Công ty Việt sản xuất vaccine COVID-19 được định giá hơn 5.000 tỷ
Hiện nay trong nước có 3 đơn vị triển khai quy trình sản xuất vaccine COVID-19 là IVAC, Vabiotech và Nanogen đã hoàn thiện quy trình sản xuất quy mô phòng thí nghiệm và hiện đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vaccine trên động vật.
Riêng Nanogen đã thử nghiệm thành công trên chuột và khỉ vào tháng 6/2020. Thời gian tới đơn vị này sẽ phối hợp với Học viện Quân y chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn 1 thử nghiệm vắc xin COVID-19 của Việt Nam. Được chú ý khi là ứng viên sáng giá hiện thực hóa giấc mơ sản xuất vaccine COVID-19 của Việt Nam nhưng Nanogen từ trước đã được biết tới nhiều là một doanh nghiệp sản xuất dược phẩm với các dòng sản phẩm thuốc, chế phẩm sinh học đặc trị.
Chia sẻ với báo giới, ông Hồ Nhân, nhà sáng lập, Tổng Giám đốc Công ty Nanogen, cho biết Nanogen đã bắt đầu nghiên cứu làm vaccine COVID-19 từ đầu tháng 3/2020 khi dịch bùng phát ở Trung Quốc. Tháng 5/2020, Bộ KH-CN có Quyết định 1204 phê duyệt "Danh mục nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia đột xuất phòng, chống dịch COVID-19", giao Nanogen đề tài nghiên cứu tạo kháng thể đơn dòng người kháng SARS-CoV-2 ứng dụng trong điều trị COVID-19.
Một tuần sau, ngày 15.5, Bộ KH-CN tiếp tục ban hành quyết định giao Công ty Nanogen nghiên cứu quy trình sản xuất vắc xin phòng COVID-19 bằng công nghệ protein tái tổ hợp tạo tiểu thể giống virus và tiểu thể nano. Đến ngày 21.5, đề tài nghiên cứu vắc xin ngừa COVID-19 của Công ty Nanogen được Bộ KH-CN phê duyệt, giao chính doanh nghiệp tổ chức chủ trì.
Ông Hồ Nhân, sáng lập kiêm Chủ tịch Nanogen lớn lên ở New York và lấy bằng tiến sĩ công nghệ sinh học tại đại học Arizona. Ông đã từng mở công ty chuyên làm về dịch vụ nghiên cứu và phân tích thuê cho các công ty dược và hoá chất. Năm 2008, ông Hồ Nhân về Việt Nam định cư và huy động 40 triệu USD để mở công ty Nanogen đặt tại khu công nghệ cao Tp.HCM. Năm 2010, Nanogen đã từng bị tập đoàn đa quốc gia Roche tố cáo vi phạm bản quyền trí tuệ với thuốc điều trị viêm gan siêu vi B và thuốc điều trị viêm gan siêu vi C. Khi đó, Nanogen sản xuất 2 loại thuốc này ở trong nước chỉ với giá bằng 1/3 sản phẩm nhập ngoại và có thị phần lên tới 80%. Sau này, ông Hồ Nhân phủ nhận tố cáo của Roche.
Hiện nay, các sản phẩm chính của NanogenPegnano (điều trị viêm gan B, C); trên thị trường như Ficoyte (giúp tăng trưởng bạch cầu trung tính, điều trị hỗ trợ bệnh nhân ung thư trong giai đang hóa trị liệu); Nanokine (điều trị thiếu máu ở bệnh nhân suy thận mạn tính, bệnh nhân ung thư đang hóa trị liệu); Feronsure (điều trị các bênh bạch cầu tế bào tóc, sarcom Kaposi ở bệnh nhân HIV/AIDS, bạch cầu tủy mạn tính, u lympho, ung thư biểu mô tế bào thận giai đoạn tiến triển, u hắc tố ác tính…).
Sau 20 năm phát triển, Nanogen hiện tại có vốn điều lệ 715 tỷ đồng, tổng tài sản gần 1.370 tỷ đồng, doanh thu năm 2019 đạt gần 191 tỷ đồng và lỗ khoảng 26,58 tỷ. Trước đó, các năm 2016-2018 công ty có doanh thu xấp xỉ 180 tỷ đồng/năm và có lợi nhuận khoảng 10 tỷ.
Trong đợt tăng vốn gần nhất đầu năm 2019, tỷ lệ vốn ngoại trong Nanogen tăng từ 16,28% lên 25,68% với sự tham gia chủ yếu của các quỹ và cá nhân đến từ Hàn Quốc. Một đối tác Việt Nam tham gia thương vụ này là Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, cũng là doanh nghiệp có vốn Hàn Quốc.
Theo báo cáo tài chính của KIS, doanh nghiệp này đã chi ra gần 11,6 tỷ đồng cho 162.500 cổ phần của Nanogen, tương đương mức định giá hơn 71.000 đồng cho mỗi cổ phần. Căn cứ theo mức giá này, định giá của Nanogen khoảng 5.100 tỷ đồng, cao hơn các doanh nghiệp dược phẩm lớn trên sàn chứng khoán như Imexpharm hay Traphaco.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.