Công ty thực phẩm lớn nhất thế giới dự báo giá lương thực thế giới sẽ còn tăng cao hơn nữa
Cả Nestle và Unilever đều cho biết đã và sẽ còn tăng giá sản phẩm.
Theo hãng tin CNN, hãng kinh doanh thực phẩm lớn nhất thế giới là Nestle cho biết giá đầu vào tăng cao sẽ khiến họ có thể phải tăng giá trong nửa cuối năm nay.
"Lạm phát bất ngờ tăng mạnh và nó ảnh hưởng trực tiếp đến chúng tôi", CEO Mark Schneider của Nestle thừa nhận.
Theo CEO Schneider, hãng có thể sẽ phải nâng giá sản phẩm 2% để bù đắp chi phí đầu vào đã tăng 4%. Trong nửa đầu năm 2021, Nestle đã tăng giá sản phẩm 1,3%.
Nestle cho biết họ có thể chịu được mức tăng giá của một số chi phí như nguyên liệu cà phê, nhưng những chi phí khác như vận tải lại khiến hãng khó lòng ổn định được giá bán sản phẩm.
Báo cáo tài chính cho thấy Nestle dự đoán tỷ lệ lợi nhuận năm nay chỉ vào khoảng 17,5%, thấp hơn so với dự báo trước đó do ảnh hưởng của lạm phát. Dẫu vậy, công ty cho biết doanh số có thể tăng trưởng 5-6% trong năm nay nhờ nhu cầu đi lên mùa dịch.
Trước đó, một loạt công ty như General Electric (GE), Anheuser-Busch InBev và Unilever đã cảnh báo về việc chi phí đầu vào tăng có thể làm tăng giá bán khi nền kinh tế thế giới hồi phục sau đại dịch.
Nhu cầu hàng hóa của người dân toàn cầu đang tăng mạnh khi du lịch trở lại, các văn phòng mở cửa hoạt động nhưng chuỗi cung ứng toàn cầu thì chưa hoàn toàn thông suốt.
Một số doanh nghiệp chấp nhận chi phí đầu vào cao nhưng không tăng giá để chiếm thị phần, trong khi số khác thì buộc phải chuyển số chi phí này cho người tiêu dùng để có lợi nhuận, qua đó khiến giá hàng loạt mặt hàng ở siêu thị, nhà hàng và cửa hiệu tăng vọt.
Đối thủ chính của Nestle là Unilever trước đó đã thông báo sẽ tăng giá hàng loạt mặt hàng ở nhiều thị trường nhằm giảm bớt áp lực chi phí đầu vào. Theo Unilever, giá một số mặt hàng như dầu đậu nành đã tăng 20% trong quý vừa qua và hiện đang cao hơn 80% so với cùng kỳ năm trước. Giá dầu cọ hiện cũng đang cao hơn 70% so với mức bình quân.
"Lạm phát đang ảnh hưởng đến mọi chi phí đầu vào của chúng tôi, từ xếp hàng đến vận tải hay phân phối. Do đó chúng tôi đã và sẽ tiếp tục nâng giá sản phẩm", giám đốc tài chính Graeme Pitkethly của Unilever thừa nhận với nhà đầu tư ngày 22/7/2021.
Theo hãng tin CNN, câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu đà tăng giá này chỉ tạm thời hay chúng sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu bước vào kỷ nguyên siêu lạm phát mới, qua đó tác động ngược lại đến khả năng tiêu dùng của thị trường.
Hiện các chuyên gia kinh tế đang tranh cãi liệu lạm phát có phải tín hiệu hồi phục tích cực của nền kinh tế hay nó đang báo động một cuộc khủng hoảng mới. Cuộc họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) mới đây đã không nâng lãi suất, cho thấy Mỹ vẫn đang duy trì chính sách kích thích kinh tế sau đại dịch.
Tuy nhiên nếu một cuộc khủng hoảng với siêu lạm phát diễn ra, các ngân hàng trung ương sẽ buộc phải nâng lãi suất và cắt mọi chương trình kích thích để bình ổn giá tiêu dùng.
Băng BăngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.