Công ty Cà phê 719: “Vượt bão” COVID-19, giữ đà tăng trưởng với doanh thu 90 tỷ đồng trong năm 2021
Năm 2021, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, có những tác động mạnh mẽ gây đứt gãy chuỗi sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê ở nhiều địa phương, khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất cà phê gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, cán bộ và công nhân Công ty Cà phê 719 (xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) vẫn nỗ lực bảo đảm an toàn tuyệt đối, giữ vững ổn định sản xuất và tích cực hỗ trợ địa phương phòng, chống dịch.
Với phương châm đảm bảo an toàn trong thực hiện mục tiêu kép, Ban lãnh đạo Công ty Cà phê 719 đã yêu cầu toàn cơ quan tăng cường và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời duy trì sản xuất an toàn. Cán bộ, công nhân, người lao động trong công ty luôn chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống COVID-19; tất cả phương tiện, hàng hóa ra vào Công ty đều được khử khuẩn an toàn; toàn công ty thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Không chỉ phòng, chống dịch tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Cà phê 719 trong năm 2021 còn đạt kết quả với doanh thu 90 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 0,85 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 3,36 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2020, doanh thu của Công ty Cà phê 719 đạt doanh thu 82 tỷ đồng. Năm 2019 có tổng doanh thu 97 tỷ đồng (đạt 102% kế hoạch), lợi nhuận trước thuế 1,2 tỷ đồng và nộp vào ngân sách Nhà nước 2,1 tỷ đồng. Năm 2018 có tổng doanh thu 93 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2 tỷ đồng và nộp vào ngân sách Nhà nước 2 tỷ đồng.
Trao đổi với PV, Giám đốc Công ty Cà phê 719 - ông Phan Trung Hạnh cho biết: Dù còn nhiều khó khăn nhưng Công ty chúng tôi đã cùng nhau tạo nên một khối sức mạnh vững chắc, cùng nhau vượt qua những thử thách trên chặng đường phát triển, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Công ty đã tập trung đầu tư xây dựng một nền tảng vững chắc, tạo ra các sản phẩm lúa gạo, cà phê và hồ tiêu chất lượng cao, góp phần tăng nguồn thu ngân sách và giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Năm 2020, công ty đã "vượt bão" COVID-19, vực lại doanh nghiệp, cố gắng phát triển ổn định. Trong năm 2021, về cây lúa nước, Công ty vẫn duy trì tổng diện tích gieo trồng: 1.680,7 ha/1.681,5 ha. Tổng sản lượng lúa cả năm: 12.655 tấn/10.595 tấn, đạt 119% kế hoạch. Lúa thương phẩm nộp khoán: 2.092 tấn/2.006,7 tấn, đạt 104% kế hoạch.
Với cây cà phê, trong năm 2021, Công ty duy trì tổng diện tích giao khoán: 324,9ha. Trong đó, cà phê kinh doanh: 90,4 ha; cà phê kinh doanh cũ: 50,3 ha; cà phê tái canh đưa vào kinh doanh: 40,1 ha; cà phê tái canh thời kỳ kiến thiết cơ bản: 108,5 ha. Cà phê niên vụ 2020-2021, Công ty đã ký hợp đồng bán cho Tổng Công ty Cà phê Việt Nam sản lượng hàng chục tấn.
Ngoài nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, phát triển đời sống người lao động trong đơn vị, Công ty Cà phê 719 luôn thực hiện các tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước tới người lao động. Công ty cũng là một trong những doanh nghiệp thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và có những hoạt động thiết thực, ý nghĩa, chung sức cùng địa phương xây dựng nông thôn mới trên quê hương Krông Pắk, Đắk Lắk.
Trong năm 2022, Công ty phấn đấu thực hiện gieo trồng khoảng 1.680,7 ha lúa với tổng sản lượng ước khoảng gần 13 nghìn tấn. Với cây cà phê, phấn đấu đưa 90,5 ha cà phê tái canh chuyển sang kinh doanh, năng suất bình quân: 2,3 tấn nhân xô/ha, tổng sản lượng: 208 tấn, sản lượng thu khoán: 55 tấn…
Công ty cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu và đưa vào sản xuất những giống có năng suất cao, chất lượng tốt, giống đặc sản và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh tái canh cà phê bằng các giống mới với độ đồng đều cao để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế; thực hiện tốt việc liên kết sản xuất, từng bước thúc đẩy sản xuất cà phê đặc sản góp phần nâng cao giá trị;…
Toàn công ty phấn đấu, trong năm 2022, tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế và nộp ngân sách Nhà nước sẽ tiếp tục cao hơn năm 2021, từ đó nâng cao vị thế và uy tín của công ty trong thị trường cà phê Tây Nguyên và cả nước.
Phùng SơnViệt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.