Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo: Không chỉ dừng ở lắng nghe, tiếp nhận

Sự kiện
06:30 AM 14/07/2020

Thời gian qua, công tác tiếp công dân không chỉ dừng ở lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị…, mà các đại biểu HĐND, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã lựa chọn những vụ việc phức tạp, kéo dài để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác này, việc tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng tiếp công dân cho đại biểu HĐND các cấp sẽ được tăng cường.

Thường trực HĐND thành phố tiếp công dân theo vụ việc vào tháng 6-2020.

Thường trực HĐND thành phố trực tiếp xem xét 33 vụ việc

Thực hiện Quy chế tiếp công dân, thời gian qua, các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đã làm tốt nhiệm vụ này tại các tổ bầu cử. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, đã có 112 lượt đại biểu tiếp công dân tại các tổ bầu cử, qua đó tiếp nhận, xử lý 347 đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Ngoài ra, Thường trực HĐND thành phố lựa chọn 4 vụ việc khiếu nại, tố cáo có nội dung phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết để trực tiếp tham gia tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố.

Thông tin về việc tiếp công dân, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, nhiều vụ việc phức tạp kéo dài, người dân kiến nghị, khiếu nại, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Sau các buổi tiếp công dân theo vụ việc, Thường trực HĐND thành phố đều có văn bản đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết thấu đáo, trên cơ sở có lợi cho người dân. Đơn cử là vụ việc của bà Bạch Thị Hồng Vân (số 2, ngõ 24 đường Giải Phóng, phường Phương Mai, quận Đống Đa) liên quan đến đề nghị xem xét việc thu hồi đất ở và bồi thường tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng Trường Trung học cơ sở Phương Mai đã được giải quyết dứt điểm…

Nói về công tác tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân của HĐND thành phố Hà Nội, bà Đỗ Thị Thu Hiền (xã Dục Tú, huyện Đông Anh) cho biết, gia đình có đất nằm trong dự án xây dựng quốc lộ 3 mới nhưng đến nay chưa được nhận tiền bồi thường theo quy định. “Gia đình tôi rất vui khi được Thường trực HĐND thành phố xem xét vụ việc, đồng thời đề nghị huyện Đông Anh sớm có phương án tổ chức thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng, để bảo đảm ổn định cuộc sống”, bà Đỗ Thị Thu Hiền nói.

Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, Thường trực HĐND thành phố đã xem xét trực tiếp 33 vụ việc. Đến nay, đã có 17 vụ được giải quyết dứt điểm, 16 vụ đang được xem xét, giải quyết. Hiện, Thường trực HĐND thành phố đang đôn đốc và giám sát việc tổ chức thực hiện của các cơ quan có thẩm quyền đối với các vụ việc trên.

Tập huấn kỹ năng tiếp công dân

Phó Chánh Văn phòng HĐND thành phố Hà Nội Vũ Quang Chinh thông tin, trong 347 đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến đại biểu HĐND thành phố 6 tháng đầu năm 2020, Văn phòng HĐND thành phố đã tham mưu Thường trực HĐND thành phố xử lý và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết 83 đơn; ban hành 2 văn bản hướng dẫn công dân, 1 văn bản đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị chậm giải quyết.

Đáng chú ý, Văn phòng HĐND thành phố đã lưu 261 đơn do trùng, không rõ nội dung, nặc danh, đã giải quyết hết thẩm quyền. Nguyên nhân trùng do việc cập nhật thông tin, bố trí đầu mối cán bộ để tham mưu từng vụ việc ở văn phòng HĐND - UBND cấp quận, huyện, thị xã có nơi còn hạn chế, kéo dài thời gian xử lý. Công tác theo dõi, xử lý, đôn đốc giải quyết vụ việc còn chậm, dẫn đến trùng lặp trong điều hành xử lý.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện Thanh Oai Nguyễn Phi Hùng cho biết, để tránh trùng lặp đơn, không rõ nội dung, hoặc đã giải quyết hết thẩm quyền nhưng công dân vẫn kiến nghị, Văn phòng HĐND - UBND các quận, huyện, thị xã cần kiện toàn, củng cố bộ máy tiếp công dân. Trong đó chú trọng sắp xếp cán bộ có năng lực, kinh nghiệm tham gia tiếp công dân, để tham mưu tổng hợp, chuyển đơn đúng địa chỉ giải quyết; đồng thời phân loại những đơn trùng, không rõ nội dung, nặc danh ngay từ đầu.

Còn Phó Chủ tịch HĐND huyện Đông Anh Lê Văn Oanh cho rằng, thực tế có một số đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm, công việc chuyên môn bận, lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động HĐND, nhất là kỹ năng tiếp công dân. Việc này dẫn đến tình trạng vẫn còn một số kiến nghị của cử tri tồn đọng qua nhiều năm. Vì thế, cần tăng cường tổ chức những lớp tập huấn kỹ năng cho đại biểu dân cử các cấp về công tác đôn đốc, giải quyết kiến nghị cử tri; khiếu nại, tố cáo của công dân.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, thời gian tới, ngoài việc tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, Thường trực HĐND thành phố sẽ định hướng, hướng dẫn HĐND các địa phương thực hiện công tác tập huấn kỹ năng tiếp công dân cho các đại biểu. Qua đó, giúp duy trì nền nếp tiếp công dân và tăng chất lượng theo dõi, đôn đốc kết quả giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân.

Việt Tuấn
Ý kiến của bạn
Kinh tế số có thể đem lại 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030 Kinh tế số có thể đem lại 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030

Theo nghiên cứu về nền kinh tế số Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng, tương đương 74 tỷ USD.