Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Vụ Bản: Nâng cao chất lượng phục vụ sản xuất và đời sống
Nhằm góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, cải thiện môi trường sinh thái luôn là biện pháp hàng đầu trong nông nghiệp và cũng là mục tiêu đặt ra đối với cán bộ công nhân viên Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (Cty KTCTTL).
Với nhiệm vụ quản lý khai thác hệ thống công trình thủy lợi, tưới tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, phục vụ đời sống dân sinh cũng như phòng chống, khắc phục giảm nhẹ thiên tai cho 18 xã, thị trấn bao gồm 31 HTX nông nghiệp; 1 Trung tâm giống cây trồng của tỉnh và điều hành nước tưới cho một số xã của huyện Ý Yên, TP Nam Định. Ngoài ra, còn tư vấn khảo sát thiết kế, tư vấn giám sát, thi công xây dựng công trình thủy lợi, công trình giao thông, sửa chữa cơ điện… Cty KTCTTL Vụ Bản liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khai thác, vận hành và sử dụng có hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi biến vùng đất chiêm trũng thành 2 - 3 vụ với năng suất, sản lượng ngày một tăng và giữ ổn định trong những năm gần đây.
Đạt được kết quả đó, hàng năm Công ty đều căn cứ vào kế hoạch sản xuất của huyện, căn cứ vào bản đồ giải thửa, hình thức và hợp đồng cấp nước, tưới nước, tiêu nước giữa đơn vị quản lý thủy nông các xã, thị trấn và HTX... lập bảng kê đối tượng, diện tích được miễn thủy lợi phí và thống nhất số liệu với các Phòng chuyên môn của huyện để xây dựng kế hoạch tưới tiêu trình huyện xác nhận. Khi đã có kế hoạch hoàn chỉnh công ty chỉ đạo từng bộ phận nghiệp vụ xây dựng kế hoạch chi tiết cụ thể kiểm tra, đánh giá từng công trình nhằm phân chia nguồn nước gắn với việc duy tu bảo dưỡng, sửa chữa, nạo vét hệ thống công trình thủy lợi, đáp ứng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng các biện pháp sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có hạn hán xảy ra, nhất là trong những tháng mùa khô nắng nóng kéo dài.
Cùng với đó công ty thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ: Tập trung nạo vét các kênh tưới, tiêu cấp 1,2 và kênh dẫn các trạm bơm; khơi thông các cửa lấy nước đảm bảo dẫn nước thông suốt cho các trạm bơm. Sửa chữa các công trình bị hư hỏng; tập trung tu bổ, nạo vét, vệ sinh kênh mương từ kênh chính đến kênh nội đồng để khơi thông dòng chảy, giảm tổn thất nước; quản lý chặt chẽ nguồn nước hiện có, đắp kín các bờ vùng, bờ thửa, tu sửa kênh mương chống rò rỉ, thất thoát nước; giữ ổn định nước trên mặt ruộng không để chảy xuống kênh tiêu; tổ chức cấp nước theo kế hoạch đã lập; điều hòa phân phối nước tiết kiệm, thực hiện tưới luân phiên theo tinh thần "lấy nhanh, kết thúc nhanh" nhằm rút ngắn thời gian và lượng nước tưới. Tập trung nguồn lực cán bộ kỹ thuật, công nhân quản lý thủy nông trực sản xuất đảm bảo điều phối nước theo đúng kế hoạch và bảo vệ an toàn công trình; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể thường xuyên phát động các phong trào thi đua "chống hạn", "quản lý điều tiết nước tiết kiệm", "chống thất thoát nước"; thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng nước có hiệu quả và tưới tiết kiệm hợp lý ngay từ đầu vụ.
Để nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác có hiệu quả 4 trạm bơm lớn, 89 trạm bơm nhỏ với tổng công suất 212.380 m3/h; khai thác 77 kênh tưới và kênh tiêu cấp I dài gần 70 km; 150 kênh tưới và kênh tiêu cấp 2 dài 215,6 km và 1.365 cống đập, điều tiết, xi phông cầu máng cấp 1,2… Công ty luôn chú trọng đến nâng cao chất lượng đầu tư ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư cho đến thực hiện, đảm bảo chặt chẽ, đúng thủ tục, tránh sai sót gây lãng phí. Cá nhân tham gia khảo sát, thiết kế, chủ trì dự án phải có các chứng chỉ theo quy định. Hệ thống giám sát chất lượng được quan tâm đặc biệt nhất là những công trình vừa thi công, vừa vận hành phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Để tránh thất thoát vật tư, tiền vốn công ty gắn trách nhiệm cá nhân với công trình để sau khi đầu tư, công trình phải đem lại hiệu quả. Thường xuyên cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn công tác nghiệp vụ giám sát, những người có đủ tiêu chuẩn có chứng chỉ giám sát mới cho tham gia giám sát công trình. Chính vì vậy, các công trình được Nhà nước đầu tư trong những năm qua đã được Công ty triển khai, thực hiện có hiệu quả, đảm bảo chất lượng, vận hành an toàn.
Phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong sản xuất luôn được đơn vị phát động và đã thu được kết quả tốt như: Đưa cánh phai cải tiến ở những cống nhỏ, cột nước thấp không cần giàn van, máy đóng mở đã hạn chế được thất thoát nước và mất mát thiết bị; thay vành mòn và cánh quạt máy bơm để nâng công suất từ 1.000 m3/h lên 1.400 m3/h; cải tiến hệ thống ống xả kiểu vòi voi để giảm cột nước bơm, giảm tiếng ồn, tiết kiệm điện năng tiêu thụ; ứng dụng lắp đặt van tự động hút chân không tại các trạm bơm ly tâm điện nhỏ để giảm thời gian mồi nước, vận hành ngay khi cần thiết… Sáng kiến trong việc áp dụng các vật liệu xây dựng tiên tiến như dùng phụ gia trong bê tông kết hợp việc dẫn dòng thi công để xử lý rò rỉ khớp nối của xi phông N6, tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư sửa chữa…
Thời gian tới, Cty KTCTTL Vụ Bản tiếp tục tập trung tối đa cho việc đầu tư sửa chữa công trình, phấn đấu 100% các kênh tưới cấp II được kiên cố hóa, nạo vét 100% kênh tiêu cấp I và II. Đồng thời, tháo gỡ dần những bất cập trên kênh như: Cầu, cống bị sập, hỏng, khẩu độ không đạt yêu cầu; tháo dỡ một số trạm bơm nhận bàn giao từ địa phương hoạt động ít, chỉ để lại những trạm bơm hoạt động có hiệu quả và nâng cấp dần những trạm bơm này; quy hoạch và ứng dụng các mô hình tưới tiết kiệm nước cho các vùng cây vụ đông, cây màu công nghiệp; không ngừng cải thiện điều kiện môi trường làm việc cũng như nâng cao đời sống của CB CNV; ứng dụng quản lý hệ thống bằng phần mềm tin học, thử nghiệm lắp đặt một số điểm quan trắc tự động trên kênh tưới, tiêu để tiến tới điều hành, điều khiển hệ thống từ xa; tiếp tục kêu gọi đầu tư cho hệ thống công trình thủy lợi bằng các nguồn vốn; quản lý hiệu quả dự án và làm tốt vai trò được giao làm chủ đầu tư; quản lý chặt chẽ nguồn nước hiện có, đắp kín các bờ vùng, bờ thửa, tu sửa kênh mương chống rò rỉ, thất thoát nước; giữ ổn định nước trên mặt ruộng không để chảy xuống kênh tiêu; áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước như nông, lộ, phơi; xây dựng kế hoạch điều hành hệ thống thủy lợi phù hợp với bố trí sản xuất; điều hòa phân phối nước tiết kiệm, thực hiện tưới luân phiên theo tinh thần lấy nhanh, kết thúc nhanh để rút ngắn thời gian và lượng nước tưới; tập trung bơm vào giờ thấp điểm để tiết kiệm chi phí, tận dụng và chủ động nhập nước vào sông chìm, tưới cho những chân ruộng trũng; tăng cường các biện pháp tuyền truyền phổ biến chính sách pháp luật của Nhà nước đối với các cấp chính quyền cơ sở và người dân nhằm nâng cao ý thức sử dụng điện, nước tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí nước.
Hoàng AnhCông cuộc số hóa chợ hay tiệm tạp hóa truyền thống không chỉ đơn thuần gói gọn trong việc quét mã QR để thanh toán. Đây là một "cuộc chơi lớn" với 1,4 triệu tạp hoá đang chờ “lên đời công nghệ".