Condotel, officetel sẽ được cấp sổ hồng từ tháng 5/2023
Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi các nghị định hướng dẫn cho Luật Đất đai, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5. Trong đó, condotel, officetel sẽ được cấp sổ hồng nếu đủ điều kiện.
"Cởi trói" cho condotel và officetel
Sau giai đoạn phát triển mạnh mẽ từ 2016 - 2018, condotel và officetel bỗng rơi vào trầm lắng do không cấp được sổ hồng. Đây là lý do khiến nhà đầu tư rời bỏ khỏi phân khúc này khiến giá căn hộ rớt mạnh, cùng theo đó thị trường "bất động" suốt nhiều năm.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đến cuối năm 2022, chỉ riêng condotel, cả nước có khoảng 83.000 căn chờ sổ hồng, phần lớn thuộc các khu du lịch nghỉ dưỡng, sử dụng quỹ đất thương mại, dịch vụ có thời hạn 50-70 năm. Ở phân khúc officetel, shophouse, riêng tại TP.HCM hiện có 10.019 căn chưa được cấp sổ. Tuy nhiên, do vướng mắc về pháp lý dẫn đến nhiều địa phương lúng túng, không thực hiện được việc cấp sổ hồng cho các chủ sở hữu công trình này.
Do đó, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Trong đó, đáng chú ý, nghị định mới bổ sung quy định các công trình lưu trú du lịch được xây dựng trên đất thương mại, dịch vụ sẽ được cấp Chứng nhận quyền sở hữu (sổ hồng) theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ nếu đáp ứng đủ điều kiện pháp luật về đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản.
Chủ sở hữu công trình xây dựng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về kinh doanh bất động sản. Thời hạn sử dụng đất theo quy định tại khoản 3, điều 126 và khoản 1, điều 128 của Luật đất đai 2013. Khi cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ condotel, người mua chỉ được sử dụng đất và sở hữu căn hộ trong thời gian sử dụng đất còn lại của chủ đầu tư, chứ không được sử dụng ổn định lâu dài như loại đất ở.
Nghị định cũng quy định sau khi hoàn thành công trình, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi Sở Tài nguyên Môi trường các giấy tờ như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ dự án...
Cùng với đó, chủ đầu tư phải nộp bản vẽ thiết kế, thông báo cho phép chủ đầu tư nghiệm thu hạng mục công trình, danh sách các tài sản gồm các thông tin tên của tài sản, diện tích đất, diện tích xây dựng sử dụng chung, sử dụng riêng của từng tài sản.
Quy định mới này đã tháo gỡ nút thắt pháp lý cho doanh nghiệp và người mua căn hộ khách sạn, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng (condotel), văn phòng lưu trú (officetel), biệt thự du lịch nghỉ dưỡng và những công trình khác phục vụ lưu trú, du lịch trên đất thương mại, dịch vụ.
Cần đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và tính khái quát
Tuy nhiên, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng nghị định này chưa quy định khái quát hóa việc cấp Giấy chứng nhận đối với các công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú trên đất thương mại, dịch vụ, mà chỉ quy định cấp Giấy chứng nhận đối với công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật về du lịch trên đất thương mại, dịch vụ.
Do vậy, Hiệp hội tiếp tục kiến nghị sửa đổi Nghị định 10/2023 để cấp Giấy chứng nhận cho căn hộ condotel, căn hộ officetel và các công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú trên đất thương mại, dịch vụ để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và tính khái quát cao.
Chia sẻ với báo chí, đại biểu Phạm Văn Thịnh - ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc Chính phủ ban hành nghị định về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai, trong đó bổ sung việc cấp sổ đỏ cho condotel, officetel... là rất đúng đắn, kịp thời. Việc này giúp đảm bảo tính pháp lý cho các dạng tài sản này.
Từ đó các sản phẩm này sẽ nhanh chóng được đưa vào thị trường để đảm bảo tính thanh khoản cho tài sản là bất động sản lớn trong nền kinh tế. Với chính sách mới này các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng lớn như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... sẽ được hưởng lợi, gỡ vướng về pháp lý.
Sau khi Nghị định có hiệu lực, Chính phủ cần có chỉ đạo để chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố khẩn trương cùng với các chủ đầu tư triển khai đưa quy định mới vào thực tế. Trong quá trình cấp sổ cho các sản phẩm này, cần linh hoạt, tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính để sớm có đủ tính pháp lý, giúp đưa vào thị trường lưu thông, tạo thanh khoản cho nền kinh tế, giúp giảm nợ xấu...
Trong đó, chú trọng hai phương pháp cơ bản là chiết trừ và so sánh trực tiếp. Bên cạnh đó, hiện nay thị trường bất động sản đang "trầm lắng" thì việc xác định nghĩa vụ tài chính cũng thuận lợi hơn nhiều. Quan trọng là cần lấy đủ dữ liệu và dữ liệu phải trung thực thì mọi việc sẽ đơn giản, không lo ngại.
An Mai (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.