Công ty CP Du lịch An Giang 'quá đà' khi cải tạo Khu di tích Đồi Tức Dụp
Mới đây, Phó UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đã ký Công văn 314/UBND-KGVX thông báo kết quả khảo sát và đưa ra hướng xử lý "Điểm tham quan Điện Mặt trời An Hảo" và "Điểm du lịch Đồi Tức Dụp" (huyện Tri Tôn, An Giang) do Công ty CP Du lịch An Giang khai thác mà dư luận ồn ào thời gian qua.
Cải tạo… quá đà!
Kết luận của UBND tỉnh An Giang căn cứ vào kết quả khảo sát của Đoàn liên ngành do Sở VH-TT&DL An Giang chủ trì để kiểm tra đánh giá hoạt động tại "Điểm du lịch Khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp" theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Ngày 31/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang đã có báo cáo kết quả khảo sát. Theo đó, trong thời gian quản lý, Công ty CP Du lịch An Giang đã mở rộng quy mô, giải phóng mặt bằng với diện tích 2,6ha và thực hiện sửa chữa, xây dựng một số công trình tại khu vực di tích.
Qua khảo sát, đoàn ghi nhận nhiều hạng mục, công trình không xin phép về hồ sơ xây dựng tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Đồi Tức Dụp. Công ty CP Du lịch An Giang không xin phép về hồ sơ xây dựng mới, cải tạo các hạng mục phụ trợ phục vụ khách tham quan và công tác quản lý Điểm du lịch nằm bên ngoài Đồi Tức Dụp gồm: Hai căn nhà gỗ bán đồ lưu niệm, văn phòng làm việc, phòng bán vé; các tiểu cảnh, trồng cây xanh; khu thú nuôi, trò chơi phục vụ du khách, bãi giữ xe khách. Ngoài ra, Công ty CP Du lịch An Giang cũng không xin phép cải tạo, nâng cấp nhà hàng, nhà bếp và hai hồ chứa nước, 4 khu nhà vệ sinh, hệ thống điện, trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy…
Công ty CP Du lịch An Giang không xin phép về hồ sơ xây dựng cải tạo nhà trưng bày truyền thống nằm bên ngoài Đồi Tức Dụp. Trước đó, nhà trưng bày đã có sau khi di tích được công nhận. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận, công ty đã tự ý cải tạo, nâng cấp, bổ sung thêm hiện vật gồm: 48 khẩu súng, pháo các loại, đưa vào trưng bày xe tăng, xe Jeep. Đặc biệt, công ty tự ý cải tạo nhà sa bàn thành nhà chiếu phim tư liệu.
Các hạng mục chính tại các hang của khu di tích công ty cũng tự lý làm mà không xin phép như: Thay cầu thang, lan can liên thông vào các hang tại một số hang đá "Hội trường C6," "Cơ quan Phụ nữ", "Cơ quan Tỉnh ủy"… và lót vạc một số điểm dừng chân trong các hang bằng chất liệu sắt hộp mạ kẽm màu trắng thay cho chất liệu gỗ trước đây. Đặc biệt, đối với các tay vịn cầu thang, lan can bằng sắt, phía công ty cho sơn nhiều màu sắc (xanh, đỏ, vàng)... Chất liệu và màu sắc không phù hợp với tính chất di tích lịch sử cấp Quốc gia. Công ty CP Du lịch An Giang tự ý lắp thêm hệ thống đèn chiếu sáng ở lối đi và trong các hang tại khu di tích…
Sai lầm về chuyên môn?
Sau khi khảo sát, đoàn kết luận tất cả những hạng mục xây dựng, cải tạo nêu trên Công ty CP Du lịch An Giang: "Chưa thực hiện đúng quy trình, xin phép xây dựng, xin ý kiến thỏa thuận nội dung tu bổ, sửa chữa với cơ quan có thẩm quyền theo Luật Di sản Văn hóa. Chính vì vậy, khi thực hiện các hạng mục này đã có những sai lầm về mặt chuyên môn trong lĩnh vực tu bổ, xây dựng công trình liên quan đến di tích lịch sử được xếp hạng. Việc này đã ảnh hưởng một phần đến ý nghĩa lịch sử của di tích".
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Công ty CP Du lịch An Giang cam kết thời hạn khắc phục các sai phạm theo đề xuất của ngành chuyên môn; thực hiện thủ tục xin phép cải tạo, tu bổ di tích theo đúng quy trình, quy định hiện hành.
Cụ thể, việc cải tạo cầu thang, lan can liên thông vào các hang, các vạc sàn bằng chất liệu sắt hộp mạ kẽm cần lựa chọn tạo sự hài hoà trong không gian hang và tính chất di tích. Nhất thiết phải điều chỉnh một số chi tiết như tay vịn, màu vạc, màu thang lối đi gần giống với các màu của các chất liệu phù hợp với thiên nhiên vốn có trong hang. Một số lối đi mới dẫn qua các vị trí thiết yếu, dẫn qua các vị trí có ý nghĩa quan trọng về lịch sử như các lối mòn hiểm trở, thể hiện sự gian nguy của các chiến sĩ trong thời chiến tranh phải được giữ lại hiện trạng. Lối đi mới phải được dựng tránh sang một bên, không dựng chồng lấn, che lấp lối đi cũ. Cần có biển chú thích giới thiệu lối đi cũ thời quân ta đóng căn cứ nơi đây, nhằm cho du khách thấy được giá trị di tích, thấy được sự hy sinh to lớn của quân dân ta trong thời kỳ chiến tranh giành độc lập.
Về mô hình tượng cán bộ, chiến sĩ trong hang "Hội trường C6" và rải rác ở một số ngóc ngách trong hang tạo được sự sinh động, giúp du khách liên tưởng đến không gian thật của lịch sử. Tuy nhiên hình thức, kiểu dáng, màu sắc trang phục bắt buộc phải được thay đổi để phù hợp với lịch sử. Việc sửa chữa các hạng mục này phải được thực hiện xin phép, ý kiến chấp thuận của UBND tỉnh, ý kiến thỏa thuận của Bộ VH-TT&DL.
Khắc phục sai sót
Căn cứ vào kết quả và đánh giá của đoàn liên ngành, UBND tỉnh An Giang yêu cầu tạm dừng các hoạt động có thu phí tại các điểm tham quan du lịch chưa đủ điều kiện hoạt động. Riêng Khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp, cần khắc phục ngay các sai sót về mặt chuyên môn theo góp ý của Sở VH-TT&DL để khẩn trương hoàn thiện quy trình thủ tục đầu tư, xây dựng theo quy định.
Đối với giá vé vào tham quan "Điểm du lịch Đồi Tức Dụp": Yêu cầu Công ty CP Du lịch An Giang thực hiện theo quy định về giá vé tại Nghị quyết 42/2016/NQ-HĐND ngày 9/12/2016 của HĐND tỉnh về quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng các loại phí trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh. Các sản phẩm du lịch, dịch vụ khác do công ty đầu tư sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, được tự chủ mức thu phí và phải được niêm yết công khai cho du khách được biết.
UBND tỉnh An Giang còn đề nghị Sở VH-TT&DL, Sở Xây dựng tỉnh, UBND huyện Tri Tôn, UBND huyện Tịnh Biên nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc quản lý tại "Điểm tham quan Điện Mặt trời An Hảo" và "Điểm du lịch đồi Tức Dụp" để xảy ra vi phạm có liên quan đến Luật Di sản văn hóa, Luật Du lịch và Luật Xây dựng.
Riêng điểm tham quan Điện Mặt Trời An Hảo (thuộc huyện Tịnh Biên) cũng do Công ty CP Du lịch An Giang khai thác, UBND tỉnh An Giang cho biết, chưa đủ điều kiện công nhận là điểm du lịch. Để tránh hiểu nhầm cho người dân và du khách, Sở VH-TT&DL An Giang đề nghị công ty không treo biển hiệu khu du lịch khi chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận; đồng thời bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận điểm du lịch, công bố, niêm yết giá vé tham quan theo đúng quy định.
Hồng ÂnTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.