Công ty môi giới trong vụ nghi lừa đảo 100 container hạt điều là ai?
Liên quan đến trách nhiệm của đơn vị môi giới trong vụ lừa đảo nói trên, trả lời Vneconomy, luật sư Trần Hữu Hậu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết về nguyên tắc, họ chỉ là người chắp nối giữa bên mua và bên bán. Tuy nhiên, cả hai bên bán/mua đều ký 2 hợp đồng với bên môi giới. Cho nên, khi gặp rủi ro, môi giới vẫn phải có trách nhiệm trong chuyện này.
Ngày 8/3, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) có văn bản hỏa tốc gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Ý, Thương vụ Việt Nam tại Ý đề nghị hỗ trợ trong tình huống "khẩn cấp". Cụ thể, một số doanh nghiệp xuất khẩu điều nhân sang Ý thông qua công ty môi giới Kim Hạnh Việt với số lượng gần 100 container trị giá hàng trăm triệu USD nhưng không nhận được tiền thanh toán và có nguy cơ mất hàng.
Được biết, đã có 36 container với giá trị 7,025 triệu USD (tương đương 162 tỷ đồng) đã được các doanh nghiệp gửi sang Ý và Thổ Nhĩ Kỳ qua các hãng tàu Cosco, Yangming, HMM, One… đã và đang đến một số cảng ở Ý, nhưng một số chứng từ gốc đã bị thất lạc. Phát hiện có yếu tố lừa đảo, các doanh nghiệp đã kịp thời ngừng giao dịch số container còn lại.
Theo 5 ngân hàng Việt Nam, các ngân hàng này nhận bộ chứng từ gốc từ doanh nghiệp, sử dụng dịch vụ chuyển phát DHL để gửi hồ sơ cho các ngân hàng Ý. Khi ngân hàng đối tác nhận chứng từ gốc mới thanh toán tiền hàng về cho các DN xuất khẩu thông qua ngân hàng Việt. Nhưng kỳ lạ, khi bộ chứng từ tới ngân hàng nước bạn thì toàn bộ 36 phong bì bên trong đều là bản photocopy, không hiểu hồ sơ gốc mất ở giai đoạn nào.
Theo Tham tán Nguyễn Đức Thanh tại Italia, hiện nay chỉ còn 36 bộ chứng từ thất lạc mà các công ty Việt Nam chưa lấy lại được. Trong số 100 bộ chứng từ ban đầu thì các công ty giữ lại được hơn 50 bộ chứng từ, đòi lại được thêm nhiều bộ chứng từ khác mà chính DHL gửi trả cho Việt Nam. Quan trọng nhất là 4 container đầu tiên đến cảng Genoa đã được cảnh sát tài chính Italy ra quyết định giữ lại cảng nhờ các thông tin kịp thời của các doanh nghiệp liên quan.
Hiện tại, vụ việc còn nhiều khúc mắc, từ bộ chứng từ gốc, các tình tiết đáng ngờ đến trách nhiệm của các bên.
Công ty môi giới là ai?
Thực tế, tất cả các giao dịch xuất khẩu điều qua Ý nói trên đều được các doanh nghiệp Việt Nam ký kết với đối tác thông qua môi giới là công ty Kim Hạnh Việt. Theo phía VINACAS, công ty Kim Hạnh Việt chưa từng bị phản ánh có dấu hiệu sai phạm trước đây.
Theo các thông tin được cung cấp từ website của công ty, công ty Kim Hạnh Việt được thành lập năm 2007, cung cấp dịch vụ môi giới xuất khẩu các sản phẩm hạt điều thô và hạt điều nhân Việt Nam ra thế giới và nhập khẩu hạt điều từ châu Phi, Indonesia vào Việt Nam. Công ty có trụ sở tại phường An Bình, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh.
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Kim Hạnh Việt
Giám đốc công ty này là bà Huỳnh Kim Hạnh hiện đang định cư ở Mỹ, nhiều năm không về Việt Nam. Khi môi giới cho khách hàng Ý, các doanh nghiệp chỉ liên lạc với bà Hạnh qua tin nhắn chứ không gặp mặt trực tiếp.
Thông tin mới nhất từ VINACAS cho biết, bà Huỳnh Kim Hạnh đã liên lạc qua điện thoại với VINACAS và chia sẻ "sẽ cùng với VINACAS và các bên liên quan phối hợp để giải quyết vụ việc 100 container điều xuất khẩu sang Ý."
Tuy nhiên đây mới chỉ là lời nói của giám đốc công ty, thực tế bà Hạnh sẽ bay sang Ý hay bay về Việt Nam để phối hợp xử lý cụ thể như thế nào thì phía Vinacas cũng chưa biết.
Liên quan đến trách nhiệm của đơn vị môi giới trong vụ lừa đảo nói trên, trả lời Vneconomy, luật sư Trần Hữu Hậu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết về nguyên tắc, họ chỉ là người chắp nối giữa bên mua và bên bán. Tuy nhiên, cả hai bên bán/mua đều ký 2 hợp đồng với bên môi giới. Cho nên, khi gặp rủi ro, môi giới vẫn phải có trách nhiệm trong chuyện này.
Như vậy, đến giờ phút này, vẫn đang có nhiều tranh cãi về tình tiết cũng như trách nhiệm của các bên liên quan. Vụ nghi lừa đảo 100 container hạt điều là hồi chuông cảnh giác cho tất cả các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Mặc dù đã qua môi giới, các doanh nghiệp vẫn cần tìm hiểu rõ hơn về các công ty đối tác.
Tuệ LinhGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.