Cơn sốt giá vàng 2020: Ai là người hưởng lợi?
"Trong cơn sốt vàng ở California vào thế kỷ 19, cách chắc chắn nhất để có được tài sản là kinh doanh "cuốc và xẻng". Nếu cơn sốt vàng năm 2020 có dấu hiệu tương đương, cách chắc chắn nhất để có tài sản đó là kinh doanh ETF", Bloomberg đưa tin.
Kể từ đầu năm đến nay, các quỹ ETF vàng và bạc đã tích lũy được số kim loại quý có tổng trị giá hơn 50 tỷ USD. Hiện các quỹ ETF nắm giữ nhiều vàng hơn bất cứ NHTW nào ngoại trừ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Đà tăng vọt của vàng đã tạo ra nguồn thu phí dồi dào cho các quỹ ETF và cũng làm lợi cho tất cả những ai tham gia vào ngành kinh doanh cung cấp dịch vụ cho các quỹ ETF. Đó là những công ty tài chính cung cấp nguồn vốn cho nhà đầu tư, hay các ngân hàng và những công ty chứng khoán có dịch vụ cất giữ số vàng và bạc vật chất trị giá hàng trăm tỷ USD trong các hầm chứa nằm sâu dưới lòng đất phía dưới các con phố của London.
Các quỹ ETF thường thu một khoản phí được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên tổng giá trị tài sản. Sau khi các nhà đầu tư tăng đầu tư vào vàng vì giá vàng giao ngay tăng chóng mặt, có lúc lập kỷ lục cao nhất mọi thời đại ở mức 2.075 USD/ounce, lợi nhuận của các quỹ ETF được hưởng lợi kép.
Tổng mức phí mà 10 quỹ ETF vàng lớn nhất thu được – dựa trên mức giá vàng hiện tại và lượng vàng mà họ đang nắm giữ - vào khoảng 610 triệu USD mỗi năm, theo tính toán của Bloomberg. Con số của top 10 quỹ ETF bạc lớn nhất khiêm tốn hơn, chỉ vào khoảng 110 triệu USD. Trong 8 tháng đầu năm 2020, lượng bạc mà các nhà đầu tư mua vào thông qua các ETF lớn hơn cả sản lượng của 10 công ty khai thác bạc lớn nhất thế giới cộng lại trong năm ngoái.
Một số ngân hàng lớn như JPMorgan Chase và HSBC – vốn thay mặt các quỹ ETF nắm giữ vàng và bạc trong các hầm chứa – cũng hưởng lợi. Đối với họ đây chỉ là một mảng nhỏ trong bức tranh hoạt động kinh doanh nhưng vì khối lượng nắm giữ tăng lên nhanh chóng, lợi nhuận thu được từ mảng này ngày càng đóng vai trò quan trọng.
SPDR Gold Trust ETF (GLD – ETF vàng lớn nhất thế giới) hiện đang gửi vàng tại các hầm chứa của ngân hàng HSBC. Lần gần nhất mức phí lưu trữ được là vào năm 2015, theo đó HSBC nhận được 0,1% mỗi năm trên tổng giá trị của 4,5 triệu ounce đầu tiên, sau đó tỷ lệ là 0,06%.
Phí thu từ các hầm chứa chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số 1,1 đến 1,2 tỷ USD mà các ngân hàng kiếm được từ các kim loại quý mỗi năm, theo Amrit Shahani, giám đốc nghiên cứu của Coalition Development Ltd. Chuyên gia này nhận định năm nay con số sẽ tăng gấp đôi.
Cơn sốt vàng khiến nhu cầu tăng vọt và làm cả hệ thống bị kéo căng. Báo cáo quý của GLD cho thấy bắt đầu từ tháng 4 quỹ đã sở hữu một lượng vàng không được gửi vào két của HSBC mà là gửi tại NHTW Anh. BoE chỉ đứng sau Fed về lượng vàng đang nắm giữ. Nguyên nhân là vì mọi hoạt động đều bị chậm lại bởi các biện pháp giãn cách xã hội trong thời dịch bệnh, BoE không thể chuyển vàng đến hầm chứa của HSBC đủ nhanh theo nhu cầu của GLD.
Các quỹ ETF đua nhau mua bạc cũng gây ra nhiều vấn đề về chỗ chứa. Hiện quỹ ETF bạc lớn nhất thế giới là iShares Silver Trust (SLV) đang gửi bạc ở JPMorgan. Lâu nay hai bên vẫn có quy ước rằng nếu như số lượng vượt quá 500 triệu ounce, SLV sẽ tìm thêm nơi gửi. Nhưng vào tháng 7, khi con số vượt qua ngưỡng đó, quy ước lẳng lặng bị xóa bỏ. JPMorgan mới đây đã đạt được thỏa thuận với các hầm chứa khác ở London và hiện đang nhân danh SLV gửi bạc ở hầm chứa gần sân bay Heathrow của Malca-Amit, cùng với 2 hầm khác của Brink's Co.
Thủy Phạm (theo Bloomberg)Theo Bộ Công Thương, dự kiến sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10-25% so với cùng kỳ.