Công an huyện Gò Công Tây, Tiền Giang: Phục hồi giải quyết đơn tố giác tội phạm
Mặc dù ra quyết định phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm (sau nhiều lần tạm đình chỉ). Nhưng đến nay, vụ việc người dân tố cáo đối tượng có hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” ở xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Nội dung vụ việc
Theo đó, trên số báo ngày 20/01/2021, tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã phản ánh bài “Công an huyện Gò Công Tây (Tiền Giang): Sao chưa khởi tố vụ án?”. Nội dung: Ông Huỳnh Văn Cương (SN 1966, ấp Bình Đông Trung, xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) tố giác tội phạm đối với đối tượng Trần Thị Kim Xuyến (SN 1990, ngụ tại số nhà số 267, tổ 38, ấp Bình Hòa Đông, xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây) có hành vi “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”.
Cụ thể, ông Cương có cho Trần Thị Kim Xuyến vay tiền để kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm. Tổng cộng số tiền đối tượng Xuyến nợ ông Cương là 2,516 tỷ đồng, đều có hợp đồng và biên nhận. Tuy nhiên, khi đến thời hạn phải trả tiền vay, Xuyến né tránh, tẩu tán tài sản (bán nhà) rồi bỏ đi nơi khác. Ông Cương làm đơn tố cáo Xuyến, gửi đến nhiều cơ quan bảo vệ pháp luật, từ ngày 11/10/2018. Tất cả những đơn này được chuyển về Công an huyện Gò Công Tây để giải quyết theo thẩm quyền.
Ngày 26/5/2019, Công an huyện Gò Công Tây ra quyết định số 964 về việc: “Tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin tố giác về tội phạm”, với lý do: “… Đã yêu cầu cá nhân (ông Cương) cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố vụ án hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả, đến nay hết thời hạn kiểm tra, xác minh tố giác về tội phạm”.
Không đồng ý, ông Cương làm đơn khiếu nại, tố cáo gửi nhiều nơi. Ngày 01/7/2019, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Huyện ủy Gò Công Tây mời ông Cương cùng đại diện các ban ngành, trong đó có thượng tá Trần Văn Tròn - Trưởng Công an huyện để làm việc. Sau buổi làm việc này, ông Cương tiếp tục tố cáo nên ngày 12/7/2019 UBKT Huyện ủy Gò Công Tây tiếp tục có buổi làm việc với ông Cương. Tại biên bản làm việc, ông Cương khẳng định trong buổi làm việc ngày 01/7/2019, thượng tá Tròn chưa trả lời rõ các nội dung tố cáo, ghi chung chung, đề nghị UBKT Huyện ủy yêu cầu Công an huyện trả lời ông Cương bằng văn bản và yêu cầu luật sư tham gia vụ việc.
Ngày 22/9/2020, Cơ quan CSĐT Công an huyện Gò Công Tây có công văn số 440/CV-ĐTTH, trả lời đơn tố giác tội phạm (lần 2) của ông Cương đối với Trần Thị Kim Xuyến, với nội dung: “Cơ quan CSĐT Công an huyện Gò Công Tây đã mời làm việc được đối với người bị tố giác là Trần Thị Kim Xuyến, hướng tới sẽ phục hồi việc xác minh nguồn tin tố giác về tội phạm nói trên của ông Huỳnh Văn Cương để tiếp tục làm rõ vụ việc theo quy định của pháp luật”.
Vi phạm điều 149 Bộ luật tố tụng hình sự 2015?
Dù đã gặp, làm việc với đối tượng Xuyến. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì đến ngày 24/11/2020 Công an huyện Gò Công Tây tiếp tục ra quyết định số 1890 và thông báo số 1891 trả lời ông Cương: “Tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm” với lý do: “Đã hết thời hạn giải quyết tố giác về tội phạm nhưng chưa có căn cứ để giải quyết tố giác về tội phạm trên”.
Vì vậy ngày 09/12/2020, ông Huỳnh Văn Cương đến công an huyện để “cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố vụ án”, người nhận là điều tra viên Huỳnh Ngọc Truyền.
Sau khi tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị phản ánh vụ việc nêu trên, đến ngày 10/3/2021, thượng tá Cao Văn Chung - Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Gò Công Tây ký ban hành quyết định số 546 về việc “Phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm” và thông báo số 547 về “Kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm” gửi cho Viện KSND cùng cấp và người tố giác là ông Cương.
Tuy nhiên tại quyết định số 546 và thông báo số 547 lại thể hiện sự khác nhau giữa hành vi ông Cương tố giác đối tượng Xuyến! Cụ thể, ông Cương tố giác Xuyến “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thì quyết định số 546 lại thể hiện ông Cương tố giác Xuyến “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Việc thay đổi tội danh được thể hiện trong quyết định 546 và thông báo 547 có dấu hiệu của hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án hay không? Luật sư Dương Vĩnh Tuyến - Trưởng Văn phòng Luật sư Dương Chí (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước) cho rằng: Giữa thông báo và quyết định về tạm đình chỉ giải quyết tố giác tội phạm cũng như phục hồi đều không có dấu hiệu cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án. Các văn bản đó là văn bản tiền tố tụng, được ban hành trong quá trình cơ quan điều tra tiếp nhận, thụ lý, giải quyết đơn thư tố giác tội phạm. Cũng theo luật sư Tuyến, trong vụ việc này Cơ quan CSĐT Công an huyện Gò Công Tây có dấu hiệu vi phạm tố tụng. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 1 Điều 149 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, thời hạn giải quyết không quá một tháng kể từ ngày ra quyết định phục hồi phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Đối chiếu với thời gian ghi trong quyết định số 546 được ban hành từ ngày 10/3/2021, đến nay đã hơn 2 tháng đã quá thời hạn giải quyết nhưng Cơ quan điều tra không ban hành quyết định giải quyết đơn thư tố giác là vi phạm tố tụng.
Cần khởi tố vụ án
Theo luật sư Lê Anh Trung - Trưởng Văn phòng Luật sư Lê Anh Trung (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) khẳng định: Giai đoạn tiền tố tụng chỉ ra một trong hai quyết định khởi tố hoặc không khởi tố. Khi khởi tố rồi, quá trình điều tra mở rộng mới thay đổi tội danh hoặc khởi tố bổ sung thêm tội danh. Bởi lẽ, ông Cương thấy Xuyến có cơ sở kinh doanh và Xuyến ngỏ lời vay tiền thì ông Cương cho mượn tiền. Nhưng sau đó Xuyến không trả, bán nhà và bỏ trốn. Vì vậy, ông Cương tố giác tội phạm về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Sau đó, Công an huyện Gò Công Tây ra quyết định phục hồi điều tra vụ lừa đảo, việc tổ chức xác minh tại các ngân hàng là không đúng thực tế khách quan, chứng cứ và bản chất của vụ việc. Vì giữa ông Cương với đối tượng Xuyến có hai hợp đồng vay mượn nợ cá nhân. Xuyến cũng không có hành vi gian dối khi vay tiền, nên Cơ quan CSĐT Công an huyện Gò Công Tây tự tiện thay đổi ý chí và chứng cứ do ông Cương cung cấp là sai. Vì sẽ không chứng minh được hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
“Ở đây, Cơ quan điều tra cần ra quyết định khởi tố vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Sau đó, nếu chứng minh hành vi phạm tội, mới thay đổi tội danh hoặc khởi tố thêm tội danh do quá trình điều tra phát sinh. Tiếp đó, phải chuyển vụ án lên cơ quan điều tra có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này thuộc thẩm quyền thụ lý của Công an tỉnh Tiền Giang” - Luật sư Lê Anh Trung, nhận định.
Yến ThanhMới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.