Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là ngành 'hấp dẫn' các nhà đầu tư nước ngoài

Tài chính - Đầu tư
04:39 PM 11/06/2021

Từ đầu năm đến nay, cả nước có 613 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực; trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,1 tỷ USD, chiếm hơn 43% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Đứng thứ hai là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với hơn 5,4 tỷ USD, chiếm hơn 38% tổng vốn đầu tư đăng ký, tiếp đó là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với hơn 1 tỷ USD... 

Không chỉ tăng về tổng vốn, nhiều dự án trị giá tỷ USD đã được cấp phép từ đầu năm tới nay. Tiêu biểu như dự án Nhà máy điện LNG Long An I&II với tổng mức đầu tư 3,1 tỷ USD, dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) với tổng mức đầu tư lên đến 3,25 tỷ USD...

Lĩnh vực nào đóng vai trò chủ lực trong hút FDI? - Ảnh 1.

Lĩnh vực chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ lực trong hút FDI.

Nhìn vào các con số trên có thể thấy, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là ngành “hấp dẫn” các nhà đầu tư nước ngoài khi liên tục dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư. 

Dòng vốn FDI vào lĩnh vực chế biến chế tạo, sản xuất và phân phối điện sẽ góp phần tạo động lực cho nền kinh tế trong tương lai. Đánh giá về dòng vốn FDI, Tổng cục Thống kê cho rằng, sự phát triển của chính các nhà đầu tư FDI lớn, công nghệ cao tại Việt Nam sẽ là bước khởi đầu cho làn sóng đầu tư mới.

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, mặc dù công nghiệp chế biến, chế tạo luôn là ngành đứng đầu về thu hút vốn FDI, nhưng thời gian tới Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận, dựa vào các lợi thế cạnh tranh động (tay nghề người lao động, năng lực sáng tạo và môi trường tự nhiên và kinh doanh, đầu tư thuận lợi), thay vì các lợi thế cạnh tranh tĩnh, kém bền vững như trước đây (tài nguyên, lao động phổ thông, cơ chế ưu đãi dễ dàng và hấp dẫn).

Thu hút FDI cần có chiến lược và có chọn lọc, cần hình thành và phát triển lực lượng doanh nghiệp công nghiệp trong nước vững mạnh, gắn kết chặt chẽ với khu vực FDI và dần gây dựng được lực lượng doanh nghiệp trong nước vững mạnh, có được doanh nghiệp trong nước quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt và hình thành chuỗi cung ứng trong nước.

Lĩnh vực nào đóng vai trò chủ lực trong hút FDI? - Ảnh 2.

Đầu tư FDI từng bước đã có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác, trong đó có việc khơi dậy các nguồn đầu tư trong nước, tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Thời gian tới, với việc hàng loạt các FTA thế hệ mới bắt đầu có hiệu lực cùng với sự phát triển năng động của nền kinh tế, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để bứt phá.

Để tăng cường thu hút các dự án FDI và tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa ban hành quyết định bãi bỏ 58 thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, nhằm gỡ vướng cho quá trình đầu tư tại Việt Nam.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng vừa công bố 65 thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam từ cấp Trung ương, cấp tỉnh và thủ tục do ban quản lý khu công nghiệp, chế xuất thực hiện. Các thủ tục hành chính này đều nhằm mục đích tạo thuận lợi thông thoáng cho hoạt động đầu tư của người dân, doanh nghiệp, chủ đầu tư.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.