COVID-19 “hoành hành”: gần 63.500 doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường trong bảy tháng đầu năm
Dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế và doanh nghiệp. Đã có gần 63.500 doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường trong bảy tháng đầu năm, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân mỗi tháng khoảng 9.060 doanh nghiệp đóng cửa, tập trung nhiều ở nhóm quy mô vốn nhỏ và mới thành lập.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết: gần 33.000 doanh nghiệp trong số này đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng trên 40% so với cùng kỳ. Đây là năm ghi nhận lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh nhiều nhất từ 2015 đến nay, tăng đều ở tất cả lĩnh vực.
Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất giải thể trong giai đoạn này lần lượt khoảng 21.800 và 8.940, đều giảm so với cùng kỳ. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung nhiều nhất ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; thứ hai là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tiếp đó là nhiều doanh nghiệp trong ngành xây dựng; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo; dịch vụ lưu trú và ăn uống; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác và kinh doanh bất động sản…
Hầu hết doanh nghiệp chọn phương án này có thời gian hoạt động ngắn, một nửa là dưới 5 năm và quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong quý 1 là 243.711 lao động, giảm 23,3%. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 14.800 doanh nghiệp, giảm 1,6%, trong khi tỷ lệ này của cùng kỳ năm 2019 tăng đến 78,1%.
Được biết, "Từ khi bắt đầu quá trình phục hồi nền kinh tế, các biện pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp chưa được thực hiện đáng kể và diễn biến dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp khiến tỷ lệ doanh nghiệp đóng cửa không ngừng tăng", Cục Quản ký đăng ký kinh doanh cho hay.
Trước đó, Cục Thuế Hà Nội cũng thông báo, ngay từ 2 tháng đầu năm đã có trên 9.000 hộ kinh doanh trên địa bàn phải giải thể, đóng cửa và tạm nghỉ kinh doanh. Trong đó có hơn 3.000 hộ kinh doanh phản ánh buộc phải tạm ngưng, bỏ kinh doanh do COVID-19.
Cục Thuế Hà Nội dự kiến số thu năm 2020 của Hà Nội có thể bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19. Do đó, Cục Thuế Hà Nội đưa ra 4 kịch bản giảm thu ngân sách nhà nước năm 2020 tương ứng với từng thời điểm hết dịch bệnh.
Theo đó, nếu dịch kết thúc trong quý 1 này, dự kiến số thu nội địa giảm khoảng 4.200 - 5.400 tỉ đồng, không bao gồm các khoản thu từ đất.
Nếu dịch kết thúc trong quý 2, dự kiến số thu nội địa giảm khoảng 6.600 - 9.400 tỉ đồng, không bao gồm các khoản thu từ đất.
Tâm HiềnBộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.