COVID-19 có thể là chất xúc tác để thay đổi và đổi mới sáng tạo
Trong khi cả thế giới đang quay cuồng vì tác động của đại dịch, một chuyên gia RMIT tin rằng, đây là cơ hội để đưa ra những đổi mới sáng tạo lấy con người là trọng tâm,chứ không phải lợi nhuận.
Giáo sư Anne-Laure Mention, Giám đốc kênh Đổi mới sáng tạo kinh doanh toàn cầu của Đại học RMIT.
Tác động khủng khiếp của COVID-19 đã len lỏi đến từng ngóc ngách trên thế giới và khiến một số ngành nghề dường như bị “đứng hình”.
Trên toàn cầu, các hãng hàng không đã cho nằm đất gần 75% đội bay, còn báo cáo tình hình giao thông ở một số thành phố đông đúc nhất trên thế giới cho thấy lưu lượng giao thông cũng giảm xuống mức độ tương đương.
Bệnh dịch còn ảnh hưởng đến từng cá nhân. Những nghiên cứu tâm lý học mới đây cho thấy người dân từ khắp nơi trên thế giới đều đang trải qua tình trạng lo lắng, căng thẳng và phẫn nộ cao độ.
Giáo sư Anne-Laure Mention, Giám đốc kênh Đổi mới sáng tạo kinh doanh toàn cầu của Đại học RMIT, chia sẻ trong nghiên cứu mới rằng đây là hồi chuông cảnh báo rõ ràng cho cả cá nhân lẫn các quốc gia. Nghiên cứu vừa được công bố vào tháng này trên tạp chí khoa học về quản trị đổi mới sáng tạo Journal of Innovation Management, nơi bà vừa là chủ biên sáng lập, vừa là đồng chủ biên.
Giáo sư cho biết đại dịch COVID-19 đang tái định hình lại cách chúng ta hợp tác và đổi mới sáng tạo, và bản thân điều này không phải điều xấu.
“Lịch sử cho thấy đổi mới sáng tạo từng bị điêu đứng vì khuynh hướng thoả mãn những nhu cầu lợi nhuận ngắn hạn, thay vì cần tập trung vào mục tiêu dài hạn vì con người và hướng đến sự bền vững”, bà nói. “Cộng đồng đổi mới sáng tạo thấy rõ ràng rằng trong môi trường mới này, cách đóng khung vấn đề đổi mới sáng tạo cũ kỹ, chỉ dựa vào lợi nhuận của doanh nghiệp, không còn hiệu quả nữa”.
Đổi mới sáng tạo đã và đang thăng hoa với tốc độ chóng mặt hòng đối phó với đại dịch, nhờ đó chúng ta được chứng kiến những điều đầy cảm hứng có được từ sự hợp tác toàn cầu mạnh mẽ chưa từng có tiền lệ này, Giáo sư Mention chia sẻ.
Cộng đồng học thuật nhanh chóng tham gia vào cuộc chơi, đưa ra các sáng kiến, thí nghiệm hợp tác với những công nghệ mới nổi, đồng thời công bố nghiên cứu với tốc độ cực nhanh.
Phòng thực hành nghiên cứu Chuyển đổi y tế tại Đại học RMIT đã hợp tác với doanh nghiệp xã hội MediStays đem đến nơi trú ngụ kết nối bệnh nhân, gia đình và nhân viên y tế trong thời gian cách ly xã hội.
Thử nghiệm một loại khẩu trang mới mà nhân viên y tế có thể đeo lâu hơn cũng đang được tiến hành. Khẩu trang này do RMIT thiết kế và sản xuất với sự hợp tác của doanh nghiệp trong ngành.
Giáo sư Mention cho biết: “Các trường đại học, doanh nghiệp và chính phủ đang chung tay thử nghiệm cấp tốc và ra mắt những đổi mới sáng tạo này, và chúng ta còn chứng kiến những kết quả nghiên cứu tốt nhất hiện có được chuyển thành thực tế trong vòng vài ngày, có khi chỉ vài giờ”.
Trong lĩnh vực y tế, các công nghệ chuẩn đoán trực tuyến đang dần trở nên thông dụng hơn khi các hiệp hội y khoa nới lỏng các quy định hiện hành và đưa ra hướng dẫn để nhân viên y tế sử dụng.
Các hãng GM, Ford và Telsa cũng đã gia nhập hàng ngũ và chuyển một số dây chuyền sản xuất sang lắp ráp những máy trợ thở đang cần kíp hơn nhiều.
Vài quốc gia còn sáng kiến đưa ra các kênh mở để thu hút khán giả quốc tế qua các cuộc đua lập trình hackathon, các nhóm chat trên WhatsApp, chiến dịch truyền thông mạng xã hội, các công nghệ theo dấu tiếp xúc với bệnh trong cộng đồng và giáo dục trực tuyến.
COVID-19 rõ ràng là chất xúc tác để thay đổi nhưng Giáo sư Mention cảnh báo rằng bên cạnh những lợi thế khủng như vậy vẫn tồn tại mối nguy.
“Tuy kiểm soát virus corona và duy trì phát triển triển kinh tế phải đi đôi với nhau, nhưng nguyên tắc đổi mới sáng tạo là phải lấy người dùng làm trọng tâm, dựa trên sự công bằng và sức khoẻ, chứ không phải lợi nhuận”. - Giáo sư Mention nói.
Được biết, giáo sư Mention đồng thực hiện nghiên cứu Coronavirus: A catalyst for change and innovation (tạm dịch: Virus corona: Chất xúc tác để thay đổi và đổi mới sáng tạo) cùng ông João José Pinto Ferreira từ Đại học Porto (Bồ Đào Nha) và bà Marko Torkkeli từ Đại học Công nghệ Lappeenranta University (Phần Lan).
Grace Taylor
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.