Công ty bảo hiểm chi trả bồi thường lên tới hơn 64.000 tỷ đồng
Dự kiến, mức chi trả bồi thường trong năm 2024 có thể tăng vọt, trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3 (siêu bão Yagi).
Theo Thống kê của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong 9 tháng năm 2024, chi trả quyền lợi bảo hiểm trong 9 tháng năm 2024 ước đạt 64.070 tỷ đồng, tăng hơn 16 % so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, mức chi trả của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là khoảng 17.621 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 46.449 tỷ đồng.
Song song đó, tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 978.906 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tài sản các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 141.357 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 837.549 tỷ đồng.
Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 202.803 tỷ đồng, tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, quy mô vốn của nhóm phi nhân thọ ước đạt 41.682 tỷ đồng, nhóm nhân thọ ước đạt 161.121 tỷ đồng.
Trong 9 tháng năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm của toàn ngành ước đạt 165.518 tỷ đồng, giảm 0,41% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 58.541 tỷ đồng, tăng 12,79% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, doanh thu lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 106.977 tỷ đồng, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước.
Liên quan đến diễn biến thị trường trong tháng 9/2024, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ chứng kiến hàng loạt yêu cầu bồi thường liên quan đến tổn thất sau bão số 3 (bão Yagi). Tính đến cuối tuần trước, theo thống kê của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), các doanh nghiệp đã tiếp nhận thông tin hơn 9.000 vụ thiệt hại về tài sản và xe cơ giới, ghi nhận 14 trường hợp tử vong và 18 vụ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe.
Sau đợt bão càn quét, ước tính sơ bộ ban đầu, tổng số tiền bảo hiểm chi trả thiệt hại về con người và tài sản khoảng 7.000 tỷ đồng. Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, đến nay, số lượng hồ sơ đề nghị bồi thường, tạm ứng bảo hiểm vẫn tiếp tục tăng lên do nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chưa tiếp cận được hiện trường tại một số điểm còn ngập lụt, lở đất nghiêm trọng tại nhiều địa phương, do đó, mức độ thiệt hại chưa thống kê hết.
Ghi nhận số tiền phải bồi thường bảo hiểm cao nhất hiện nay là Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) với hơn 500 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 2.000 tỷ đồng, chưa bao gồm tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người. PVI huy động toàn bộ đội ngũ giám định viên và các công ty giám định độc lập do Bảo hiểm PVI chỉ định xuống hiện trường, ứng trực 24/24 giờ để sẵn sàng tiếp nhận và xử lý hồ sơ tổn thất, giảm thiểu tối đa thời gian cho khách hàng.
Tập đoàn Bảo hiểm Bảo Việt cũng tiếp nhận gần 700 vụ tổn thất, tập trung vào các loại hình bảo hiểm con người, bảo hiểm tài sản như bảo hiểm xe ô tô, bảo hiểm nhà tư nhân, các công trình xây dựng, nhà xưởng, kho bãi, máy móc thiết bị, cầu cảng và hàng hóa với ước tính tổng số tiền gần 1.000 tỷ đồng.
Báo cáo của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 821.241 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Quy mô đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 83.576 tỷ đồng; doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 737.665 tỷ đồng.
Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 652.239 tỷ đồng, tăng 12,45% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 33.428 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 618.811 tỷ đồng.
Kinh tế Hà Nội diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động phức tạp; ở trong nước, các tỉnh thành phố phía Bắc chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3, Hà Nội đạt được kết quả GRDP 6,12% trong 9 tháng rất quan trọng và đáng ghi nhận.