Cồn Cỏ - Sức hấp dẫn từ những nét riêng
Cồn Cỏ với những câu chuyện xúc động thời kỳ chống Mỹ cứu nước, vẻ đẹp hoang sơ, thanh bình của vùng biển cả, bảo tàng thiên nhiên độc đáo đang là điểm du lịch hấp dẫn du khách. Cồn Cỏ có những lợi thế để phát triển du lịch sinh thái biển, đảo với các sản phẩm, loại hình như tham quan, nghỉ dưỡng, nghiên cứu, du lịch thể thao, lặn thám hiểm biển, câu cá, khám phá rừng nguyên sinh trên đảo…
Tìm đến những địa chỉ đỏ thời kỳ chống Mỹ cứu nước
Dù mới đầu tháng 1 nhưng bà Trần Thanh Ngọc, 60 tuổi ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cùng nhóm bạn 8 người đã hào hứng lên kế hoạch sau khi ăn Tết Giáp Thìn xong sẽ có chuyến du lịch đầu năm 2024 đi Cồn Cỏ.
Chia sẻ về kế hoạch này, bà Ngọc vui vẻ cho biết, ngay khi còn là sinh viên Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học KHXH & Nhân văn), bà đã mơ ước được đến Cồn Cỏ sau khi đọc một cuốn sách viết về những chiến công của Anh hùng Thái Văn A trong cuộc chiến đấu chống lại những trận bom điên cuồng của đế quốc Mỹ. Khi biết năm 2017, Cồn Cỏ chính thức được đón khách du lịch bà đã rất mừng. Bây giờ thì thỏa ước mong rồi, bà cười rất tươi. Nhóm của bà Ngọc chọn đi vào đầu tháng 3 vì từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm là thời điểm thích hợp, thời tiết đẹp, biển lặng để ra với Cồn Cỏ.
Là hòn đảo trong vùng biển Quảng Trị, Cồn Cỏ có vị trí đặc biệt quan trọng, cách đất liền điểm gần nhất 13 hải lý; điểm cao nhất so mặt nước biển 63,4m; tổng diện tích tự nhiên 230 ha. Cồn Cỏ có vị trí quan trọng về quân sự, là vọng gác tiền tiêu của Tổ quốc, như con mắt thần quan sát biển Đông, cảnh giới cho miền Bắc và là điểm chốt phía Nam vịnh Bắc Bộ.
Cồn Cỏ nằm trong chuỗi địa danh lịch sử nổi tiếng của tỉnh Quảng Trị, gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hào hùng của dân tộc. Trong suốt 21 năm, Cồn Cỏ là hòn đảo tiền tiêu của miền Bắc, là "chiến hạm thép" canh giữ biển Đông. Cồn Cỏ đã trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tượng đài bất khuất sừng sững giữa biển khơi - chiến hạm không bao giờ bị đánh chìm trên Biển Đông. Nơi đây đã diễn ra hàng ngàn trận đánh lớn nhỏ, các lực lượng vũ trang Cồn Cỏ đã bắn cháy 48 máy bay, bắn chìm và cháy 17 tàu chiến các loại của Mỹ - ngụy. Với những chiến công hiển hách đó, Cồn Cỏ vinh dự 2 lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 6 cán bộ, chiến sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng.
Với những chiến công oanh liệt và bề dày lịch sử, Cồn Cỏ vừa là địa chỉ đỏ, đồng thời là một trong những điểm đến tham quan du lịch không thể thiếu khi du khách đến thăm đất lửa Quảng Trị anh hùng. Du khách yêu thích tìm hiểu lịch sử có thể đến một số điểm tham quan nổi bật như: Cột cờ Tổ quốc trên đảo Cồn Cỏ, đài tưởng niệm Anh hùng - liệt sĩ; Đài quan sát Thái Văn A; bến Tranh, bến Nghè; hầm Quân y…
Nhà truyền thống là nơi giới thiệu đến khách du lịch những tài nguyên thiên nhiên, sản vật quý giá cũng như tiềm năng phát triển của đảo Cồn Cỏ. Tại đây trưng bày và giới thiệu các hình ảnh, hiện vật tái hiện lại một phần lịch sử hào hùng của quân dân Cồn Cỏ trong quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền, đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Cột cờ của đảo Cồn Cỏ cao 38.8m với lá Quốc kỳ rộng 24m2 tung bay ngày đêm. Đây là điểm check-in được rất nhiều du khách lựa chọn khi đến với hòn đảo anh hùng này. Đây vừa là thể hiện lòng tự hào dân tộc, vừa là cách bày tỏ sự biết ơn với những người chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển đảo.
Đài tưởng niệm Đồi 37 là nơi để du khách dâng hương tôn vinh những người anh hùng đã anh dũng hy sinh xương máu trong hành trình bảo vệ biển đảo Tổ quốc để có được độc lập, chủ quyền như ngày hôm nay.
Hầm quân y trên đảo Cồn Cỏ được xây dựng trong thời kỳ chiến tranh, hầm này từng là nơi che chở và cung cấp dịch vụ y tế cho các chiến sĩ trên đảo. Đây cũng là nơi giúp du khách có những trải nghiệm về một mảng lịch sử trong thời kỳ Cồn Cỏ là một "chiến hạm trên biển".
Bảo tàng thiên nhiên kỳ thú giữa biển khơi
Không chỉ là hòn đảo nổi tiếng kiên cường trong chiến tranh chống Mỹ, Cồn Cỏ còn là một trong những hòn đảo đẹp hiếm có của miền Trung với khí hậu ôn hòa, địa hình cảnh quan đẹp. Cảnh quan tại đảo Cồn Cỏ là một sự hòa quyện hoàn hảo giữa đại dương bao la, những bãi cát mịn và khu rừng nguyên sinh bí ẩn. Cồn Cỏ được xác định có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển du lịch, với nét đẹp tự nhiên hoang sơ chưa chịu sự tác động nhiều của bàn tay con người. Vì vậy mà rất nhiều du khách lựa chọn đến đây để được hòa mình vào thiên nhiên, khám phá nét độc đáo của hòn đảo xinh đẹp này.
Là đảo hình thành bởi hoạt động kiến tạo từ phun trào của núi lửa cách đây trên 4 vạn năm, Cồn Cỏ có giá trị về địa chất và sinh thái cảnh quan như một bảo tàng thiên nhiên với các thềm đá ba zan độc đáo dọc bờ biển, các bãi tắm nhỏ hoang sơ được tạo thành từ vụn san hô, sò, điệp, cát... nước biển trong xanh, nhiệt độ nước biển ổn định. Vào ban đêm, du khách có thể theo tàu của người dân đi đánh cá, câu mực, chắc chắn là những trải nghiệm vô cùng thú vị.
Mặc dù từng bị chiến tranh tàn phá nhưng đến nay, rừng nguyên sinh trên đảo Cồn Cỏ vẫn còn gần như nguyên vẹn và thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới quý hiếm với ba tầng cây cỏ, dây leo và thảm thực vật phong phú. Động vật trên đảo tuy không nhiều nhưng chủng loại khá độc đáo. Đó là những đàn chim én; các loại bò sát, trong đó có loài rắn lục đuôi đỏ rất độc nhưng là nguồn dược liệu quý hiếm. Đặc biệt Cồn Cỏ có loài cua đá nổi tiếng vừa sống trên cạn vừa sống dưới nước và là động vật được bảo vệ nghiêm ngặt. Với đặc trưng đa dạng của hệ sinh thái, vùng biển quanh đảo có nhiều tài nguyên sinh vật biển phong phú với 267 loài cá của 120 giống thuộc 69 họ, với trữ lượng khoảng 60.000 tấn/năm.
Qua khảo sát của ngành thủy sản đã phát hiện đáy biển Cồn Cỏ là một trong những vùng biển có rặng san hô tốt nhất tại Việt Nam. Ở đây có loài san hô đỏ rất quý hiếm với mật độ dày, hình khối rất đẹp, màu sắc hấp dẫn khác thường.
Đặc sản Cồn Cỏ có nhiều món ăn ngon như món hàu vua (hàu răng cưa); rong nho; ốc nón; ốc thổ; cá rạn các loại như cá mú, cá tai lợn, cá dìa, chè ne, cá doái, cá bò, mực, tôm... dê, heo, gà, rau sạch người dân nuôi trồng trên đảo...
Các yếu tố đặc thù đã tạo cho Cồn Cỏ có những lợi thế, sức hấp dẫn riêng để phát triển du lịch sinh thái biển, đảo với các sản phẩm, loại hình như tham quan, nghỉ dưỡng, nghiên cứu, du lịch thể thao, lặn thám hiểm biển, câu cá, khám phá rừng nguyên sinh trên đảo...
"Đảo ngọc" đang trở thành điểm đến hấp dẫn
Với những tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, ngay từ khi thành lập huyện Cồn Cỏ theo Nghị định 174/2004/ NĐ-CP ngày 1/10/2004 và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 18/4/2005, Chính phủ đã có chủ trương đặc thù cho huyện đảo Cồn Cỏ là phát triển kinh tế kết hợp với củng cố, đảm bảo quốc phòng-an ninh, trong đó ưu tiên xây dựng Cồn Cỏ trở thành hòn đảo du lịch biển.
Trong hành trình phát triển, Cồn Cỏ đang có bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc để xứng đáng là "hòn ngọc" - đảo văn hóa, du lịch - mắt thần trên Biển Đông - đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Từ một hòn đảo nhỏ bị bom đạn cày xới, đến nay Cồn Cỏ đã mang một diện mạo mới với rất nhiều ngôi nhà khang trang, nhiều công trình vui chơi giải trí. Từ đảo có thể liên lạc dễ dàng với đất liền bằng điện thoại. Các hạng mục hạ tầng cơ sở trên đảo đã và đang từng bước được hoàn thiện để phục vụ người dân và khách du lịch ngày càng tốt hơn.
Theo Chủ tịch UBND huyện Cồn Cỏ Võ Viết Cường, thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh đầu tư và kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ, du lịch; nâng cấp, phục dựng các điểm tham quan gắn với di tích lịch sử trong giai đoạn chiến đấu chống Mỹ bảo vệ đảo, từng bước tạo dựng được một số sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng gắn với một số đặc sản riêng có của đảo Cồn Cỏ.
Huyện đã tiến hành nâng cấp, phục dựng các điểm tham quan gắn với di tich lịch sử trong giai đoạn chiến đấu chống Mỹ bảo vệ đảo, từng bước tạo dựng được một số sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng gắn với một số đặc sản riêng có của đảo Cồn Cỏ. Bố trí kinh phí xây dựng Nhà truyền thống (giai đoạn 2); Cải tạo, nâng cấp Bến Nghè; Phục dựng Đài quan sát Thái Văn A; Trang trí đèn LED Cột Cờ và các tuyến đường trung tâm tạo điểm nhấn phục vụ khách tham quan, chụp ảnh... Đến tháng 11/2023 tổng vốn đầu tư cho du lịch đạt khoảng 5 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/11/2023, lượng khách du lịch ra đảo đạt 8.681 khách.
Huyện cũng tạo điều kiện và khuyến khích các hộ gia đình đầu tư, sửa chữa, trang bị thêm cơ sở vật chất nâng cao chất lượng các dịch vụ như: Đầu tư xe điện, sửa chữa nhà nghỉ (theo mô hình homestay), nâng cấp nhà hàng, quan tâm chất lượng dịch vụ... UBND huyện đã tạo điều kiện thuận lợi, phối hợp với các đơn vị lữ hành xây dựng tour, tuyến, chương trình phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn tổ chức đưa khách du lịch ra đảo đảm bảo đúng quy định, trong đó có 9 đơn vị lữ hành đã tổ chức khai thác đưa khách ra đảo. Giá tour trên địa bàn áp dụng cho 1 khách dao động từ 1.250.000 đồng đến 1.500.000 đồng/ngày-đêm, nhìn chung giá tour được các đơn vị lữ hành khai thác phù hợp với các điều kiện thực tế trên địa bàn.
Tính đến nay toàn huyện có 7 địa điểm kinh doanh dịch vụ lưu trú với số lượng 73 phòng nghỉ (197 giường), phục vụ trên 250 khách lưu trú. Trên địa bàn hiện có 05 điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát đảm bảo phục vụ cho khoảng 500 khách với những món ăn đặc trưng của đảo như: Hàu, các loại ốc biển, rong nho biển, chuối rừng, mực, ghẹ, hải sâm, cá... Huyện đang tiếp tục nâng cao chất lượng các đặc sản làm quà lưu niệm mang thương hiệu Cồn Cỏ như trà Giảo cổ Lam, nước nắm, hàu răng cưa, rong nho, cá khô...
Chủ tịch UBND huyện Cồn Cỏ Võ Viết Cường trăn trở: Đến thời điểm này, một ngày, đảo Cồn Cỏ chỉ tiếp nhận được khoảng 250 đến 270 khách. Vào mùa cao điểm các ngày lễ, Cồn Cỏ không đáp ứng đủ nhu cầu của du khách. Do đó, trong thời gian tới, huyện đảo Cồn Cỏ mong muốn các cấp, các ngành quan tâm đẩy nhanh tiến độ triển khai và hoàn thành bến du lịch ở đất liền (tại cảng Cửa Việt) góp phần ổn định và nâng cao chuyên nghiệp trong phát triển du lịch biển; hỗ trợ tạo điều kiện cho đảo hoàn thiện một số cơ sở hạ tầng và kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm lực, tâm huyết đến đầu tư trên đảo. Từ đó, nâng cao chất lượng các dịch vụ, sẵn sàng và chủ động đón du khách du lịch đến với đảo Cồn Cỏ.
Phương LoanTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.