Công trình xã hội hóa, chưa dùng đã hỏng: Nguyên nhân từ đâu?

Đời sống
08:06 AM 19/05/2020

Mặc dù đều là các công trình với kinh phí hơn chục tỷ đồng, tuy nhiên, chất lượng sau thi công lại vô cùng “tạm bợ”, nơi chưa dùng đã hỏng, nơi vừa mưa dông đã gãy đổ cả giàn…

Vừa được TP. Vinh, tỉnh Nghệ An lắp đặt chưa lâu, nhưng sau trận mưa dông hàng loạt cột đèn trang trí đoạn từ ngã tư đại lộ Lê Nin giao đường Phạm Đình Toái đến ngã tư sân bay Vinh (TP Vinh, Nghệ An) đã bị gãy đổ. Sự việc trên không chỉ tiềm ẩn nguy hiểm đến tính mạng cho người tham gia giao thông mà còn cho thấy công trình lớn có giá trị 11 tỷ đồng nhưng chất lượng thi công không tương xứng với giá trị.

Lực lượng chức năng giải tỏa hiện trường để đảm bảo an toàn giao thông

Thực tế, theo ghi nhận của các cơ quan báo chí, tại hiện trường, các cột đèn trang trí bị gãy đổ ngay trên giải phân cách và lấn xuống lòng đường gây trở ngại cho người dân khi tham gia giao thông. Các mối hàn của các cột bị gãy đổ đều bị bung và các thanh thép chịu lực đều bị biến dạng, bộ phận cột đèn được làm bằng vỏ nhựa cũng đã bị bung.

Đánh giá về hiện trạng trên, cơ quan có thẩm quyền cho hay, nguyên nhân đổ gãy hàng loạt cột đèn trang trí do kết cấu chịu lực của chân cột đèn trang trí yếu (tổng cộng chân cột đèn có 16 thành thép hộp 4x4cm) không đủ khả năng chịu lực khi xảy ra trận mưa to, gió lốc lớn(?).

Đối với các tỉnh miền trung, việc xảy ra dông lốc là vô cùng phổ biến, tuy nhiên, trước thực trạng thi công như vậy, dư luận không khỏi hoài nghi về giá trị công trình không tương xứng với giá trị sử dụng? Khi tổng số cột đèn trang trí được lắp đặt tại tuyến đường này là 30 cột, thì có đến 11 cột gãy đổ hoàn toàn; 14 cột nghiêng, có nguy cơ gãy đổ.

Hiện trạng còn lại của dự án có giá trị lên tới 11 tỷ đồng sau trận dông lốc tối ngày 17/5 vừa qua

Được biết, công trình thực hiện từ nguồn vốn do Ngân hàng TMCP kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tài trợ (với tổng mức đầu tư 11 tỷ). Đơn vị thiết kế: Công ty CP Quy hoạch kiến trúc Đất Việt. Đơn vị thẩm tra: Công ty CP tư vấn xây dựng 2. Đơn vị thi công: Công ty CP đầu tư xây dựng thương mại xuất nhập khẩu Việt Anh. Công trình được UBND thành phố Vinh cấp giấy phép xây dựng số 227/GPXD-UBND ngày 31/10/2019.  

Và đây cũng không phải là công trình duy nhất gây bức xúc trong dư luận 5 tháng vừa qua của năm 2020, trước đó, tại dự án chỉnh trang khu di tích lăng vua Gia Long thuộc xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, một công trình có giá đầu tư gần 20 tỷ đồng được thực hiện bằng nguồn xã hội hóa (tài trợ) cũng rơi vào tình trạng chưa dùng đã hỏng.

Cụ thể, là việc đoạn đường dài 1,5km được đầu tư đến 13 tỷ đồng với chất lượng bê tông M350, dày 24cm nhưng chưa dùng đã hư hỏng, nứt nẻ, còn khu vực bãi giữ xe, tại hạng mục kè cũng xuất hiện nhiều vết nứt, cùng với đó, hàng cây thông chỉ mới trồng được một thời gian ngắn đã chết khô, héo úa.

Vốn lớn từ nguồn xã hội hóa để xây dựng nhưng đường vẫn hỏng dù chưa được dùng

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thị xã Hương Trà, việc lựa chọn đơn vị thi công ở dự án chỉnh trang khu di tích lăng vua Gia Long được thực hiện bằng hình thức chỉ định không qua đấu thầu và Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Bảo Ninh là đơn vị được chỉ định thầu thi công dự án.

Liệu có hay không “lỗ hổng” đang xuất hiện tại các công trình bằng vốn xã hội hóa? Tại sao chất lượng lại không đi liền với giá trị? Căn bệnh này xuất phát từ đâu?

Nắm bắt về thực trạng trên, thông tin với cơ quan báo chí, ông Nguyễn Văn Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế nhận định: Đây là “bệnh” không phải do làm ẩu mà vì thiếu kinh nghiệm, từ tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế đến quản lý dự án, nhà thầu…

Câu chuyện về năng lực tại các dự án, công trình luôn là vấn đề nóng được bàn đến trong thời gian vừa qua nhưng có một thực tế còn lớn nhiều hơn thế khiến dư luận quan ngại đó là vấn đề - Ai chịu trách nhiệm sau hậu quả như hiện trạng đã nêu của các nhà thầu?

 Theo Enternews

Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.