“Con ngựa tiêu dùng” trong “cỗ xe tam mã” tăng trưởng
Để “cỗ xe tam mã” tăng trưởng hiệu quả, điều cần quan tâm là khâu tổ chức thực hiện trong thời gian tới như thế nào?
Tại Hội nghị trực tuyến mới đây với các địa phương, Thủ tướng Chính Phủ phát biểu: “Trong khó khăn của thế giới và trong nước, một lần nữa chúng ta cần phải kiên định, phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, để nâng cao uy tín chỉ đạo điều hành và củng cố niềm tin của nhân dân, của doanh nghiệp, thu hút đầu tư, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội. Vì cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam như “cỗ xe tam mã” gồm 3 cấu phần quan trọng. Đó là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Chúng ta phải dùng mọi biện pháp để thúc đẩy cả 3 “con ngựa kéo” để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất”.
Đúng vậy, sau dịch COVID-19, tình hình kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đều bị suy giảm mạnh.
Cả 3 “ngựa kéo” đều suy giảm
Giá mặt hàng thịt lợn thời gian qua vẫn ở mức cao.
Riêng lĩnh vực tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội 6 tháng đầu năm 2020 giảm 0,8% so với cùng kỳ 2019 (nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm đến 5,3% so với cùng kỳ năm trước). Phân tích riêng về lĩnh vực tiêu dùng cho thấy, về sức mua xã hội, trong 51,8 triệu lao động đang làm việc thì trong 6 tháng đầu năm 2020 có đến 30,8 triệu lao động bị ảnh hưởng do dịch.
Trong đó 2,4 triệu lao động mất việc làm, tỷ lệ thất nghiệp trên cả nước gia tăng, riêng quý II/2020, tỷ lệ thất nghiệp tăng 2,73%, tăng cao nhất trong 10 năm qua.
Dịch bệnh tuy đã cơ bản được giải quyết, tuy nhiên thu nhập của người lao động bị suy giảm đã dẫn tới sức mua của toàn xã hội giảm theo.
Mặt khác, các gia đình tiết kiệm chi tiêu, dành những khoản dự phòng cho việc đột xuất, nên dẫn tới nhu cầu khả năng thanh toán bị suy giảm mạnh trong thời gian có dịch và sau dịch.
Yếu tố tiếp theo là giá một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn còn duy trì ở mức cao vô lý, điển hình như giá mặt hàng thịt lợn trong 6 tháng đầu năm 2020 đã tăng đến 50% ở khu vực chợ lẻ so với giá của giữa năm 2019. Riêng đối với một số siêu thị, giá còn tăng 60% - 70%.
Những mặt hàng khác như đường ăn, rau quả, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình… cũng có lúc hình thành mức giá cao vô lý từ 10%-20%, thậm chí đến 40% – 50%.
Điều khó hiểu với giá bán lẻ là những đơn vị bán lẻ hiện đại có điều kiện thu mua lớn, có thế mạnh đàm phán được “ưu ái” giá thu mua, thậm chí ép giá thu mua hàng hóa.
Ở góc độ vốn kinh doanh, hầu hết hàng bán ở siêu thị đến 80% - 90% là vốn của nhà cung ứng (do là hàng kí gửi đại lý), thậm chí họ còn chiếm dụng vốn khi thanh toán chậm cho nhà cung ứng theo hợp đồng đã ký, nhưng giá vẫn cao hơn chợ từ 20% - 30% (đã trừ 10% yếu tố thuế VAT).
Đây là điều vô lý không thể chấp nhận được ở thị trường nội địa hiện nay. Việc này đã tồn tại hàng chục năm nay nhưng chưa được giải quyết, vì lợi nhuận của chuỗi sản xuất phân phối chưa được luật hóa để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các khâu trong quá trình tái sản xuất xã hội.
Thủ tướng đã nói “phải đảm bảo hài hòa lợi ích các khâu từ sản xuất chăn nuôi, phân phối chế biến lưu thông tiêu dùng” và “nếu chúng ta buông lỏng công tác quản lý giá là một sai lầm, do đó phải có ban chỉ đạo điều hành chứ không thể để thị trường tự do không kiểm soát dẫn tới hậu quả nghiêm trọng”.
Vấn đề này đã gián tiếp làm giảm sức mua của người tiêu dùng, làm ảnh hưởng đến sự kích thích và phát triển sản xuất của hàng Việt. Những đợt khuyến mại, những tháng khuyến mại trong 6 tháng đầu năm hiệu quả rất thấp bởi sức mua vẫn còn suy giảm.
Mặt khác, yếu tố kích thích sức mua trong các đợt khuyến mại còn đang hạn chế như hàng hóa chưa đa dạng, bởi đâu đó vẫn còn tính minh bạch công khai trước, trong và sau khuyến mại chưa được thể hiện đầy đủ trong các đợt tổng kết.
Với hệ thống phân phối, quan sát trên thị trường cho thấy hàng loạt các thương hiệu siêu thị trên thị trường Việt Nam đã rút lui như Ochan, Parkson, Fivimart, Citimart, riêng Aeon cũng tạm đóng cửa một phần trung tâm thương mại của mình khi có dịch.
Đối với chợ và các cửa hàng lẻ, doanh số sụt giảm từ 30% - 40%, nhiều cửa hàng hiệu đóng cửa, treo biển cho thuê. Một số đơn vị bán lẻ đã chuyển sang bán hàng đa kênh, bao gồm cả trực tiếp và online, để bù đắp những khó khăn trong và sau dịch.
Với tình hình sức mua xã hội, giá cả hàng hóa trên thị trường và hệ thống phân phối như vậy, Chính phủ đã đề cập rất trúng về vai trò quan trọng của “con ngựa tiêu dùng” trong cỗ xe tam mã đế kích thích phát triển kinh tế sau dịch.
Chính cỗ xe tam mã xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng nếu khởi sắc trong quý III và IV năm 2020 sẽ góp phần thúc đẩy giải quyết việc làm, tăng thu nhập và kích thích tiêu dùng xã hội.
Điều quan trọng là phải đưa “cỗ xe tam mã” phát triển nhanh và vững chắc, giải quyết những khiếm khuyết trong đầu tư xuất khẩu và tiêu dùng xã hội. Có như vậy, thì việc khởi động, khôi phục và phát triển kinh tế sau dịch, chống suy thoái kinh tế mới đạt được những hiệu quả nhất định.
Thúc đẩy bằng cách nào?
Vậy muốn đẩy mạnh “cỗ xe tam mã”, trong đó có “con ngựa tiêu dùng”, chúng ta phải làm gì? Đầu tiên phải nói đến yếu tố nhu cầu có khả năng thanh toán trong các tầng lớp dân cư. Bài toán đặt ra là phải phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống của người lao động trong toàn xã hội.
Thu nhập của người lao động bị suy giảm đã dẫn tới sức mua của toàn xã hội giảm theo.
Thời gian sau dịch, Chính phủ đã có những cố gắng nâng cao và khôi phục sức mua xã hội bằng các chính sách trợ cấp, phụ cấp cho người dân…
Đi đôi với việc đẩy mạnh sức mua xã hội, thì cần phát triển sản xuất hàng hóa, nhất là nhóm hàng nông sản thực phẩm, tăng cung cho xã hội với những sản phẩm có chất lượng, giá cả cạnh tranh, mẫu mã đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Có như vậy mới có những tác động tích cực để nâng cao sức cầu của xã hội.
Sản xuất và phân phối nhất thiết phải thiết lập được các chuỗi hoạt động một cách hiệu quả, lợi nhuận của từng khâu trong chuỗi phải được xác định hợp lý nhằm kích thích chuỗi phát triển ngày càng bền vững. Đó là quy luật khách quan của việc sản xuất kinh doanh mang tính bền vững, đó là kinh doanh có đạo đức, biết chia sẻ khi nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu với nền kinh tế khu vực và thế giới.
Hàng hóa sản xuất ra phải đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ, để giảm khâu trung gian, chi phí, giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt ở thị trường nội địa. Những hành vi trục lợi nhằm thu lợi nhuận ở khâu trung gian và khâu bán lẻ hưởng một cách quá mức là không thể chấp nhận được.
Muốn phục vụ việc kích cầu thị trường nội địa cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối quốc gia bao gồm các vùng sản xuất tập trung theo thế mạnh, đi đôi với các trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến, hạ tầng giao thông, các dịch vụ logistics.
Cần sớm thiết lập hệ thống các chợ đầu mối nhằm đảm bảo cho hàng hóa sản xuất ra được giao dịch một cách công khai minh bạch trên thị trường, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Chấp hành nghĩa vụ đầy đủ với ngân sách nhà nước và phục vụ tiêu dùng xã hội một cách hiệu quả.
Những thủ tục hành chính thành lập các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các chuỗi bán lẻ cần thông thoáng, ít chi phí và thời gian, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận đất đai, vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh.
Nhà nước cần làm tốt công tác kiểm soát thị trường, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế. Kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, khuyến khích các đơn vị làm ăn nghiêm túc đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Ngoài sự hỗ trợ về mọi mặt của nhà nước và các bộ ngành, các địa phương thì các doanh nghiệp bao gồm cả bán hàng trực tiếp và bán hàng online đều phải làm tốt các công tác xây dựng thương hiệu của hàng hóa, thương hiệu bán lẻ.
Tạo niềm tin cho người tiêu dùng liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp, tiến tới hình thành các tập đoàn sản xuất kinh doanh lớn, đủ sức dẫn dắt thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngay ở thị trường nội địa.
Một vấn đề quan trọng là dành nhiều thời gian cho sản xuất kinh doanh, nhưng thực tế đầu tư cho nghiên cứu và phát triển còn chiếm một tỷ lệ rất thấp, cần phải dành những nguồn kinh phí nhất định cho công tác này.
Hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời đại công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp cần sử dụng các thành tựu khoa học trong nước và thế giới trong việc tối ưu hóa việc tổ chức nguồn hàng, dự trữ háng hóa, quản lý và kinh doanh sản xuất, chăm sóc khách hàng.
Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tếĐại hội Sales và Marketing toàn quốc (VSMCamp) và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing (CSMOSummit) mùa thứ 8 đã trở lại trong hai ngày 22-23/11/2024, tại trường Đại học VinUni, Hà Nội, với chủ đề “FORWARD+ Chiến lược sales và marketing trong kỷ nguyên phát triển bền vững”. Trong ngày đầu tiên của chuỗi sự kiện, hơn 60 diễn giả, chuyên gia; các cơ quan truyền thông, báo chí; những người hoạt động và có mối quan tâm tới lĩnh vực sales & marketing cùng sinh viên các trường Đại học đã hội tụ tại sự kiện sales và marketing lớn nhất năm.