Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang: Tìm hướng phát triển bền vững cho cây cao su Gia Lai
Cây cao su do Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang trồng trên đất Gia Lai là giống cây đem lại nguồn lợi kinh tế lớn - còn được gọi là “vàng trắng” trên đất Tây Nguyên…
Để có thể hiểu hơn về nguồn "vàng trắng" này, đồng thời hiểu rõ thực trạng và giải pháp để cây cao su phát triển bền vững trên đất cao nguyên, PV Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã có cuộc phỏng vấn ông Trương Minh Tiến - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang.
Trân trọng giới thiệu cùng Quý độc giả cuộc phỏng vấn này.
Phóng viên (PV): Cao su là cây trồng chủ lực của vùng Tây Nguyên, vì vậy nhiều doanh nghiệp trên đất Gia Lai đã triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển ổn định; tập trung lập kế hoạch, quy hoạch phát triển cây cao su. Với Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang, công ty đã và sẽ làm gì để phát triển cây cao su trong thời gian qua và thời gian tới, thưa ông?
Ông Trương Minh Tiến - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang: Cây cao su hiện đang là một trong những cây trồng chủ lực tại vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng. Giống cây này đang ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong ngành nông, lâm nghiệp Việt Nam, là mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu lớn, mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể.
Nắm được vị trí và vai trò của cây cao su trong ngành nông, lâm nghiệp Việt Nam, thời gian qua, Ban Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang đã xác định: Phát triển cây cao su không chỉ đơn thuần kinh doanh khai thác mủ mà còn tạo cơ hội phát triển ngành nghề, tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn công nhân lao động, phát triển các trung tâm kỹ thuật về sản xuất giống, dịch vụ phân bón, dịch vụ tiêu thụ mủ cao su. Đặc biệt, phát triển cây cao su để giúp đảm bảo an sinh xã hội tại các vùng đồng bào dân tộc ít người ở Gia Lai.
Vì vậy, thời gian qua, diện tích cây cao su do Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang trồng liên tục được mở rộng. Tính đến ngày 18/5/2022, công ty đã trồng được 7.502,59 ha. Diện tích khai thác là 4.606,51 ha (trong đó, mở mới 1.291,31 ha); diện tích vườn cây KTCB là 2.351,51 ha; diện tích ngưng đầu tư là 74,49 ha; diện tích luân canh 2022 là 150,91 ha; diện tích hợp tác liên kết và chờ chuyển giao là 319,17 ha.
Tính đến ngày 18/5/2022, công ty đã khai thác được 1.130 tấn mủ quy khô, đạt 21,32% kế hoạch năm (về sản lượng nhiều hơn 530 tấn, về tiến độ thực hiện kế hoạch nhanh hơn 7,1% so với cùng kỳ năm 2021). Cũng thời điểm này, công ty chế biến được 1.766,79/7.500 tấn, đạt tỷ lệ 23,54% (về lượng nhiều hơn 11 tấn, tăng 0,62% so với cùng kỳ năm 2021); trong đó, chế biến cao su tự khai thác 866,285 tấn, cao su thu mua nguyên liệu 514,355 tấn, gia công chế biến 386,155 tấn, 100% sản lượng chế biến đạt tiêu chuẩn CSVN 112 của tập đoàn. Chất lượng mủ chế biến đảm bảo theo quy định.
PV: Là doanh nghiệp có thế mạnh trong sản xuất cây cao su nhiều năm qua, xin ông chia sẻ một số thông tin về hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang và đánh giá của ông đối với triển vọng kinh doanh của công ty trong năm 2022 và các năm tiếp theo?
Ông Trương Minh Tiến: Trong năm 2021 và hơn 5 tháng đầu năm 2022, Công ty cao su Mang Yang còn gặp nhiều khó khăn, thử thách do dịch bệnh và thời tiết. Tuy nhiên, với sự đồng lòng của tập thể cán bộ người lao động, công ty đã vượt qua tất cả. Tính đến ngày 18/5/2022, công ty có tổng doanh thu đạt 106,392/618,174 tỷ đồng, đạt 17,21% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 27,051/78,067 tỷ đồng, đạt 34,65% kế hoạch. Nộp ngân sách nhà nước gần 15,491 tỷ đồng, đạt 44,05% kế hoạch; trích nộp BHXH, BHYT, BHTN 4,216 tỷ đồng. Công ty đã chủ động cân đối tài chính, ứng trước hợp đồng bán mủ, đảm bảo nguồn tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh và chi trả tiền lương cùng các chế độ cho người lao động.
Dự kiến trong tháng 5 và tháng 6/2022, Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang khai thác được 1.080 tấn mủ cao su, đạt 20% sản lượng. Phấn đấu đến cuối năm 2022 đạt 100% kế hoạch tập đoàn giao (phấn đấu vượt 500 tấn mủ quy khô); thu mua tiểu điền 100 tấn (trong năm 2022 phấn đấu thu mua đạt 1.700 tấn mủ quy khô, tiếp tục triển khai mua mủ nước của các tổ chức, hộ cao su tiểu điền). Phấn đấu chế biến 1.000 tấn mủ; tiêu thụ 1.000 tấn; tổng doanh thu 41 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 3,080 tỷ đồng.
Trong các năm tiếp theo, để mở rộng vùng sản xuất cây cao su, phấn đấu đạt doanh thu và lợi nhuận trước thuế cao, công ty sẽ triển khai các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo sản xuất kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân đang quản lý, khai thác các diện tích cao su. Đồng thời, có phương án chuyển đổi diện tích cao su kém hiệu quả để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Đối với diện tích cao su đang sinh trưởng tốt, công ty sẽ tiếp tục tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, bảo vệ và khai thác đảm bảo sản lượng chất lượng mủ; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư chăm sóc, bảo vệ, khai thác bền vững để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Công ty cũng sẽ nỗ lực kinh doanh với những mục tiêu cụ thể, rõ ràng và phấn đấu giành thắng lợi các mục tiêu kinh doanh đó. Qua đó, mong muốn góp phần cùng tỉnh Gia Lai đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, giúp cho đồng bào dân tộc tại địa phương vượt khó, giảm nghèo và thoát nghèo bền vững, đảm bảo an ninh chính trị và quốc phòng tại địa bàn được giữ vững.
PV: Để Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang có thể có hướng đi bền vững trong tương lai, theo ông, đâu là "chìa khóa" để kiến tạo tương lai này?
Ông Trương Minh Tiến: Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang nói riêng và các doanh nghiệp ngành cao su nói chung đều xác định hướng đi bền vững trong tương lai chính là phát huy hết ưu thế của cây cao su, về diện tích, công nghệ, lực lượng lao động, để tạo đà cho công ty vượt qua những biến động khó khăn của kinh tế hiện nay.
Đồng thời, Ban lãnh đạo công ty sẽ tiếp tục quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên. Hằng năm, công ty sẽ cử cản bộ đi đào tạo từ trung cấp đến sau đại học về lý luận chính trị, quản lý nhà nước và các chương trình bồi dưỡng chuyên ngành kế toán, kiểm phẩm cao su, an toàn lao động.
Công ty cũng đã thực hiện chế độ bồi dưỡng độc hại, tham quan du lịch nghỉ dưỡng cho cán bộ, người lao động đầy đủ. Các ngày lễ, ngày Tết, công ty đều đặn thăm hỏi, tặng quà các tổ chức đoàn thể, gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng; thăm hỏi các gia đình công nhân lao động, đặc biệt là công nhân lao động thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.
Công ty duy trì thực hiện tốt công tác khuyến tài, khuyến học, chăm lo cho các cháu thiếu niên nhi đồng toàn công ty và các thôn làng kết nghĩa nhân ngày quốc tế thiếu nhi 1/6 và Tết Trung thu, tặng quà cho các cháu học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong học tập…
PV: Ở thời điểm này, công ty có đề xuất, kiến nghị gì đối với Tập đoàn Cao su Việt Nam và các cơ quan, ban ngành địa phương hay không, thưa ông?
Ông Trương Minh Tiến: Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang đã được tập đoàn đồng ý chủ trương cho khảo sát xây dựng khu nhà ở xã hội. Hiện nay, đơn vị nghiên cứu khảo sát là Công ty TNHH MTV Phúc Khoa đang đăng ký khảo sát, lập chủ trương đề xuất đầu tư dự án với diện tích 17ha tại nông trường Đoàn Kết. Hy vọng rằng, tập đoàn cho triển khai dự án và Công ty TNHH MTV Phúc Khoa sẽ để lại cho cán bộ công nhân viên của Cao su Mang Yang từ 200 đến 300 lô với giá gốc, giá ưu đãi nhằm mục tiêu an sinh cho các hộ gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.
Công ty cũng đề xuất tập đoàn tăng suất đầu tư nông nghiệp; tiếp tục chuyển đổi 1.000 ha diện tích cao su sau khi thanh lý được tiếp tục hợp tác với các đối tác để trồng cây nông nghiệp ứng dụng cao. Đề nghị lãnh đạo tập đoàn cho bán thanh lý các nhà trẻ, trường mầm non, trung tâm y tế cũ, các khu nhà ở công nhân đã cũ hiện nay không sử dụng, ưu tiên bán cho các công nhân công ty có hoàn cảnh khó khăn…
Cũng mong muốn rằng, các cấp chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, để doanh nghiệp phát triển ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, thúc đẩy quá trình khai thác quỹ đất trồng cao su, tạo thêm nhiều công việc làm, từng bước nhận thức được lợi ích và hiệu quả lâu dài của cây cao su đối với việc phát triển kinh tế hộ gia đình cho nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là cho đồng bào các dân tộc thiểu số tại Gia Lai.
PV: Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này.
Phùng Sơn (thực hiện)Sau 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Philippines đạt hơn 8 tỷ USD - mức cao kỷ lục.