Coronavirus tái nhiễm gây lo ngại về khả năng miễn dịch
Hai bệnh nhân châu Âu mới được xác nhận là đã tái nhiễm Covid-19, làm dấy lên lo ngại về khả năng miễn dịch đối với coronavirus
Hai bệnh nhân tái nhiễm Covid-19 được xác nhận ở Bỉ và Hà Lan. Trước đó, tại Hồng Kông, một người đàn ông cũng bị tái nhiễm Covid-19 sau 4,5 tháng được tuyên bố bình phục - trường hợp tái nhiễm đầu tiên được ghi nhận. Điều này làm dấy lên lo ngại về hiệu quả của vắc-xin tiềm năng chống lại vi-rút, mặc dù các chuyên gia cho rằng cần phải có thêm nhiều trường hợp tái nhiễm để chứng minh.
Nhà virus học người Bỉ, Marc Van Ranst cho biết, trường hợp người Bỉ là một phụ nữ nhiễm Covid-19 lần đầu tiên vào tháng 3 và sau đó lại nhiễm một dòng coronavirus khác vào tháng 6. Người phụ nữ ở độ tuổi 50, có rất ít kháng thể sau lần nhiễm bệnh đầu tiên. "Các trường hợp tái nhiễm có lẽ là một số ngoại lệ hạn chế, mặc dù còn quá sớm để nói và nhiều khả năng sẽ xuất hiện trong những tuần tới", ông nói.
Ông nói thêm rằng coronavirus mới có vẻ ổn định hơn so với virus cúm, nhưng nó đang thay đổi. "Virus đột biến và điều đó có nghĩa là một loại vắc-xin tiềm năng sẽ không phải là một loại vắc-xin hiệu quả trong 10 năm, thậm chí không được 5 năm. Cũng như đối với bệnh cúm, điều này sẽ phải được thiết kế lại khá thường xuyên", Marc Van Ranst cho biết.
Viện Y tế Công cộng Quốc gia ở Hà Lan cho biết họ cũng đã quan sát thấy một trường hợp người Hà Lan tái nhiễm một chủng vi-rút khác.
Marion Koopmans, một nhà vi-rút học hàng đầu ở Hà Lan và là thành viên của nhóm cố vấn khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: "Rõ ràng là đã có một ca nhiễm thứ nhất và thứ hai với một số lượng đáng kể vi-rút, đủ để có thể xác định mã di truyền của vi-rút. Đó là điều cho thấy, vi-rút, chúng thực sự khác nhau".
Phát ngôn viên của WHO, Margaret Harris nói trong một cuộc họp ngắn của Liên Hợp Quốc tại Geneva về trường hợp ở Hồng Kông rằng, mặc dù có những báo cáo giai thoại về việc tái nhiễm nhưng điều quan trọng là phải có tài liệu rõ ràng.
Một số chuyên gia cho rằng, có khả năng những trường hợp như vậy đang bắt đầu xuất hiện vì các chương trình thử nghiệm vắc-xin trên toàn thế giới, hơn là vì vi-rút có thể lây lan theo cách khác.
Tuy nhiên, Tiến sĩ David Strain, giảng viên cao cấp lâm sàng tại Đại học Exeter và là Chủ tịch Ủy ban nhân viên y khoa của Hiệp hội Y khoa Anh cho biết, các trường hợp này đáng lo ngại vì ít nhất hai lý do.
"Đầu tiên là nó cho thấy rằng việc nhiễm bệnh trước đó không làm tăng khả năng miễn dịch. Thứ hai là nó làm dấy lên nghi ngại về việc tiêm chủng có thể không mang lại kết quả như chúng ta mong đợi", ông nói.
Xuân BáchBước sang tháng 9/2024, lãi vay mua nhà, mua đất và bất động sản tại một số ngân hàng đang có chiều hướng gia tăng.