Cơn khát chip có thể thổi bay 110 tỷ USD của các nhà sản xuất ô tô

Đầu tư và Tiếp thị
04:53 PM 14/05/2021

Thiệt hại ước tính với các nhà sản xuất ô tô có thể tăng gấp đôi so với dự tính ban đầu của các nhà phân tích.

Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn đang ảnh hưởng ngày càng lớn đến ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Thiệt hại ước tính có thể lên đến 110 tỷ USD, gấp đôi so với dự đoán 61 tỷ USD ban đầu.

Đó là đánh giá mới nhất của AlixPartners, một công ty tư vấn toàn cầu theo dõi chặt chẽ cuộc khủng hoảng chip ngày càng gia tăng. Họ cũng cho biết các nhà sản xuất ô tô trên thế giới sẽ không thể sản xuất 3,9 triệu xe do thiếu chip trong năm nay, nhiều hơn 2,2 triệu xe so với dự đoán hồi tháng 4. Con số này tương đương 4,6% toàn bộ lượng xe dự kiến sản xuất ra trên toàn cầu trong năm 2021 (84,6 triệu xe).

Các hãng sản xuất ô tô gần đây đưa ra cảnh báo tình trạng thiếu chip sẽ trở nên tồi tệ hơn. Ford và General Motor đều dự đoán quý II sẽ quý tồi tệ nhất từ trước đến nay vì họ buộc phải ngừng hoạt động các nhà máy do thiếu các thành phần thiết yếu. Theo đánh giá của AlixPartners, ngành công nghiệp này sẽ không có dấu hiệu phục hồi cho đến cuối năm nay.

Cơn khát chip có thể thổi bay 110 tỷ USD của các nhà sản xuất ô tô - Ảnh 1.

Ngành sản xuất ô tô bị thiệt hại nặng nề vì cơn khủng hoảng chip hiện nay.

Mark Wakefield – người đứng đầu bộ phận ô tô của AlixPartners cho biết trong một cuộc phỏng vấn: "ngành ô tô chưa thể phục hồi cho đến quý IV".

Việc cắt giảm sản lượng này đang đẩy giá xe mới và xe cũ tại Mỹ lên cao, góp phần tăng thêm lạm phát. Một nhà nghiên cứu khác, LMC Automotive, dự đoán sản lượng xe toàn cầu sẽ bị cắt giảm gần 3 triệu xe chỉ trong nửa đầu năm nay.

CEO của Ford, Jim Farley cho biết công ty đang thiết kế lại các mẫu xe của mình để sử dụng những con chip phổ biến và "dễ tiếp cận nhất". Hãng cũng đang có kế hoạch tăng tồn kho chất bán dẫn và ký hợp đồng trực tiếp với các nhà sản xuất chip, thay vì thông qua một nhà cung cấp linh kiện ô tô. Farley nói trong cuộc họp cổ đông thương niên của Ford: "Chúng tôi nhìn thấy được sự cải thiện vào nửa cuối năm nay. Chúng tôi đang tự tin hơn về nguồn cung chip".

Cuộc khủng hoảng chip toàn cầu bắt nguồn từ việc cắt giảm sản xuất liên quan đến đại dịch, hoả hoạn tại nhà máy bán dẫn ở Nhật Bản và đợt rét đậm lịch sử vào mùa đông năm nay ở Texas làm sản lượng chất bán dẫn sụt giảm nghiêm trọng.

Dan Hearsch, CEO mảng ô tô của AlixPartners cho biết: Có đến 1.400 con chip trên một phương tiện thông thường và con số đó sẽ còn tăng lên. Ưu tiên hàng đầu với các công ty lúc này là giảm thiểu tác động ngắn hạn".

AlixPartners, công ty đã giúp General Motor vượt qua trình trạng phá sản hơn một thập kỷ trước, ước tính vào tháng 1 rằng tình trạng thiếu chip sẽ khiến ngành công nghiệp ô tô thiệt hại 61 tỷ USD doanh thu. Khi cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn, công ty đã làm việc với các nhà sản xuất ô tô để cải tổ lại việc quản lý chuỗi cung ứng nhằm cố gắng tránh điều này xảy ra một lần nữa.

Bài học đầu tiên mà các nhà sản xuất ô tô học được, Wakefield nói, là họ không còn giữ vị thế "cửa trên" trong quan hệ với các nhà cung cấp, đặc biệt là các nhà sản xuất chip. Đơn giản bởi vì các nhà sản xuất chip đang phục vụ những gã khổng lồ công nghệ, vốn trả giá cao hơn cho các chất bán dẫn tiên tiến cho điện thoại di động, máy tính xách tay hay máy chơi game.

Các nhà sản xuất ô tô đang ở trong tình huống: "Họ có còn để mắt đến mình không, thay vì mình là một con chó sói lớn nghênh ngang trên đường", Wakefield nói. "Giảm chi phí là ưu tiên hàng đầu của các hãng xe".

Tham khảo nguồn: SCMP

Đức Nam
Ý kiến của bạn