Container: Mặt hàng đang tăng giá phi mã vì đại dịch
Giá thuê tàu container chờ hàng đã tăng 600% chỉ trong vòng 1 năm.
Theo hãng tin CNN, những doanh nghiệp như Lavolio, chuyên sản xuất hộp bánh kẹo và hoa quả đang đứng ngồi không yên. Đáng lẽ ra container chở hàng chứa 30.000 khối nhôm của họ đã phải cập cảng từ tháng 7/2021 nhưng đến giờ vẫn chẳng thấy đâu.
Vốn sản xuất những hộp bánh kẹo cho các thương hiệu lớn nên Lavolio sẵn sàng chi số tiền lớn để đảm bảo nguyên liệu nhôm từ các nhà máy Đông Á có thể cập cảng nước Anh đúng thời hạn.
Đây cũng là nguyên nhân chính khiến họ chấp nhận thanh toán chi phí thuê thùng hàng container lên đến hơn 10.000 USD, một con số quá cao so với mức giá bình thường chỉ 1.500-2.000 USD trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Vậy nhưng ngay cả khi đã thanh toán số tiền cao gấp nhiều lần so với thông thường, họ vẫn chẳng nhận được hàng đúng hẹn.
Hãng tin CNN cho biết đại dịch Covid-19 kéo dài 18 tháng đã khiến ngành vận tải biển lâm vào khủng hoảng toàn diện. Điều đáng báo động là việc nhiều container bị bỏ xó lâu ngày, xuống cấp khiến chúng không còn đảm bảo tiêu chuẩn sử dụng trong khi nguồn cung lại đang khan hiếm.
Thông thường một container có thời hạn dùng khoảng 15 năm nhưng với việc bị để trống lâu ngày do chuỗi cung ứng bị đình trệ, nhiều container đã xuống cấp nghiêm trọng.
Hậu quả là khi nhu cầu cung ứng hàng hóa lên cao trở lại nhờ sự phổ biến của vaccine, các doanh nghiệp lại gặp khó vì không thuê nổi container do giá quá cao hoặc không có tàu.
Số liệu của hãng tư vấn Drewry cho thấy giá thuê một container chở hàng tiêu chuẩn cho tuyến đường Trung Quốc-Châu Âu chỉ vào khoảng 1.920 USD cách đây 1 năm thì nay chúng đã tăng vọt lên hơn 14.000 USD, tương đương mức tăng 600%.
Thậm chí ngay cả giá mua container cũng tăng mạnh đến 100% với những doanh nghiệp kinh doanh mảng vận tải.
Việc giá container tăng quá cao khiến nhiều công ty phải tìm hướng đi mới. Tập đoàn nội thất nổi tiếng Ikea đã tự mua container riêng để vận hàng vì giá thuê quá cao. Thế nhưng với những doanh nghiệp hạng trung như Lavolio, họ chẳng còn cách nào khác ngoài tăng giá bán.
Đống hỗn độn
Trong nhiều tháng qua, việc thiếu container đã khiến hàng loạt sản phẩm như chip điện tử hay sữa lắc cho đồ ăn nhanh bị thiếu hàng hoặc đứt nguồn cung. Lệnh giãn cách khiến rất nhiều container hàng phải nằm chờ ở các cảng biển với chi phí ngày một tăng cao.
Giá thuê tàu container chở hàng tăng mạnh (Nghìn USD). Nguồn ảnh: CNN
Một yếu tố nữa khiến giá container phi mã là do các thuyền chở hàng phải tốn nhiều ngày làm thủ tục ở các cảng biển hơn, qua đó kéo dài thời gian giao hàng. Hệ quả là lượng container cần cho vận chuyển hàng hóa buộc phải đi lên để đáp ứng kịp nhu cầu thị trường.
Thế nhưng, cầu tăng nhưng lượng cung container không đi lên theo khiến giá của chúng đắt đỏ hơn bao giờ hết.
"Nếu bạn nhìn vào lượng sử dụng container thì rõ ràng chúng ta đang cần nhiều container hơn cho cùng 1 tuyến đường so với trước đây. Mức chênh lệnh này vào khoảng 15-20% so với thông thường", CEO Rolf Habben Jansen của một trong những tập đoàn vận tải đường biển lớn nhất thế giới là Hapag Lloyd nhận định.
Đồng quan điểm, giám đốc Konstantin Krebs của quỹ đầu tư Capstan Capital nhấn mạnh việc chậm trễ tại các cảng biển hiện nay khiến tàu hàng phải tốn thời gian gấp 4 lần cho việc bốc dỡ so với thông thường.
"Những chiếc tàu chở đầy container nằm chờ ngoài cảng đến 7-8 ngày và điều này khiến các container không được giải phóng ra cho thị trường", giám đốc Krebs nhận định.
Trong khi nguồn cung container gặp khó thì số liệu của CPB cho thấy hoạt động giao thương toàn cầu đã tăng 5% so với trước đại dịch, đặc biệt là xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng vừa qua đã lên mức cao kỷ lục.
Tương lai mờ mịt
Giám đốc John Fossey của hàng cho thuê container Drewy nhận định giá mặt hàng này đang khá cao không chỉ bởi chênh lệch cung cầu mà còn do chi phí sản xuất.
Nguồn ảnh: CNN
Phần lớn các nhà máy sản xuất container hiện đang đặt ở Trung Quốc và loại nguyên liệu thép chống ăn mòn để làm container tại đây đã tăng giá, qua đó đẩy giá sản phẩm lên theo. Bên cạnh đó các chi phí nguyên vật liệu khác cùng tiền lương nhân cũng cũng tăng, buộc các nhà máy phải đẩy giá lên.
Hiện các chuyên gia trong ngành đều cho rằng tình trạng thiếu container và mức giá quá cao sẽ không chấm dứt trong thời gian ngắn. Trong khi đó một số người thì cho rằng tình hình có thể cải thiện đôi chút.
Giám đốc Fossey cho biết vấn đề có thể được cải thiện vào Tết Nguyên Đán tháng 2/2022 khi các nhà máy đóng cửa và hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc tạm ngưng, qua đó giải phóng một phần những container tại cảng.
*Nguồn: CNN
Băng BăngViệt Nam có thể đạt tăng trưởng GDP 6,6% trong năm 2025, nằm trong nhóm quốc gia tăng trưởng cao nhất châu Á.