Công nhận thêm 4 di sản vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký các quyết định về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, Việt Nam có thêm 4 di sản tại Hà Nội, An Giang và Lào Cai được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tại Quyết định số 1350/QĐ-BVHTTDL ngày 14/5/2025, Bộ trưởng Bộ VHTTDL quyết định đưa nghệ thuật trình diễn dân gian "Nghệ thuật diễn tấu trống Chhay-dăm của người Khmer huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang" vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Múa trống Chhay-dăm là một điệu múa dân gian độc đáo, là loại hình sân khâu đặc biệt, gắn bó mật thiết với đồng bào dân tộc Khmer. Đây là điệu múa không thể thiếu trong các ngày lễ tết như Chôl Chnăm Thmây, Sen Đôn Ta, Oóc-om-bóc và có thể biểu diễn mọi nơi từ sân khấu, sân chùa hay sân nhà với những động tác thoải mái, lạc quan.
Tiếng trống và điệu múa Chhay-dăm mang ý nghĩa về sự vui tươi, sức khỏe và an lành. Đây cũng là cách để gắn kết cộng đồng, thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên và các vị thần trong tâm thức đồng bào Khmer. Đồng thời, truyền đạt giá trị lịch sử và tinh thần đoàn kết trong cộng đồng cho thế hệ trẻ Khmer.

Múa trống Chhay-dăm được biểu diễn từ lễ hội tới sinh hoạt cộng đồng. Ảnh: SVHTTDL Tây Ninh
Tại Quyết định số 1351/QĐ-BVHTTDL ngày 14/5/2025, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa lễ hội truyền thống "Hội hát chèo tàu Tổng Gối xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội" vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chèo tàu Tân Hội là điệu hát chèo thuyền trên cạn độc đáo của Xứ Đoài, một hình thức diễn xướng dân gian độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Nội dung của các bài hát trong diễn xướng chèo tàu là những bài hát riêng và những bài hát đối đáp của “tàu” và “tượng”, đều nhằm ca ngợi công đức của Thành hoàng Tổng Gối Văn Dĩ Thành. Hát chèo tàu Tân Hội gồm 20 làn điệu, được chia thành các hình thức như: hát trình, hát thuyền và hát bỏ bộ.
Điều đặc biệt là tất cả bài hát của nghệ thuật chèo tàu cho đến nay vẫn được người dân Tân Hội giữ gìn nguyên vẹn lời ca cổ. Dù đã trải qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử nhưng lời ca, điệu hát vẫn giữ được vị thế của mình, vẫn làm say đắm lòng người.

Trình diễn hát chèo tàu Tân Hội, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội
Tại Quyết định số 1352/QĐ-BVHTTDL ngày 14/5/2025, Bộ trưởng Bộ VHTTDL quyết định đưa tập quán xã hội và tín ngưỡng "Nghi lễ cúng rừng của người Pa Dí huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai" vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cúng rừng là một nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại huyện Mường Khương nói chung, Đồng bào người Pa Dí ở thôn Sa Pa, thị trấn Mường Khương nói riêng. Tổ chức lễ cúng rừng đầu năm với nhiều nghi thức đặc sắc và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Lễ cúng rừng thường được tổ chức vào cuối tháng giêng hằng năm.
Lễ cúng được tổ chức trang trọng ngay tại khu rừng cấm của thôn với lễ vật là những sản vật do dân làng tự tay nuôi trồng. Nghi thức lễ cúng rừng không rườm rà, với lời khấn cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt...
Tại Quyết định số 1353/QĐ-BVHTTDL ngày 14/5/2025, Bộ trưởng Bộ VHTTDL quyết định đưa nghề thủ công truyền thống "Nghề đan lát của người Tày xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai" vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Từ những nguyên liệu sẵn có từ tự nhiên như: giang, nứa, cọ, mây, vầu, với đôi bàn tay khéo léo và tài hoa, đồng bào dân tộc Tày xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên đã tạo ra các sản phẩm như gùi, nia, rổ, giỏ, mẹt, khóp đựng xôi, dụng cụ đánh bắt cá và một số đồ dùng không thể thiếu trong nghi lễ ăn hỏi, lễ cưới, lễ thôi nôi để phục vụ trong đời sống hàng ngày…
Các sản phẩm được tạo ra từ đan lát đã phát huy giá trị không chỉ trong đời sống mà còn góp phần nâng tầm giá trị của sản phẩm trong phát triển du lịch huyện Bảo Yên nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung.
Các quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Với 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vừa chính thức được ký quyết định công nhận, lãnh đạo các cấp nơi có di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình.
Ngô Huy
Giá xăng trong nước ngày mai (29/5) có khả năng đảo chiều tăng trở lại. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể tăng 50-150 đồng/lít còn giá dầu diesel giảm nhẹ.