Công an TP Hà Nội: Tích cực phòng, chống tội phạm tại các địa bàn phức tạp về TTXH
Chiều 7/10, Công an TP Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả công tác phòng, chống tội phạm tại các địa bàn phức tạp về tội phạm xâm phạm trật tự xã hội (TTXH) theo Kế hoạch số 54 của Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an và kết quả lập, duyệt hồ sơ đưa người vào Trường giáo dưỡng, Cơ sở giáo dục bắt buộc.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội - chủ trì hội nghị. Dự hội nghị, còn có đồng chí Thiếu tướng Tô Cao Lanh - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các phòng nghiệp vụ và cán bộ địa bàn Cục Cảnh sát hình sự; Ban Chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự, đại diện chỉ huy Công an các quận, huyện, thị xã.
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 30 Công an quận, huyện, thị xã thuộc Công an TP Hà Nội. Tại Hội nghị, báo cáo về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm 9 tháng năm 2024, đại diện chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự cho biết: Trong 9 tháng năm 2024, Công an TP Hà Nội đã tập trung lực lượng, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật về TTXH trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các địa bàn trong diện phức tạp.
Các đơn vị đều chủ động nắm, phân tích, dự báo tình hình tội phạm trên địa bàn; kịp thời phát hiện những vấn đề nổi, các địa bàn có dấu hiệu phức tạp về tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội, phát hiện những phương thức, thủ đoạn phạm tội mới để tham mưu, đề xuất lãnh đạo các cấp có những biện pháp, giải pháp cụ thể nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh. Theo đó, các đơn vị trên toàn thành phố điều tra khám phá 3.449 vụ, 7.871 đối tượng; triệt phá 05 băng nhóm tội phạm có tổ chức, bắt giữ 58 đối tượng; bắt giữ 87 đối tượng truy nã.
Công an TP Hà Nội đã đăng tải các bài viết trên các trang Fanpage và 579 nhóm cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố; phát hành trên 230.000 tờ rơi; tổ chức trên 650 hội nghị tại các tổ dân phố, thôn, xóm tuyên truyền về phương thức thủ đoạn hoạt động tội phạm của tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phối hợp với Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP Hà Nội và các ngân hàng thương mại đặt 100% hệ thống biển cảnh báo tại các phòng giao dịch, chi nhánh của các ngân hàng với nội dung cảnh báo thủ đoạn lừa đảo.
Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông thành phố để tuyên truyền đến quần chúng nhân dân trên địa bàn về hình thức, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức gửi tin nhắn SMS và thông qua các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội...
Trong thời gian từ ngày 18/01 đến ngày 31/01/2024, các nhà mạng đã nhắn tổng số 18.719.534 lượt tin nhắn; từ ngày 15 đến ngày 25/6/2024, các nhà mạng đã nhắn tổng số 19.763.042 lượt tin nhắn đến các thuê bao điện thoại di động trên địa bàn thành phố với nội dung cảnh báo thủ đoạn lừa đảo lợi dụng "dịch vụ công" để người dân chủ động phòng ngừa.
Tổ chức lễ ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện các giải pháp phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao giữa Công an TP Hà Nội và Cục an toàn thông tin, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Cục Viễn thông của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Các đơn vị trong Công an TP đã đẩy mạnh công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, các địa bàn chủ động triển khai các biện pháp an ninh, lắp đặt camera, hệ thống báo động, cung cấp số điện thoại của cán bộ phụ trách địa bàn để chủ động phối hợp phòng ngừa tội phạm. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ tuần tra nhân dân, bảo vệ dân phố, dân phòng, tổ hoà giải; chủ động giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, nhất là mâu thuẫn giữa các nhóm thanh thiếu niên; ngăn chặn việc sử dụng bạo lực dẫn đến các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, đại diện chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội cũng đã trình bày kết quả công tác lập, duyệt hồ sơ đưa người vào Trường giáo dưỡng, Cơ sở giáo dục bắt buộc trên địa bàn thành phố.
Hội nghị cũng đã được nghe ý kiến phát biểu tham luận của đại diện các đơn vị có địa bàn phức tạp trong Công an TP cùng những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và đề xuất lãnh đạo các cấp giải quyết trong thời gian tới. Theo đó, các ý kiến đều được ghi nhận, tổng hợp làm căn cứ trao đổi, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm xâm phạm trật tự xã hội.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thiếu tướng Tô Cao Lanh - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) - ghi nhận đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác phòng chống tội phạm xâm phạm TTXH và và kết quả lập hồ sơ đưa người vào Trường giáo dưỡng, Cơ sở giáo dục bắt buộc của Công an TP Hà Nội. Các kiến nghị của Công an TP Hà Nội sẽ được Cục Cảnh sát hình sự tiếp nhận, đánh giá để kiến nghị Lãnh đạo Bộ Công an sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tế.
Bên cạnh đó, Thiếu tướng Tô Cao Lanh cũng đề nghị Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội và các Công an các quận, huyện, thị xã tiếp tiếp tục tăng cường triển khai các nhiệm vụ đề ra theo kế hoạch số 54 đảm bảo sát với tình hình thực tiễn trên địa bàn; tập trung phòng, chống không để các loại tội phạm xâm phạm trật tự xã hội diễn biến phức tạp. Làm tốt công tác nắm tình hình, diễn biến hoạt động của tội phạm xâm phạm trật tự xã hội trên địa bàn phụ trách để chủ động nhận diện những vấn đề phức tạp mới nổi lên liên quan đến hoạt động của tội phạm xâm phạm TTXH trên địa bàn. Phấn đấu từ giờ cho đến cuối năm 2024 là phải hoàn thành chỉ tiêu phòng, chống tội phạm xâm phạm TTXH đã được đề ra.
Phát biểu đáp từ, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội - yêu cầu các đội nghiệp vụ thuộc Phòng Cảnh sát hình sự, Công an các quận, huyện, thị xã nghiêm túc tiếp thu, lĩnh hội đầy đủ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Cục trưởng để cụ thể hoá trong công tác phòng, chống tội phạm về TTXH.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng đề nghị tất cả Công an các quận, huyện, thị xã phải phối hợp thực hiện nghiêm túc về kế hoạch phòng, chống tội phạm tại các địa bàn phức tạp về tội phạm xâm phạm TTXH, nhằm đạt mục tiêu kéo giảm tình hình tội phạm trên địa bàn thành phố, chuyển hoá thành công các địa bàn ra khỏi diện phức tạp về TTXH.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cũng đề xuất Cục Cảnh sát hình sự tiếp tục quan tâm, hướng dẫn, phối hợp với Công an TP Hà Nội trong thực hiện công tác chuyển hoá địa bàn; tiếp tục khảo sát, nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa các tiêu chí để phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương.
Đối với công tác lập hồ sơ đưa người vào Trường giáo dưỡng, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng đề nghị các đơn vị nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về áp dụng các biện pháp đưa vào Trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc đến từng địa bàn cơ sở. Thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn về công tác quản lý giáo dục đối tượng tại địa bàn cơ sở, công tác đưa đối tượng vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc để cán bộ, chiến sỹ nâng cao nhận thức về lý luận cũng như các kinh nghiệm thực tế.
Đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ, chiến sỹ, kể cả lãnh đạo chỉ huy trong việc thực hiện đưa đối tượng vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc; cần xác định việc thực hiện công tác này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên liên tục trong suốt quá trình phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm hình sự nói chung.
Nguyễn HạnhCông ty dự báo kinh tế toàn cầu Oxford Economics vừa đưa ra dự báo mới nhất cho thấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cao hơn so với nhóm 6 nền kinh tế lớn nhất Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN-6) (bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Philippines) trong những năm tới.