Công bố Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Địa phương
04:02 PM 30/01/2024

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy, Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới, phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước.

Sáng 30/1, UBND tỉnh Hà Nam đã long trọng tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Khởi công dự án đầu tư xây dựng Công viên chủ đề tại thành phố Phủ Lý. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Công bố Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. ẢNh: Baohanam

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, tỉnh Hà Nam cần chú trọng đẩy nhanh chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng Kinh tế Xanh, Kinh tế Tuần hoàn, Kinh tế Số dựa trên nền tảng công nghệ cao.

Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, tỉnh cần quy hoạch vùng nuôi trồng và chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, sản xuất an toàn, hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao để cung cấp cho thị trường Hà Nội và các đô thị.

Trong phát triển công nghiệp, Hà Nam cần triển khai đồng bộ, quyết liệt việc tái sử dụng, tái chế chất thải rắn, nước thải đô thị, công nghiệp, làng nghề bằng công nghệ hiện đại. Tỉnh đẩy mạnh phát triển chuỗi đô thị vệ tinh để tận dụng lợi thế của Vùng Thủ đô và hệ thống hạ tầng kết nối; đảm bảo quỹ đất cho phát triển đô thị theo chức năng như đô thị đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, y tế.

Để thúc đẩy chuyển đổi mô hình kinh tế, nâng cao năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, Hà Nam cần tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án y tế, giáo dục; thu hút các trường đại học, bệnh viện, cơ quan nghiên cứu đầu tư các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, phát triển các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trung tâm cung cấp dịch vụ y tế, sức khỏe, giáo dục, đào tạo chất lượng cao của Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy, Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới, phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược Phát triển Kinh tế-Xã hội của cả nước, quy hoạch cấp quốc gia, Quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX.

Hà Nam lựa chọn 3 đột phá phát triển gồm: đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đầu tư phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ).

Năm trụ cột tăng trưởng kinh tế được tỉnh xác định gồm: phát triển công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phát triển công nghệ cao, trọng tâm là phát triển Khu Công nghệ cao Hà Nam; khai thác và phát huy hiệu quả tài nguyên du lịch; tập trung phát triển Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc; mở rộng không gian đô thị, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng khung đô thị, tạo động lực phát triển thương mại, dịch vụ và logistics; phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa, sản xuất an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.

Tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của Vùng đồng bằng sông Hồng; tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị thông minh, hiện đại; là trung tâm hậu cần về công nghiệp, công nghệ cao, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, dịch vụ du lịch, thương mại của Vùng đồng bằng sông Hồng.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, bà Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã trân trọng cảm ơn Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các Bộ, ban ngành ở Trung ương, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh qua các thời kỳ, các nhà khoa học, cán bộ các cấp đã quan tâm đến tỉnh Hà Nam trong việc xây dựng Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thuỷ khẳng định, quan điểm xuyên suốt của Quy hoạch tỉnh là xây dựng địa phương phát triển theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, và toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Để hiện thực hóa tầm nhìn của Quy hoạch tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Nam sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tới các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân về nội dung cốt lõi của quy hoạch, tạo sự thống nhất về nhận thức và quyết tâm cao trong thực hiện quy hoạch. Cùng với đó, tỉnh tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong quy hoạch gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mai Phương
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.