Costa Rica trở thành quốc gia thứ 73 công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Theo Bộ Công Thương, Costa Rica trở thành quốc gia thứ 73 công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Ngày 5/8, được sự đồng ý của Tổng thống Costa Rica - Ngài Rodrigo Chaves, Bộ trưởng Ngoại thương Costa Rica Manuel Tovar đã trực tiếp thông báo và trao Công hàm về việc Costa Rica công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường tại trụ sở Bộ Công Thương.
Như vậy, Costa Rica là quốc gia thứ 73 công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Việc Costa Rica công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp là một động thái tích cực trong bối cảnh ta đang đề nghị một số đối tác thương mại công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Việc này cũng phản ánh thực tế về những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong quá trình phát triển đất nước và hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đồng thời sẽ góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa hai quốc gia.
Bộ Công Thương cho biết, thương mại song phương giữa Costa Rica đã có những bước phát triển tích cực với kim ngạch duy trì ở mức 150 - 200 triệu USD/năm.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Costa Rica đạt 169,5 triệu USD, giảm 8,5% so với năm 2022; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Costa Rica đạt 124,4 triệu USD, giảm 1,9%, nhập khẩu từ Costa Rica đạt 45,2 triệu USD, giảm 22,8%.
6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Costa Rica đạt 99,95 triệu USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Costa Rica đạt 76,80 triệu USD, tăng 20,9%, nhập khẩu từ Costa Rica đạt 23,15 triệu USD, tăng 9,9%.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Costa Rica lần lượt là: phương tiện vận tải và phụ tùng, điện thoại các loại và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, kim loại thường khác và sản phẩm, hàng thủy sản, chất dẻo nguyên liệu, giày dép các loại.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Costa Rica máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, gỗ và sản phẩm gỗ.
Con số trên còn khá hiêm tốn so với tiềm năng, thế mạnh của cả hai bên, chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam và Costa Rica.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị hai bên phối hợp tìm ra các hướng đi mới, các biện pháp để thúc đẩy hợp tác thương mại song phương trên cơ sở tiềm năng và nhu cầu của hai bên, cũng như tiếp tục ủng hộ lẫn nhau tại các Diễn đàn đa phương và khu vực.
Costa Rica là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD – tổ chức gồm 38 quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới). Trong quy định pháp luật của Costa Rica có các quy định về điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Tính đến ngày 31/12/2023, theo thống kê của WTO, Costa Rica đã khởi xướng điều tra 12 vụ việc chống bán phá giá đối với các mặt hàng nhập khẩu từ các quốc gia như Brazil, Chile, Mexico, Hoa Kỳ, Nicaragua, El Salvador, Venezuela và Guatemala.
Trước Costa Rica, đã có 72 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có các nền kinh tế lớn như: Anh, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand...
An Mai (t/h)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.