 năm làm doanh nghiệp. Sự khác biệt trong tư duy quản trị và văn hóa điều hành tại những doanh nghiệp mà tôi đã từng cống hiến là nguồn tư liệu quý giá để tôi ngày đêm ấp ủ, "thai nghén" suốt hơn 2 năm ròng trong giai đoạn 2019 - 2021 nhằm viết nên những trang sách mà bản thân Tôi tâm đắt nhất.
PV: Theo ông, lãnh đạo doanh nghiệp ngày nay cần thay đổi tư duy quản trị như thế nào để không bị "đào thải" trên thương trường?
Thạc sĩ Nguyễn Phạm Hữu Hậu: Tôi thiết nghĩ, lãnh đạo doanh nghiệp ngày nay cần phải cầu thị, lắng nghe và học hỏi nhiều hơn. Họ cần được khai phóng, thoát khỏi tư duy quản trị đã lỗi thời luôn xem mình là "Trung tâm vũ trụ" tại doanh nghiệp. Có nghĩa rằng, họ cần phải tiếp nhận "cái mới" của quy luật nhân sinh, quy luật của sự thay đổi và giải phóng khỏi sự "vô minh" trong tư duy quản trị vốn dĩ đã lỗi thời. Không có gì là tồn tại mãi mãi và bền vững để được gọi là trường tồn trước áp lực thay đổi của thời đại VUCA hiện nay (VUCA là từ được ghép từ chữ đầu tiên của 4 từ là Volatility (Sự biến động), Uncertainty (Sự không chắc chắn), Complexity (Độ phức tạp) và Ambiguity (Sự mơ hồ)).
Thời đại VUCA là thời đại có sự biến động không ngừng, bắt buộc chủ doanh nghiệp phải thay đổi tư duy quản trị nhằm thích nghi với thời đại mới. Kinh doanh là làm người. Chưa bao giờ có khái niệm "người tốt" mà kinh doanh bất chấp, làm phương hại cho lợi ích của nền kinh thương trong sạch nước nhà.
PV: Xin cảm ơn ông.
Link Đặt mua quyển sách: "Con buôn, Trọc Phú và Doanh nhân: Tư Duy Quản trị Khác biệt"
Link gốc:
https://tiki.vn/sach-hay-ve-con-buon-troc-phu-va-doanh-nhan-p205406855.html
Một loạt chính sách liên quan đến vấn đề kinh tế, xã hội như hỗ trợ phát triển hợp tác xã, thông tư quy định về giao dịch chứng khoán, chứng thực đủ chữ ký trong văn bản... chính thức có hiệu lực từ tháng 11/2024.