COVID-19 chính là sự cảnh tỉnh cho doanh nghiệp
Đó là quan điểm của ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch TTC khi nói về tác động của dịch COVID-19 tới doanh nghiệp.
Thời gian qua tập đoàn Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) cũng tạm thời "ngủ đông" ở một số mảng. Do vậy, đây cũng là dịp đào tạo lại cán bộ ở những lĩnh vực cần, duy tu bảo dưỡng lại.
“COVID-19 chính là sự cảnh tỉnh cho doanh nghiệp xây dựng sơ đồ, bộ máy tinh gọn, cởi trói quan điểm cũ, đặc biệt chú trọng đầu tư công nghệ, số hoá để kiểm soát chi phí. Bởi giảm chi phí mới tăng được tính cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh”, ông Thành khẳng định.
Nên dùng "lương khô" thay vì đi vay vốn
Ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch TTC đánh giá: "Thị trường tài chính Việt Nam trước năm 2003 thì duy nhất chỉ có thị trường tiền tệ, vì đất nước đang trong giai đoạn vừa chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường. Sau năm 2003 Việt Nam có thêm thị trường vốn, theo bản thân tôi thì thị trường tài chính lúc bấy giờ đã tương đối tròn trịa".
Ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch TTC.
Liên quan đến lãi suất và sự tiếp cận vốn vay trong bối cảnh mất thanh khoản giữa dịch COVID-19, ông Thành đồng ý hiện nay lãi suất cao đang là gánh nặng cho doanh nghiệp. Và như vậy, ưu tiên mà doanh nghiệp nên sử dụng theo vị này là "lương khô", chứ tiếp cận vốn vay ngay thì nhà băng cũng sẽ dè dặt.
Lương khô có thể hiểu là những gì doanh nghiệp tiết kiệm được dưới dạng tiền mặt, hoặc thậm chí là tài sản mua trong thời gian có lợi nhuận bây giờ có thể bán ra để thu tiền về. Nói nôm na doanh nghiệp tự "rút máu" để tồn tại trước.
Ngoài ra, còn một kênh khác mà cần được quan tâm hơn nữa là thị trường vốn. "Chúng ta đừng để thị trường này méo mó vì đây là nơi giao dịch giữa những người có nhu cầu đầu tư và những người có tiền nhàn rỗi. Cần nhấn mạnh kể cả người đầu tư không chuyên", ông Thành nói.
Chia sẻ về kinh nghiệm ứng phó khủng hoảng, ông Thành cho biết đã làm kinh doanh thì phải hiểu kiểm soát được chi phí. Bởi, kiểm soát chi phí đồng nghĩa kiểm soát được thị trường, vì đó là lúc doanh nghiệp đang tăng năng lực cạnh tranh của chính mình.
Thời buổi hiện nay, để kiểm soát tốt chi phí chúng ta phải đầu tư công nghệ, hiện đại hóa mọi hoạt động, đây gọi là số hoá.
"Có thể nói: Công nghệ thông tin bây giờ là giáo phái, tín đồ đông lắm. Lấy ví dụ điển hình mỗi người hiện nay đều có một vật bất ly thân là điện thoại. Tuy nhiên để chuyển đổi số thì cần phải có tính đồng bộ. Tôi đang đặt hàng cho bộ phận kinh doanh của tôi, dịch COVID-19 dường như là giai đoạn phát triển tự nhiên của thương mại điện tử (TMĐT). Những doanh nghiệp nên cùng hưởng ứng, tham gia để tạo được kênh TMĐT phù hợp với xu thế", ông Thành cho biết.
Với một tập đoàn đa ngành như TTC, ông Thành cho biết, trải qua hơn 40 năm hình thành và phát triển, tập đoàn đã vấp phải nhiều đợt khủng hoảng, và COVID-19 cũng đang gây ra những khó khăn lớn.
"Như với mảng du lịch thì đến nay cũng đã nới lỏng giãn cách, tuy nhiên khách nước ngoài là không có, do đó phải tập trung thu hút khách nội địa lúc này. Với mảng kinh doanh sản phẩm thì phải cấu trúc nguyên liệu đầu vào, không nên lệ thuộc vào Trung Quốc, bài học với ngành dệt may khi 3 tháng dịch không có hàng", ông Thành trải lòng.
Riêng TTC, năm nay là năm kết thúc chiến lược 2016-2020 và là giai đoạn mới 2021-2025, theo ông Thành trong cái khó ló cái khôn. Đến nay, TTC đã tái cấu trúc từ 5 ngành về còn 4 ngành, "core bussiness" hiện là mía đường. Nhưng tương lai đến năm 2025, nếu năng lượng phát triển tốt có thể chuyển sang là ngành chủ lực của Tập đoàn.
"Nói cách nào đó tôi vẫn phải lạc quan, vì những ứng phó phải có độ trễ. Cái gì cũng phải lạc quan, phải bám trụ trước", ông Thành nhấn mạnh.
"Ngóng" hỗ trợ từ Chính phủ
Ông Đặng Văn Thành cũng chia sẻ theo quy luật 10 năm diễn ra một cuộc khủng hoảng để tiến hành đào thải. Qua đại dịch COVID-19, doanh nghiệp không có hệ thống quản trị đạt chuẩn sẽ bị ảnh hưởng và kéo theo các hệ lụy, doanh nghiệp có quản trị tốt có thể tránh được suy kiệt nhưng không tránh được bị ảnh hưởng.
Do vậy, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ cũng như cơ quan ban ngành để trụ lại và vượt qua, trong đó việc trụ lại là vấn đề cực kỳ quan trọng. Chính phủ nên có những giải pháp tình thế và mang tính chất liên ngành. Ví dụ như dãn lãi và dãn nợ chứ không phải chuyển nợ quá hạn.
Vị này cũng nêu ví dụ về trường hợp liên quan đến các cổ đông trong tập đoàn bị bán giải chấp khi cổ phiếu xuống thấp. Ông cho rằng đây là quy định, song trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, các công ty chứng khoán lại đem cổ phiếu đi bán giải chấp, tạo một nguồn cung không cần thiết.
Lúc này, ông Thành cho biết giải pháp TTC đặt ra là đích thân ông đi gặp các công ty chứng khoán phân tích có nên chọn giải pháp như chấp nhận những tài sản mà thông thường không chấp nhận để bổ sung vào ký quỹ, chấp nhận sự bảo lãnh tín chấp của Chủ tịch tập đoàn, tăng tỷ lệ margin lên hoặc nếu thanh lý thì thanh lý cho chính chủ phân kỳ ra để họ từ từ trả. Với những giải pháp đặt ra, các công ty chứng khoán đồng tình ngay.
“Qua đó để thấy rằng trong thời buổi dịch bệnh, không nên quá cứng nhắc làm việc theo nguyên tắc, mọi vấn đề cần có những giải pháp tình thế, linh hoạt”, ông Thành cho hay.
Ông Thành khẳng định: “Đó đúng là cơ hội rất lớn, doanh nhân Việt Nam nên có một tinh thần lạc quan để đón nhận luồng chuyển dịch này”.
Dịch bệnh khiến nền kinh tế đi xuống, hoạt động nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nhưng ông Thành cho rằng trong nguy có cơ, sau đại dịch sẽ có sự dịch chuyển lớn cả về văn hóa (thay đổi thói quen) và kinh tế (chuyển dịch thương mại giữa Mỹ và Trung). Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam nên cấu trúc lại đầu vào, mở rộng đầu ra thêm các thị trường mới để chuẩn bị đón nhận luồng chuyển dịch này.
Theo Enternews
Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.