Công bố quy hoạch chung TP. Thủ Đức

Sự kiện
11:51 AM 01/10/2021

Thủ tướng Chính phủ vừa duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung TP. Thủ Đức thuộc TP. HCM đến năm 2040. Dự kiến vào năm 2040, toàn Thủ Đức có khoảng 2.200.000 dân, đất xây dựng đô thị gần 20.000ha.

Thành Phố Thủ Đức được xác định là đô thị loại I trực thuộc TP. HCM, phát triển theo mô hình đô thị sáng tạo, tương tác cao, trung tâm phía đông của TP. HCM về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo, bao gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức.

Đồng thời, là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ và hợp tác phát triển, có vai trò là hạt nhân trong đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng số của thành phố và vùng TP. HCM là đầu mối kết nối khu trung tâm hiện hữu TP. HCM với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các đô thị, khu chức năng trọng điểm phía đông của vùng TP. HCM.

Công bố quy hoạch chung TP. Thủ Đức - Ảnh 1.

Bản đồ mật độ dân số của TP. Thủ Đức

Ngày 1/1/2021, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức có hiệu lực, biến Thủ Đức trở thành thành phố trong thành phố đầu tiên của Việt Nam. Ngày 19/1/2021, đề án hình thành và phát triển đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TP. HCM giai đoạn 2020 - 2035 đã chính thức được UBND TP phê duyệt. Tới tháng 9/2021, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung TP. Thủ Đức thuộc TP. HCM đến năm 2040. Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ ranh giới hành chính với tổng diện tích 211,56km2, theo nhiệm vụ quy hoạch, dự kiến đến năm 2030, dân số của TP. Thủ Đức đạt 1,5 triệu người. Diện tích xây dựng đô thị khoảng 18,830 ha, dự kiến năm 2020 dân số khoảng 2,2 triệu người với diện tích xây dựng đô thị gần 20.000ha.

Sau năm 2040, dự kiến đạt 3 triệu người, TP. Thủ Đức sẽ là đô thị loại 1 trực thuộc TP. HCM. Một trong những đổi mới, tiên tiến lớn của quy hoạch chung của TP. Thủ Đức nằm ở hệ thống giao thông công cộng, hệ thống bến bãi đỗ xe, nhằm đảm bảo giao thông công cộng đáp ứng từ 50% đến 60% nhu cầu đi lại, mục tiêu năm 2040, mật độ mạng lưới giao thông công cộng đạt từ 2,5 đến 3,9km/km2. Đạt chỉ tiêu 50-60km tuyến giao thông công cộng nhanh, sức chở lớn. Việc quy hoạch TP. Thủ Đức sẽ áp dụng phương thức quy hoạch tiên tiến, ứng dụng công nghệ thông tin để phân tích đánh giá các quy hoạch phù hợp, việc quy hoạch TP. Thủ Đức gồm 3 mục tiêu chính. Thứ 1 là đề xuất định hướng phát triển với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế tri thức - khoa học - công nghệ - tài chính quan trọng của TP. HCM và quốc gia. Thứ 2 là hướng tới đô thị có chất lượng sống tốt, môi trường làm việc hấp dẫn, văn hóa đặc trưng trên cơ sở bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước, phát triển hạ tầng cảnh quan đô thị văn minh - bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thứ 3 đó là tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý phát triển, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, đảm bảo chất lượng đô thị loại 1.

Các đề xuất thuộc phạm vi quy hoạch chung TP. Thủ Đức bao gồm, đất phát triển đô thị, giao thông, cao độ nền và thoát nước mưa, thông tin liên lạc, cấp năng lượng và chiếu sáng, cấp nước, thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang, hệ thống công trình vụ logistic. Hai là hệ thống phân hóa xã hội như giáo dục phổ thông, trung cấp dạy nghề, y tế, giải trí, thể thao, nhà hát và quảng trường. Ba là hạ tầng hành chính và thương mại như hệ thống trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm hệ thống các siêu thị, chợ truyền thống và mạng lưới bán lẻ. Bốn là hạ tầng kinh tế tri thức gồm khu đại học trình độ quốc tế, công viên phần mềm và trí tuệ nhân tạo, khu công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu, trung tâm thực nghiệm.

Đức Duy
Ý kiến của bạn