Công bố Báo cáo khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế Một cửa quốc gia
Sáng 03/11, tại Hà Nội, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Tổng cục Hải quan Việt Nam với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức Hội thảo Công bố Báo cáo "Mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế Một cửa quốc gia và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành - Khảo sát doanh nghiệp năm 2022".
Tham dự Hội thảo, có ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI, ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ngài Bradley Besier - quyền Giám đốc USAID Việt Nam; đại diện các Bộ, ngành liên quan, các diễn giả, chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp; cùng đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.
Theo Báo cáo "Mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành - Khảo sát doanh nghiệp năm 2022", cần phải có cơ chế minh bạch và trao đổi thông tin rõ ràng hơn để cải thiện hoạt động, tạo thuận lợi thương mại thông qua Cơ chế Một cửa quốc gia của Việt Nam.
Báo cáo trình bày chi tiết các phát hiện từ "khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế Một cửa quốc gia và thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành năm 2022" (Khảo sát MCQG 2022). Đây là kết quả của sự hợp tác sâu rộng giữa USAID, VCCI và Tổng cục Hải quan Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI - cho rằng, để nâng cao hiệu quả Cơ chế Một cửa quốc gia và cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước cần thường xuyên rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá và áp dụng số hoá triệt để quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Việc sớm có quy chế kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu sẽ giúp giảm thiểu gánh nặng yêu cầu thông tin không cần thiết đối với các doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - cho biết, với mong muốn tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì thực hiện Cơ chế Một cửa quốc gia và là cơ quan đầu mối thực hiện Đề án "Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hoá nhập khẩu", Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã, đang và sẽ nỗ lực hết sức phối hợp hợp tác với các bộ, ngành liên quan về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hoá các khâu thủ tục trên Cổng thông tin Một cửa quốc gia, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Cơ chế này.
Bên cạnh đó, ngài Bradley Bessire - quyền Giám đốc USAID Việt Nam - nhận định: USAID tin rằng, đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan nhà nước là rất quan trọng. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và khu vực tư nhân sẽ mang lại sự minh bạch và cải cách hiệu quả hơn. Theo đó, nếu được thực hiện, các kết quả của cuộc khảo sát sẽ giúp đẩy mạnh cải cách hơn nữa ngành Hải quan.
Tại Hội thảo, ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng ban Ban Pháp chế VCCI đã trình bày kết quả khảo sát: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành - Khảo sát doanh nghiệp năm 2022.
Theo đó, cuộc khảo sát được thực hiện với 02 phần nội dung chính: Đối với nội dung khảo sát, việc thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng thông tin Một cửa quốc gia, tính đến tháng 4/2022, có 12 thủ tục hành chính của 5 Bộ, ngành đang được thực hiện. Việc thực hiện thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành được khảo sát chung với các thủ tục của 10 Bộ quản lý chuyên ngành.
Các khuyến nghị, bao gồm hướng dẫn tăng cường cho doanh nghiệp, cập nhật thường xuyên về chính sách và quy định chức năng hỏi đáp, sẽ được trình lên Ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế Một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, cũng như các Bộ, ngành có liên quan để xem xét.
Cơ chế Một cửa quốc gia của Việt Nam cho phép doanh nghiệp cung cấp thông tin cho nhiều cơ quan nhà nước trên một nền tảng duy nhất, hợp lý hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan tại cửa khẩu và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Tính đến ngày 17/10/2022, Cơ chế Một cửa quốc gia đã có 250/261 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối với gần 5 triệu bộ hồ sơ của hơn 55 nghìn doanh nghiệp.
Công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã đạt được nhiều cải cách đáng kể, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Có thể kể đến với một số kết quả nổi bật như sau: Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới theo hướng cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Các Bộ, ngành đã bước đầu áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành ở các mức độ, hình thức khác nhau; nhiều Bộ, ngành chuyển đổi thời điểm kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ tiền kiểm sang hậu kiểm; nhiều thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành được điện tử hóa; nhiều quy định chồng chéo cũng đã được xử lý;…
Báo cáo "Mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành - Khảo sát doanh nghiệp năm 2022" đã tập hợp ý kiến phản hồi của 3.048 doanh nghiệp đang tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu, logistics... và 46 Bộ ngành, cơ quan liên quan đến Cơ chế Một cửa quốc gia và lĩnh vực quản lý kiểm tra chuyên ngành.
Báo cáo lần này không chỉ phản ánh những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi tiến hành các thủ tục hành chính qua Cơ chế Một cửa quốc gia, quản lý kiểm tra chuyên ngành, mà còn cung cấp các ý kiến đề xuất từ chính các Bộ ngành, cơ quan nhà nước có liên quan, nhằm hoàn thiện hơn nữa Cơ chế Một cửa quốc gia và hoạt động quản lý kiểm tra chuyên ngành. Từ đó tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ ngành trong lĩnh vực này, nâng cao hiệu quả thực thi và góp phần tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Tại hội thảo, dưới sự điều phối của ông Đậu Anh Tuấn - Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI - các đại biểu, khách mời tham dự Hội thảo đã cùng nhau đóng góp ý kiến và thảo luận về các kết quả sau khảo sát và các vấn đề liên quan. Qua đó, đã có những trao đổi tích cực, nghiêm túc, khách quan và công tâm để phân tích các ưu, nhược điểm của Cơ chế Một cửa quốc gia.
Đồng thời, các đại biểu cũng đã nêu ra các tồn tại, vướng mắc trong khâu thực hiện thủ tục của từng Bộ, ngành liên quan cũng như các tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành;… Từ đó, đề xuất các giải pháp để khắc phục những tồn tại hạn chế trong quy trình thủ tục, phương pháp thực hiện để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu của cộng đồng doanh nghiệp.
Nguyễn HạnhViệt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.