Cổng Dịch vụ công quốc gia: Kênh hữu hiệu ‘hiện đại hóa’ TTHC
Sau 1 năm vận hành, những kết quả bước đầu của Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cho thấy đây là kênh hữu hiệu nhất ‘hiện đại hóa’ thủ tục hành chính, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng Chính phủ không giấy tờ. Cổng Dịch vụ công quốc gia là một trong những giải pháp phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Nhân dịp Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) tròn 1 năm vận hành (khai trương ngày 9/12/2019), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng đã chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ về những kết quả ban đầu của Cổng DVCQG sau 1 năm triển khai; những dự kiến xây dựng và vận hành trong thời gian tiếp theo.
Tiết kiệm 8.500 tỷ đồng/năm từ các hệ thống trụ cột của CPĐT
Không ngừng nâng cao chất lượng thực thi công vụ và tinh thần phục vụ được thực hiện xuyên suốt cả nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV, cụ thể hóa bằng mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), xin Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết mục tiêu xây dựng CPĐT tại Việt Nam đến nay đã có những kết quả gì nổi bật?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Với sự chỉ đạo trực tiếp từ Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về CPĐT và các kế hoạch rất cụ thể trong Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, định hướng xác định xây dựng CPĐT là “nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhưng hiệu quả lớn”, “kỷ luật sắt trong tổ chức thực hiện”.
Có thể nói trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đã thể hiện những quyết tâm trong công tác chỉ đạo điều hành và tạo sự thay đổi rõ rệt trong xây dựng CPĐT và đã đạt được những kết quả nổi bật.
Đến nay, khung pháp lý đồng bộ về xây dựng CPĐT từng bước được hoàn thiện. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như: Nghị định về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu, Nghị định về văn thư điện tử, Quyết định của Thủ tướng về gửi nhận văn bản điện tử, về chế độ họp trực tuyến, Quyết định về mã định danh của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương…
Các hệ thống thông tin tạo sự thay đổi rõ rệt về phương thức làm việc giữa các cơ quan hành chính nhà nước cũng như trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Các hệ thống thông tin vừa tạo lực kéo vừa tạo lực đẩy trong triển khai CPĐT.
Các cơ quan hiện đang xây dựng các Nghị định về định danh và xác thực điện tử, về bảo vệ dữ liệu cá nhân, về cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm… Cơ chế đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin dần được tháo gỡ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2019/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Qua quá trình xây dựng, một số hệ thống công nghệ thông tin đóng vai trò trụ cột của CPĐT đã được hình thành, giúp đổi mới lề lối làm việc trong các cơ quan nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số, cũng như cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, trong đó tiêu biểu như: Trục liên thông văn bản quốc gia được khai trương ngày 12/3/2019, đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa 95/95 cơ quan trung ương và địa phương, thúc đẩy xử lý văn bản, hồ sơ trên môi trường mạng. Đến nay, đã có hơn 3,5 triệu văn bản điện tử, gửi nhận qua Trục. Theo tính toán sơ bộ giúp tiết kiệm được trên 1.200 tỷ đồng/năm.
Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) vận hành từ ngày 24/6/2019, đến nay đã phục vụ 23 phiên họp Chính phủ và hơn 590 phiếu lấy ý kiến TVCP, giúp thay thế hơn 215 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy. Chi phí tiết kiệm được khi sử dụng Hệ thống là khoảng 169 tỷ đồng/năm.
Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khai trương ngày 19/8/2020 là hạ tầng số thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số phù hợp theo lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Chi phí tiết kiệm khi vận hành khoảng 460 tỷ đồng/năm.
Cổng DVCQG sau 1 năm vận hành (từ 09/12/2019) đến nay đã tích hợp trên 2.500/6.798 TTHC tại 4 cấp chính quyền (đạt tỷ lệ 37%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 5%), với hơn 92 triệu lượt truy cập, trên 390 nghìn tài khoản đăng ký, hơn 25 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 612 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến trên Cổng.
Chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia là hơn 6.700 tỷ đồng/năm.
Các hệ thống thông tin trên được đưa vào vận hành giúp tiết kiệm chi phí xã hội ước tính trên 8.500 tỷ đồng/năm và nhận được phản hồi tích cực của xã hội; tạo sự thay đổi rõ rệt về phương thức làm việc giữa các cơ quan hành chính nhà nước cũng như trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Các hệ thống này vừa tạo lực kéo vừa tạo lực đẩy trong triển khai CPĐT, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa phát triển kinh tế vừa hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Thưa Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Cổng DVCGQ được xác định là kênh hữu hiệu nhất ‘hiện đại hóa’ TTHC, ông đánh giá như thế nào về kết quả vận hành trong 1 năm qua của Cổng DVCQG?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Xây dựng CPĐT không chỉ là hiện đại hóa hoạt động của cơ quan nhà nước, mà cao hơn nữa, là nâng cao hiệu quả hoạt động để phục vụ nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian qua, VPCP đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan thực hiện tái cấu trúc quy trình để tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG. Giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cho Cổng DVCQG mà các cơ quan liên quan đã lựa chọn là lựa chọn tốt bởi hiện nay, các giải pháp liên quan đến xác thực là đều ở mức tốt dựa trên một hệ thống mạnh về công nghệ, đó là giải pháp mà Tập đoàn VNPT đã phát triển cùng các bên có liên quan.
Như tôi vừa nhắc đến kết quả ở trên, đến nay Cổng DVCQG đã cung cấp các dịch vụ công thiết yếu, có đối tượng tuân thủ cao, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị như: Các dịch vụ công hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19; chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; đổi giấy phép lái xe; nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; liên thông kê khai, nộp lệ phí trước bạ và cấp đăng ký, biển số xe ô tô,…
Có thể nói chỉ sau 1 năm vận hành, những kết quả bước đầu của Cổng DVCQG cho thấy đây là con đường phù hợp, đúng đắn để hiện đại hóa việc thực hiện TTHC.
So với tháng 3/2020, đến nay, số lượng tài khoản đăng ký tăng gấp 4,6 lần; số lượt truy cập tìm hiểu thông tin và dịch vụ tăng gấp 4,3 lần; số dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng tăng gấp 12 lần; số hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng tăng gấp hơn 45 lần; số hồ sơ đồng bộ trạng thái để phục vụ tra cứu, theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện tăng gấp hơn 8 lần. Riêng số giao dịch thanh toán trực tuyến tăng 12,6 lần so với tháng 6/2020.
Trong thời gian chống dịch COVID-19, Cổng DVCQG góp phần cụ thể hóa chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Khi các TTHC được thực hiện trực tuyến, người dân, doanh nghiệp không còn phải gặp trực tiếp cán bộ thi hành công vụ, giảm sự tiếp xúc trực tiếp cũng góp phần giảm được "tham nhũng vặt", giảm sự lạm quyền của cán bộ, hạn chế trục lợi chính sách khi thực thi nhiệm vụ.
Tiết kiệm 6.700 tỷ đồng/năm khi thực hiện dịch vụ công
Triển khai Cổng DVCQG là một nhiệm vụ lớn trong CPĐT, giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện giao dịch với các cơ quan nhà nước thuận tiện, dễ dàng hơn và tiết kiệm, mục tiêu này đã mang lại hiệu quả như thế nào Bộ trưởng, Chủ nhiệm?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Triển khai Cổng DVCQG trước hết đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp bởi có tình trạng khi người dân thực hiện TTHC tại các cơ quan phải làm thủ tục nhiều lần, nộp hồ sơ nhiều nơi, thủ tục hồ sơ lại kèm nhiều hồ sơ phụ… Chi phí thời gian, chi phí công sức, chưa nói vấn đề tham nhũng vặt đã tạo khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC.
Trong quá trình triển khai, có nhiều yêu cầu, đòi hỏi như: Chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong nhận thức, tổ chức thực hiện; thay đổi thói quen, phương thức làm việc; thiết kế các hệ thống thông tin thân thiện với người sử dụng, bảo đảm hiệu quả, an toàn, an ninh thông tin... Chẳng hạn như việc lựa chọn, đưa dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành lên Cổng DVCQG cũng là những áp lực không nhỏ, vì khi đó yêu cầu, đòi hỏi đối với các bộ, ngành, địa phương sẽ tăng lên, từ việc sửa đổi, hoàn thiện thể chế, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu…
Nhưng cũng chính những áp lực này lại trở thành động lực quan trọng, cần thiết. Với quan điểm là không chờ đợi, cuộc sống đòi hỏi thì chúng ta phải làm, VPCP, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế để quyết tâm khai trương, vận hành chính thức Cổng DVCQG cũng như các hệ thống khác nêu trên.
Với vai trò là đầu mối tập trung trong cung cấp thông tin, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công, TTHC, Cổng DVCQG không chỉ giúp tiết kiệm thông qua cung cấp các nền tảng dùng chung cho các bộ ngành, địa phương mà còn là kênh hiệu quả giúp giảm chi phí hành chính cũng như chi phí xã hội cho người dân, doanh nghiệp.
Điều này được thể hiện trong từng dịch vụ công được cung cấp, tích hợp lên Cổng DVCQG và là con số sẽ liên tục tăng lên theo từng dịch vụ được tích hợp.
Đơn cử, dịch vụ công “Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp” phục vụ 780.096 đơn vị tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho hơn 14,4 triệu lao động và 12,7 triệu bảo hiểm y tế của người lao động hàng tháng. Dịch vụ này trước đây đều làm bằng hình thức thủ công, phải chuẩn bị chứng từ và đến ngân hàng hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội để đóng.
Tuy nhiên, khi cung cấp trên Cổng DVCQG, bên cạnh thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, còn giúp mỗi tháng đơn vị sử dụng lao động tiết kiệm được ít nhất 01 ngày công cho việc thực hiện thủ tục này, tương đương khoảng hơn 1.329 tỷ đồng/năm.
Dịch vụ kê khai, nộp lệ phí trước bạ mức độ 4 và cấp đăng ký, biển số xe mức độ 3 áp dụng cho cả xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu khi triển khai toàn quốc dự kiến con số tiết kiệm được của xã hội tối thiểu sẽ hơn 1.126 tỷ đồng/năm
Hay như dịch vụ đổi giấy phép lái xe là dịch vụ được nâng cấp từ mức độ 3 lên mức độ 4 trên cơ sở tích hợp, chia sẻ dữ liệu khám sức khỏe của Bộ Y tế và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Bộ Công an, với trung bình khoảng hơn 965 nghìn lượt người thực hiện hằng năm, ước tính số tiền tiết kiệm tăng thêm so với thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 khoảng hơn 323,9 tỷ đồng/năm.
Theo tính toán, tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là trên 6.700 tỷ đồng/năm.
Trong năm 2021, Cổng DVCQG sẽ tiếp tục tích hợp các dịch vụ công của các Bộ, cơ quan như: Bộ Y tế, Bộ Giáo dục, Bộ Tài chính, Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao…
Tiêu biểu, năm 2021, Cổng DVCQG kết nối với Tòa án nhân dân tối cao để cung cấp các dịch vụ công: Tiếp nhận và trả lời đơn; Thanh toán án phí; Công khai các bản án có hiệu lực thi hành; Nộp phạt theo các bản án của Tòa án; Kết nối, giải đáp nghiệp vụ của Hội đồng Thẩm phán, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán tối cao…
Đẩy mạnh tiện ích thanh toán trực tuyến của Cổng DVCQG
Thưa Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, rõ ràng Cổng DVCQG đã mang lại lợi ích lớn cho người dân, doanh nghiệp, xin ông cho biết kế hoạch tiếp theo của Cổng DVCQG để tiếp tục góp phần hiện đại hóa hành chính, xây dựng CPĐT?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Thời gian tới, VPCP với sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ danh mục dịch vụ công trực tuyến ưu tiên tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG để làm cơ sở phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, thực hiện đổi mới theo hướng tập trung, có sự liên thông chia sẻ dữ liệu của nhiều cơ quan, đơn vị để bảo đảm việc thực hiện thuận lợi, giảm chồng chéo, lãng phí.
Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử. Đây là một trong những giải pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Triển khai từ tháng 3/2020, sau 8 tháng triển khai, đã có trên 38 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG.
Thời gian tới, Cổng DVCQG sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng phục vụ với dịch vụ thanh toán trực tuyến; đẩy mạnh tích hợp thanh toán trực tuyến với các dịch vụ thanh toán thiết yếu liên quan đến thuế nội địa, xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý, viện phí, học phí và với ít nhất 50% số lượng TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính; đồng thời, nâng tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG tối thiểu 25% trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công.
Tuy nhiên, để tiếp tục là kênh hữu hiệu nhất “hiện đại hóa” TTHC thì sự đón nhận của người dân, doanh nghiệp thông qua tỷ lệ truy cập, sử dụng dịch vụ công Cổng DVCQG ngày càng cao, càng nhiều thì mới chứng tỏ sự thành công của mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nói cách khác chúng ta chỉ thành công khi người dân, doanh nghiệp đánh giá Cổng DVCQG mang lại lợi ích thiết thực cho người sử dụng.
Vì vậy, xây dựng và vận hành Cổng DVCQG là công việc thường xuyên, liên tục, không có điểm dừng với mục tiêu xuyên suốt lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo chất lượng cung cấp dịch vụ công của các cơ quan hành chính Nhà nước.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP!
Gia Huy - Hoàng AnhBộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.