Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả: Niêm yết cổ phiếu HHV trên sàn giao dịch HOSE
Ngày 20/01/2022, tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) tổ chức Lễ trao quyết định niêm yết và đưa hơn 267 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Mã chứng khoán: HHV, thuộc công ty mẹ là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả) vào giao dịch. Giá chào sàn 25.660 đồng/cổ phiếu (tương đương giá trị vốn hóa 6.861 tỷ đồng), biên độ giao động giá +/- 20% so với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên.
Việc niêm yết tại Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM là một dấu mốc quan trọng, khẳng định uy tín, sự minh bạch trong quản trị doanh nghiệp, mở ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển, thu hút nguồn vốn trong nước và nước ngoài để đầu tư xây dựng nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của HHV là tiếp tục duy trì vị trí số 1 ở Việt Nam và vươn tầm quốc tế trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, HHV tập trung vào lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ, cung cấp dịch vụ khép kín với 4 hoạt động trọng tâm bao gồm: Hoạt động đầu tư; hoạt động thi công xây lắp; hoạt động quản lý vận hành, khai thác các công trình hạ tầng giao thông đường bộ và hoạt động đầu tư phát triển bất động sản và các dịch vụ gắn liền với đường cao tốc.
Xuất phát điểm là "Xưởng thống nhất" thành lập năm 1974 trực thuộc Ban xây dựng 67. Trải qua gần nửa thế kỉ xây dựng và phát triển, HHV đang từng bước trở thành một trong những thương hiệu uy tín, tạo bước đột phá trong lĩnh vực đầu tư, thi công, quản lý vận hành các công trình hạ tầng giao thông tại Việt Nam.
HHV - Công ty con của CTCP Tập đoàn Đèo Cả, hiện là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công tư (PPP), tổng mức đầu tư các dự án mà HHV trực tiếp góp vốn tính đến thời điểm này gần 50.000 tỷ đồng, bên cạnh đó, HHV cũng là đơn vị có kinh nghiệm hàng đầu trong quản lý khai thác vận hành các công trình hầm, đường cao tốc…
Các dự án hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân, Phú Gia - Phước Tượng được hoàn thành bởi bàn tay, trí tuệ và bản lĩnh của người Việt Nam, khi đưa vào vận hành giúp giảm thiểu tai nạn giao thông ở các cung đường đèo hiểm trở dọc dải đất miền Trung. Đồng thời, khi cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn ở miền Bắc, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận ở miền Nam rơi vào tình trạng bế tắc và đình trệ trong nhiều năm, HHV cùng Tập đoàn Đèo Cả đã thực hiện giải cứu thành công 2 dự án này, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Năm 2021, là một năm nhiều khó khăn thách thức bởi dịch COVID-19, nhưng tập thể cán bộ công nhân viên của hệ thống Đèo Cả đã nỗ lực vượt khó, kiên trì thực hiện đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Gặp núi xuyên hầm, gặp thung lũng bắc cầu, gặp ruộng đổ đất" để đạt được những thành quả đáng tự hào.
Đó là hoàn thành hầm Hải Vân 2 và đưa vào khai thác, Hầm bao biển nối thành phố Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Tình Yêu nối đôi bờ vịnh Cửa Lục ở tỉnh Quảng Ninh; đào thông hầm Thung Thi trên tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 ở Thanh Hoá, đặc biệt thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận ở tỉnh Tiền Giang và chuẩn bị đưa vào vận hành, đáp lại niềm tin của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ngành giao thông và kỳ vọng của hơn 21 triệu người dân ĐBSCL nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.
Lê HảiTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.