[COVID-19] Doanh nghiệp có cần “ngủ đông”?
Với tình hình dịch COVID-19, các doanh nghiệp cần triệt để phát triển kênh online thông qua quảng cáo, mạng xã hội, trực tiếp gọi điện cho khách hàng...
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn Nexttech, doanh nghiệp không cần “ngủ đông” vì COVID-19.
Các shop bán lẻ thời trang, đổ gia dụng... triệt để phát triển kênh online thông qua quảng cáo, mạng xã hội, trực tiếp gọi điện cho khách hàng.
Không cần “ngủ đông”
Ông Bình lo ngại, không tiếp tục bán hàng, doanh nghiệp sẽ “chết” vì đói trước khi “chết” vì virus. Nếu đầu hàng, chấp nhận tình thế hiện tại, đến lúc dịch bệnh qua đi, doanh nghiệp đã bị ỳ, không thể thích ứng tiếp được nữa, khả năng lúc đó sẽ “chết” thật.
“Con gấu ngủ đông hàng tháng trời, nếu tỉnh dậy không tiếp tục có lương thực nạp vào thì nó sẽ chết thật. Vì vậy, doanh nghiệp phải tiếp tục bán hàng, không thể buông xuôi, đóng cửa ngủ đông rồi chờ dịch đi qua được”, ông Bình chia sẻ tại sự kiện online "Chiến lược thời khủng hoảng COVID - Bán hàng hay là chết" tổ chức gần đây.
Đồng quan điểm, CEO Đỗ Hữu Hưng của Accesstrade Việt Nam cho rằng, khách hàng không bao giờ chờ đợi doanh nghiệp. Nghĩa là doanh nghiệp này không phục vụ thì sẽ có doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp nếu không tích lũy khách hàng, tích lũy lòng tin, sản phẩm, dịch vụ... thì chắc chắn thua chứ không có chuyện “ngủ đông” xong rồi quay lại mọi thứ sẽ tốt đẹp.
Vẫn theo ông Bình, trong khi doanh nghiệp này “ngủ đông”, mà các đổi thủ khác vẫn bền bỉ tìm hướng khắc phục, thì lúc quay lại, doanh nghiệp đó sẽ mất hết chẳng còn gì, từ mặt bằng, nhân viên, tới khách hàng. “Dù khủng hoảng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phải tiếp tục quyết tâm lao vào bán hàng”, ông Bình nhận định.
Với các shop bán lẻ thời trang, đổ gia dụng... triệt để phát triển kênh online thông qua quảng cáo, mạng xã hội, trực tiếp gọi điện cho khách hàng... Nếu nhân viên kinh doanh thiếu việc làm có thể chuyển họ thành nhân viên giao hàng, kết hợp tư vấn, bán hàng cho khách. Với khối F&B như nhà hàng, quán ăn, thực hiện triệt để giao hàng tận nơi. Các spa, massage, dịch vụ khác có thể chuyển thành hình thức phục vụ tại nhà. Các cơ sở giáo dục chuyển sang hình thức dạy học online.
“Ngủ đông động”
“Ngủ đông động” là một trong những hàng động của ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CEO Group trong lúc dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành trên thế giới và khiến nhiều doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là những doanh nghiệp trong ngành du lịch - khách sạn phải đóng cửa, cắt giảm nhân viên.
Bên cạnh chiến lược “ngủ mà thức”, ông Bình cho rằng, ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng như mọi cán bộ nhân viên phải suy nghĩ, học hỏi để tìm ra các cách thức, lĩnh vực, sản phẩm, dịch vụ mới để tập đoàn chủ động trong cuộc chơi thách thức hơn.
Theo ông Bình, đại dịch COVID-19 bắt đầu và sẽ định hình lại cuộc chơi toàn cầu. Chính trị, tôn giáo, các giá trị, các khái niệm và nhiều thứ nữa sẽ khác đi. Các dòng chảy chính của kinh tế thế giới sẽ thay đổi để thích ứng. Các quốc gia cũng sẽ thay đổi để ứng phó. Vì vậy, các doanh nghiệp cũng phải hành động tương tự.
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng, khi chưa biết khủng hoảng bao giờ kết thúc thì giải pháp “ngủ đông” là cần thiết và cấp bách cho tất cả các doanh nghiệp lớn hay nhỏ, dù có hay không có áp lực mất thanh khoản hay khủng hoảng dòng tiền.
“Chuyển sang trạng thái ngủ đông bằng cách cắt giảm chi phí không phải vì tình trạng tài chính của doanh nghiệp không ổn, mà đó là cách ứng phó với việc giảm sút nguồn thu và cân bằng thu chi, không có thu thì giảm chi”, ông Hồng Anh nói.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CENGROUP đánh giá, việc “ngủ đông” cũng là một trong các giải pháp đáng cân nhắc với các doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại. “Doanh nghiệp cần tồn tại qua khủng hoảng. Mất thanh khoản, mất vốn là mất hết. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực để phục hồi sau khủng hoảng. Thiếu nguồn lực thì mất cơ hội”, ông Hưng nhấn mạnh.
Vẫn theo ông Hưng, đối với doanh nghiệp, tối kỵ sử dụng các khoản vay ngân hàng để duy trì thanh khoản và dòng tiền trong lúc khủng hoảng. Doanh nghiệp nên dùng khoản vay để phục hồi kinh doanh sau khi khủng hoảng kết thúc.
Số liệu thống kê từ Chi cục thuế Hà Nội cho thấy 2 tháng đầu năm đã có 9.000 doanh nghiệp buộc phải giải thế, và 1/3 số đó ngừng kinh doanh vì dịch COVID-19. Mặc dù một số ít ngành nghề hưởng lợi từ mùa dịch (thương mại điện tử, giao hàng...) phần lớn nhiều ngành nghề đều chịu tác động tiêu cực, như hàng không, du lịch và dịch vụ.
Báo cáo của Brand Finance chỉ ra, Việt Nam đang đạt kỳ tích mới khi trở thành quốc gia thuộc nhóm có giá trị thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất thế giới.