Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong tiến trình chuyển đổi số Quốc gia
Ngày 13/3, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ” (gọi tắt là Đề án 06/CP) và Chuyển đổi số trong Công an nhân dân (CAND).
Tham dự hội nghị, có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai Đề án 06/CP và Chuyển đổi số Bộ Công an; Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP; Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc CATP.
Thiếu tướng Đặng Hồng Đức - Chánh Văn phòng Bộ Công an - trình bày Báo cáo tại Hội nghị cho biết: Ngày 20/4/2021, Bộ trưởng Bộ Công an ký Quyết định số 2612/QĐ-BCA phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số trong CAND đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Để thực hiện Đề án 06/CP, ngày 11/02/2022, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 56/KH-BCA-C06 về triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 06/CP trong lực lượng CAND.
Qua 03 năm triển khai Quyết định số 2612/QĐ-BCA và 02 năm thực hiện Kế hoạch 56/KH-BCA-C06, việc triển khai thực hiện Đề án 06/CP và chuyển đổi số trong CAND đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là, Bộ Công an đã tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội khóa XV thông qua 02 Luật; trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định; ban hành theo thẩm quyền 05 Thông tư phục vụ công tác chuyển đổi số của Ngành.
Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành 10 Quyết định công bố sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an (ban hành mới 14 thủ tục; sửa đổi, bổ sung, thay thế 68 thủ tục; bãi bỏ 10 thủ tục, 100% thủ tục đều được công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công Bộ Công an).
Về hoàn thiện hạ tầng, mạng truyền dẫn cáp quang dùng riêng ngành Công an từng bước được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại gồm 03 trung tâm vùng Hà Nội - Đà Nẵng - TP. Hồ Chí Minh với trên 12.477 kênh truyền dẫn quang phục vụ kết nối mạng máy tính từ các đơn vị trực thuộc Bộ đến Công an địa phương xuyên suốt 04 cấp Công an.
Với nhiệm vụ kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư, nhằm đảm bảo dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống", Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện công tác làm sạch dữ liệu và triển khai Đề án 06/CP của 63 địa phương.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 Bộ, ngành; 01 doanh nghiệp nhà nước (EVN); 03 doanh nghiệp viễn thông; 63 địa phương. Tiếp nhận 1.496.625.675 yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin. Đồng bộ thành công thông tin làm giàu của 720.989.317 bản ghi vào dữ liệu dân cư đối với 91 trường thông tin.
Về nhóm tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, Bộ Công an đã hoàn thành cung cấp 224/224 dịch vụ công theo Quyết định 430/QĐ-BCA ngày 26/01/2023 trên Cổng Dịch vụ công Bộ Công an, đạt tỷ lệ 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến (vượt tiến độ Chính phủ giao hoàn thành trong năm 2025).
Trong năm 2023, đã tiếp nhận, giải quyết trên 67 triệu hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trên toàn quốc đạt 85,18% (tăng 71,06% so với năm 2022). Trong đó, tất cả các địa phương, lĩnh vực thủ tục hành chính đều có tỷ lệ trực tuyến trên 50%. Riêng 02 dịch vụ công liên thông: "Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng" đã thực hiện cắt giảm tối thiểu 09 loại giấy tờ, người dân chi khai báo thông tin một lần để giải quyết 03 thủ tục hành chính.
Về nhiệm vụ phát triển công dân số, phát triển kinh tế - xã hội số, Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp cho 100% công dân có đủ điều kiện trên toàn quốc. 100% công dân được cấp số định danh cá nhân. Đã thu nhận trên 74,7 triệu hồ sơ định danh điện tử, trên 30 triệu tài khoản định danh điện tử, kích hoạt trên 53,1 triệu tài khoản định danh điện tử...
Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc CATP cho biết: Hà Nội là địa phương được Tổ công tác 06 của Chính phủ lựa chọn làm điểm để triển khai nhiều nội dung trọng tâm của Đề án 06/CP, làm cơ sở để nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Sau 02 năm triển khai, đến nay, người dân và các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã ngày càng quen thuộc với những tiện ích mà Đề án 06/CP mang lại.
Để có được những thành công bước đầu trong việc triển khai thực hiện Đề án 06/CP, trong năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, UBND Thành phố, CATP vừa đóng vai trò là cơ quan thường trực vừa là đơn vị tiên phong đi đầu. CATP đã tham mưu Thành phố ban hành trên 180 văn bản, tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt là một số văn bản mang tính đột phá, tập trung chỉ đạo như: Nghị quyết số 07 ngày 04/7/2023 quy định về mức thu phí, lệ phí bằng "không" khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; Chỉ thị số 15 của UBND Thành phố về "Tăng cường trách nhiệm, tập trung xử lý các điểm nghẽn trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp"…
Đề án 06/CP có nhiều nội dung đã làm thay đổi căn bản một số cách làm không còn phù hợp trước đây. Do vậy quá trình tổ chức thực hiện, đòi hỏi người đứng đầu phải nhận thức rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, huy động tối đa lực lượng thực hiện các chỉ tiêu được giao.
Cụ thể, ngày 05/5/2023, Giám đốc CATP đã ban hành Mệnh lệnh số 01 để tập trung chỉ đạo lực lượng triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp giải quyết triệt để chỉ tiêu làm sạch dữ liệu và cấp 100% căn cước công dân đối với số nhân khẩu đăng ký thường trú trên địa bàn Thành phố. Qua đó, CATP đã "về đích" sớm hơn cam kết với lãnh đạo Bộ.
CATP tiếp tục bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Cục nghiệp vụ, tổ chức triển khai các kế hoạch đảm bảo dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống" và trả lời xác minh của các đơn vị đúng hạn; tập trung giải quyết các dịch vụ công của lực lượng Công an đảm bảo các chỉ tiêu đặt ra.
Với vai trò thường trực Đề án 06/CP Thành phố: Tiếp tục cùng với các sở, ngành tham mưu UBND Thành phố tháo gỡ các điểm nghẽn; đẩy mạnh các ứng dụng của Đề án 06/CP vào đời sống xã hội và sẵn sàng là đơn vị thí điểm Đề án 06/CP của Chính phủ trước khi nhân rộng toàn quốc.
Chia sẻ "kinh nghiệm tham mưu UBND Thành phố bố trí sử dụng nguồn ngân sách thường xuyên triển khai các nhiệm vụ trong Đề án 06/CP", Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky nhấn mạnh: Với sự cấp bách của việc triển khai các hệ thống công nghệ thông tin có tính chất nền tảng, quan trọng cho sự phát triển và phục vụ triển khai nhiệm vụ của Đề án 06/CP, nghiên cứu các quy định và cân nhắc giữa các phương thức để so sánh tính hiệu quả như: Thời gian thực hiện quy trình triển khai dự án mất rất nhiều thời gian; không theo kịp sự phát triển của công nghệ mới; thời gian khấu hao thiết bị công nghệ thông tin kéo dài..., CATP nhận thấy các quy định cho việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với các hạng mục có tính chất dùng chung cho nhiều cơ quan, đơn vị của Thành phố là lựa chọn phù hợp và khả thi, đáp ứng yêu cầu của Đề án 06/CP đặt ra.
Để sử dụng nguồn ngân sách chi thường xuyên triển khai nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, CATP đã phối hợp các sở, ngành tham mưu UBND thành phố trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết số 22 ngày 08/12/2022, nhằm phân cấp mạnh mẽ cho cấp cơ sở trong việc triển khai các hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời, tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện Đề án 06/CP trước thời điểm xây dựng dự toán ngân sách năm sau của Thành phố.
Công an Thành phố đã nghiên cứu vận dụng quy định về quản lý đầu tư sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và có các văn bản hướng dẫn, là đầu mối của các đơn vị lập dự toán gửi về Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, tổng hợp gửi Sở Tài chính, tham mưu UBND trình HĐND Thành phố bố trí kinh phí thường xuyên.
Hiện nay, Công an Thành phố, với vai trò là cơ quan thường trực, đã tích cực tham mưu UBND Thành phố thúc đẩy các nhiệm vụ Đề án 06/CP thí điểm hồ sơ sức khỏe điện tử, thu phí, không dùng tiền mặt tại các điểm đỗ trên địa bàn Thành phố. CATP phối hợp với Văn phòng UBND thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Thông tin và Truyền thông, đang nghiên cứu, xây dựng các tài liệu hướng dẫn về bố trí kinh phí thường xuyên ở UBND các cấp để thực hiện Đề án 06/CP nhằm chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương khác.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: Lực lượng CAND đã và đang là lực lượng nòng cốt, tiên phong, giữ vai trò dẫn dắt trong tiến trình Chuyển đổi số Quốc gia, góp phần quan trọng xây dựng xã hội số, công dân số.
Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của năm 2024 theo lộ trình, kế hoạch của Bộ, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Công an các đơn vị, địa phương cần quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo. Theo đó, Cấp uỷ, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương, nhất là Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện, cấp xã phải nhận thức sâu sắc Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là quá trình thay đổi tổng thể mọi phương thức, hoạt động của con người dựa trên các công nghệ số. Hoạt động của lực lượng CAND không ngoài xu thế này, trước tiên phải chuyển tư duy, hành động từ lãnh đạo, chỉ huy đến từng cán bộ, chiến sỹ.
Đồng thời, tập trung giải quyết từng vấn đề "cốt lõi" để thúc đẩy Đề án 06/CP, Chuyển đổi số trong CAND. Cụ thể, Giám đốc Công an các địa phương thực hiện rà soát, hệ thống hoá và kiểm tra việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương. Đồng thời, hoàn thành xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật còn tồn đọng.
Bộ trưởng cũng đề nghị, Giám đốc Công an các địa phương tăng cường phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội và các trường CAND tổ chức tập huấn bằng các hình thức phù hợp để bảm đảm chất lượng cán bộ phục vụ công tác "đúng, đủ, sạch, sống" của dữ liệu, giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực cư trú tại cơ sở nhằm đẩy mạnh cung cấp nhiều hơn nữa các tiện ích của Đề án 06/CP và Chuyển đổi số ngành Công an cho cộng đồng xã hội.
Mục tiêu tổng quát của Đề án 06/CP là để phục vụ 05 nhóm tiện ích như sau: (1) Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (2) Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; (3) Phục vụ công dân số; (4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; (5) Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Để góp phần triển khai, thực hiện Đề án 06/CP có hiệu quả, phục vụ chuyển đổi số quốc gia tiến tới Chính quyền số, Chính phủ điện tử, công dân cần phối hợp chặt chẽ cơ quan Công an để cung cấp thông tin cơ bản của cá thân để lực lượng Công an kiểm tra thông tin tiến hành thu thập, làm sạch dữ liệu dân cư; sớm đi làm thủ tục cấp Căn cước công dân có gắn chíp điện tử gắn cấp tài khoản định danh điện tử; đồng thời công dân, doanh nghiệp thực hiện đăng ký giải quyết các thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.
Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.