Công nghiệp điện tử chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước
Ngành điện tử vẫn duy trì vị trí đứng đầu kim ngạch xuất khẩu, chiếm tỉ trọng trên 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Tuy nhiên, ngành vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực, cải thiện công nghệ...
Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.
Điện tử hiện là ngành có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đây cũng là ngành có giá trị xuất siêu lớn.
Với sự hiện diện của các nhà máy sản xuất đến từ các công ty đa quốc gia như Samsung, Foxconn, Intel..., Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu ngành hàng điện tử hàng đầu trên thế giới.
Năm 2020, Việt Nam đã vươn lên xếp thứ 12 trên thế giới từ vị trí thứ 47 vào năm 2001 và đứng thứ 3 trong ASEAN về xuất khẩu ngành điện tử.
7 tháng năm 2024, ngành đã xuất siêu tới 8 tỷ USD trên tổng xuất siêu của cả nước là 14 tỷ USD. Về mặt thị trường, hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đều có dấu ấn của ngành công nghiệp điện tử, trong đó Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường có kim ngạch lớn nhất.
Vị thế của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam trên bản đồ công nghiệp thế giới rất giá trị. Chúng ta đứng thứ 2 trong top 15 quốc gia xuất khẩu điện thoại di động, đứng thứ 5 trong top 15 quốc gia xuất khẩu nhiều nhất thế giới về máy tính và linh kiện.
Hiện Việt Nam có khoảng trên 2.000 doanh nghiệp tham gia vào ngành điện tử chiếm 54,8% và FDI chiếm 45,2%. Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp khá cao (31%) và chủ yếu là doanh nghiệp FDI. Từ năm 2013 đến nay, tổng giá trị xuất khẩu hàng năm đã vượt ngưỡng con số 30 tỷ USD.
Dù vậy, ngành điện tử còn đối mặt với nhiều thách thức, như: Công nghệ thay đổi nhanh, vòng đời sản phẩm ngắn và cạnh trạnh quốc tế đặc biệt khốc liệt; nhiều quy định quốc tế mới đang là rào cản cho doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Thiếu lao động lành nghề và thách thức phi truyền thống như biến đổi khí hậu hay sản xuất xanh và sạch cũng đang tác động lớn ngành xuất khẩu trọng điểm này của Việt Nam.
Để vượt qua những thách thức trên và gia tăng giá trị cho ngành, theo các chuyên gia, cần đầu tư vào doanh nghiệp có tiềm lực lớn để hình thành hệ sinh thái chuỗi cung ứng và mang tính chủ động hơn cho doanh nghiệp Việt.
Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước và hỗ trợ doanh nghiệp nội địa nâng cao năng lực và có những chính sách để tận dụng cơ hội tốt để chuyển đổi chuỗi cung ứng. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp điện tử, nhất là ngành công nghiệp bán dẫn.
Công nghiệp điện tử vẫn được xác định là ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam. Năm 2024 cùng với ngành công nghiệp này, chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến về đích đạt mục tiêu tăng trưởng 7-8%.
Sang năm 2025, để phát triển ngành công nghiệp điện tử, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường các biện pháp bảo vệ thị trường điện - điện tử tiêu dùng nội địa (như thuế phòng vệ, hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại, hàng giả và hàng nhâp lậu...).
Hỗ trợ một số doanh nghiệp triển vọng trong ngành điện tử nội địa phát triển thương hiệu. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hoạt động lắp ráp của Samsung tại Việt Nam; phối hợp với Samsung xây dựng hệ thống nhà cung ứng điện tử nội địa cung cấp cho hoạt động lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh.
Minh An (t/h)Đà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.