Công bố sự kiện "Ngày Chuyển đổi số" ngành Ngân hàng
Ngày 28/7, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Họp báo công bố sự kiện "Ngày chuyển đổi số" ngành Ngân hàng. Theo đó, được sự đồng ý của Ban Lãnh đạo NHNN, sự kiện "Ngày chuyển đổi số" ngành Ngân hàng năm nay dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 03/08/2022 tại trụ sở NHNN Việt Nam, 25 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Tham dự và chủ trì Họp báo có bà Nguyễn Thị Hòa - Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN), đồng chủ trì họp báo có lãnh đạo Vụ Thanh toán, Cục Công nghệ thông tin và Vụ Truyền thông. Tham dự Họp báo còn có đại diện các vụ, cục, văn phòng NHNN, một số ngân hàng thương mại…
Phát biểu tại Họp báo, bà Nguyễn Thị Hòa - Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, để đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ, triển khai các nhiệm vụ Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần lan tỏa tinh thần, chuyển đổi nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành Ngân hàng về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số trong hoạt động Ngân hàng, được sự đồng ý của Ban Lãnh đạo NHNN, sự kiện "Ngày chuyển đổi số" ngành Ngân hàng năm nay dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 3/8/2022 tại Trụ sở NHNN Việt Nam, 25 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Theo đó, "Ngày chuyển đổi số" bao gồm các sự kiện chính sau: Hội thảo khoa học với chủ đề: "Tăng cường kết nối, thúc đẩy Chuyển đổi số ngân hàng" nhằm tổng kết các thành tựu về chuyển đối số, đưa ra giải pháp ứng dụng công nghệ vào phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; Triển lãm trưng bày các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu về ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số của ngành Ngân hàng: hoạt động này có 13 gian hàng (của 4 đơn vị thuộc khối NHTMNN gồm: Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank; 8 đơn vị thuộc khối NHTMCP gồm: TPBank, Techcombank, VIBank, MBBank, ACB, KienLongBank, NamABank; HDBank); 1 đơn vị thuộc khối công ty trung gian thanh toán là VNPay nhằm giới thiệu các công nghệ, dịch vụ tiêu biểu, như: dịch vụ ngân hàng trực tuyến; máy giao dịch ngân hàng tự động STM, chi nhánh ngân hàng 4.0, các dịch vụ thanh toán hiện đại như thanh toán QR code, Tap to pay, Livebank, thanh toán phi tiếp xúc...
Tại sự kiện này, NHNN sẽ vinh dự được đón Lãnh đạo Chính phủ tham dự. Ngoài ra còn có các cơ quan Trung ương, các bộ, ban, ngành, chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng (TCTD), trung gian thanh toán…
Để triển khai hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số, NHNN đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác Chuyển đổi số ngành Ngân hàng do Thống đốc NHNN làm Trưởng ban, 2 Phó Thống đốc làm Phó Trưởng ban và Thành viên là người đứng đầu các Vụ, Cục chức năng NHNN và một số ngân hàng thương mại lớn.
Bên cạnh đó, NHNN cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành khác và chủ động rà soát thường xuyên khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển hoạt động ngân hàng số. Đồng thời, NHNN thường xuyên quan tâm đến việc nâng cấp, xây dựng hạ tầng phục vụ hoạt động chuyển đổi số.
Về phía các tổ chức tín dụng, nhiều ngân hàng xem chuyển đổi số và việc phát triển mô hình, hoạt động ngân hàng số là một mục tiêu trong chiến lược kinh doanh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Hoạt động đầu tư cho chuyển đổi số được chú trọng.
Thời gian tới, bám sát định hướng, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, phát huy những kết quả đã đạt được và tiếp tục tinh thần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; ứng dụng công nghệ để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ theo hướng lấy khách hàng làm trọng tâm và nâng cao trải nghiệm cho khách hàng làm mục tiêu chính, ngành Ngân hàng tập trung vào một số công việc sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý trong hoạt động ngân hàng thích ứng với cuộc CMCN 4.0, tạo thuận lợi và thúc đẩy các mô hình kinh doanh, quản trị điều hành trong lĩnh vực ngân hàng theo hướng bứt phá, đổi mới, sáng tạo nhưng vẫn chú trọng tới công tác đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm hạn chế những rủi ro, thách thức từ bối cảnh CMCN 4.0…
Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc cung ứng các sản phẩm số; tăng cường tích hợp, kết nối với các bộ, ngành, lĩnh vực khác để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số; nâng cao chất lượng phục vụ và tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng.
Thứ ba, ưu tiên đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ số vào hoạt động ngân hàng; ưu tiên phát triển ngân hàng theo mô hình ngân hàng số, trong đó lấy thanh toán số làm cửa ngõ để kết nối liền mạch với các dịch vụ ngân hàng khác như huy động, cho vay, đầu tư, bảo hiểm... và giao tiếp thuận tiện với các hệ sinh thái số bên ngoài nhằm cung ứng các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện lợi, cá nhân hóa với chi phí hợp lý và sự tường minh.
Thứ tư, chú trọng công tác nhân sự, coi nguồn nhân lực có chất lượng là nhân tố quyết định thành công trong chuyển đổi số ngân hàng. Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp người lao động ngành Ngân hàng được trang bị những kỹ năng, phát triển năng lực thích ứng với bối cảnh CMCN 4.0.
Thứ năm, tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về ứng dụng kỹ thuật số và những lưu ý để phòng, tránh rủi ro khi thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử.
Xuân Tâm - Lê ThủyCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.