Công trình Viettel: Doanh nghiệp viễn thông đầu tiên của Việt Nam được cấp ISO 45001
Chính thức triển khai từ tháng 10/2019, chỉ sau 6 tháng, Tổng Công ty Công trình Viettel đã được công nhận đạt chuẩn quốc tế ISO 45001:2018, trở thành doanh nghiệp viễn thông đầu tiên của Việt Nam nhận chứng nhận này.
Nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, đề cao sự an toàn người lao động
Sau nhiều cuộc đánh giá chứng nhận trên phạm vi toàn quốc, Tổng công ty Công trình Viettel vừa chính thức được cấp chứng nhận Tiêu chuẩn quốc tế ISO 45001:2018.
Với kết quả đạt được, Công trình Viettel là doanh nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực viễn thông được cấp chứng nhận về Hệ thống quản lý về An toàn và Sức khoẻ nghề nghiệp.
Lễ trao giấy chứng nhận hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp ISO 45001:2018 cho Viettel Construction.
Tiêu chuẩn ISO 45001:2018 là tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý An toàn Sức khỏe Nghề nghiệp do Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) ban hành vào tháng 3/2018. Mục đích của tiêu chuẩn là nhằm hoàn thiện các yêu cầu quản lý về an toàn sức khỏe nghề nghiệp đã được đề cập trong Tiêu chuẩn OHSAS 18001 ban hành trước đó, cũng như thiết lập một cấu trúc đồng nhất với các hệ thống quản lý khác.
Tiêu chuẩn ISO 45001 cũng hướng đến việc hỗ trợ các tổ chức áp dụng cải tiến việc quản lý về an toàn sức khỏe nghề nghiệp, loại bỏ các mối nguy và giảm thiểu các rủi ro về an toàn nghề nghiệp.
Việc một doanh nghiệp viễn thông có quy mô lớn, trải dài 63 tỉnh thành khắp cả nước như Công trình Viettel được cấp chứng nhận này đòi hỏi sự nỗ lực vô cùng lớn từ ban lãnh đạo đến từng người lao động.
“Trong quá trình triển khai ISO 45001, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn như phạm vi hoạt động trải dài trên toàn quốc, sự khác biệt về kiến thức, nhận thức của CBNV, khác biệt về văn hóa vùng miền, nhiều nơi điều kiện địa lý phức tạp… Tuy nhiên với sự quyết tâm của BTGĐ và sự cố gắng, nỗ lực của các đơn vị, các nhân sự triển khai cộng với sự đồng hành sát sao của đơn vị tư vấn, việc triển khai hệ thống đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đặt biệt trong 4 tháng đầu năm không xảy ra tai nạn lao động trên toàn quốc”, Phó Tổng giám đốc Công trình Viettel - ông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại lễ trao chứng nhận ISO 45001.
Không chỉ có quy mô trải dài trên toàn quốc, từ đồng bằng đến vùng hải đảo miền núi xa xôi, Công trình Viettel cũng là doanh nghiệp có ngành nghề vô cùng đa dạng, từ tư vấn thiết kế xây dựng, xây lắp, vận hành khai thác đến giải pháp tích hợp… Trong điều kiện ngành nghề đa dạng như vậy, các mô hình khác phải mất khoảng 12 tháng nhưng Tổng Công ty nhanh chóng hơn, chỉ cần một nửa số thời gian.
“Tất cả đội ngũ ban lãnh đạo Công trình Viettel đều thống nhất rằng Hệ thống quản lý An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng đối với các doanh nghiệp trong việc bảo vệ sức khỏe người lao động, đảm bảo tuân thủ các yêu cầu pháp luật về an toàn vệ sinh lao động”, ông Nguyễn Huy Dũng - Phó TGĐ Công trình Viettel cho hay.
Không chủ quan, tiếp tục phấn đấu với mục tiêu cao hơn
Khi chia sẻ về “bí quyết” tại sao với điều kiện nhiều khó khăn, phức tạp nhưng lại đạt được chứng nhận ISO 45001 trong thời gian thần tốc như vậy, ban lãnh đạo Công trình Viettel chia sẻ: “Điều quan trọng vẫn là sự quyết tâm cao, sự đồng lòng của cả đội ngũ.
“Ban lãnh đạo có sự đầu tư bài bản về nguồn lực. Một điều chúng tôi cũng rất tự hào và chính điều này làm nên nhiều chiến thắng của Công trình Viettel - đó là sức mạnh quân đội, tinh thần người lính”, một lãnh đạo Công trình Viettel nhấn mạnh.
Anh Nguyễn Nhật Hưng – Trưởng phòng ISO và Kỹ thuật Công nghệ, Tổng Công ty Công trình Viettel cho biết: “So với năm 2018, sự cố rủi ro giảm đi rất nhiều. Khi triển khai tìm hiểu về ISO 45001, bản thân người lao động chúng tôi ý thức hơn rất nhiều trong công tác, tránh xảy ra mọi tình huống xấu. Công tác tuyên truyền về an toàn lao động được đẩy mạnh, anh em chúng tôi ý thức rất rõ và tuân thủ quy định mà ISO đưa ra. Cùng với đó, một động lực rất lớn là Ban lãnh đạo rất quan tâm đến sự an toàn lao động của mỗi nhân viên.
Theo tìm hiểu, ISO 45001 được cấp bởi Tổ chức quốc tế, do vậy họ có cách nhìn độc lập, khách quan trong quá trình đánh giá, các mẫu cũng được lấy một cách ngẫu nhiên. Tiêu chuẩn áp dụng, phương pháp đánh giá cũng mang tính quốc tế, không có sự ràng buộc ở trong nước.
Mặc dù đạt được kết quả lớn trong việc đảm bảo an toàn, sức khoẻ nghề nghiệp cho đội ngũ lao động, song ban lãnh đạo Công trình Viettel xác định đây chỉ là bước khởi đầu cho việc xây dựng môi trường ATLĐ và sức khỏe nghề nghiệp tại VCC.
Để đạt được mục tiêu cao hơn, tạo sự an tâm, gắn kết của người lao động với tổ chức, tạo niềm tin với khách hàng và đối tác hay tạo ra lợi thế cạnh tranh thực sự thì theo ông Nguyễn Huy Dũng – Phó TGĐ Công trình Viettel: Cần có sự đồng hành, nỗ lực hơn nữa của toàn thể cơ quan, đơn vị và CBNV trong Tổng công ty trong thời gian tiếp theo để duy trì và cải tiến hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp hơn nữa để đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và đối tác.
Kế hoạch trong năm 2020 và các năm tiếp theo, Công trình Viettel sẽ quyết tâm xây dựng và đạt chứng nhận về hệ thống quản lý an toàn thông tin ISO 27001: 2013, hệ thống quản trị rủi ro ISO 31001:2018 và chuẩn COSO 2013 về kiểm soát nội bộ, quản lý chất lượng toàn diện TQM…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.