Covid-19 khiến "zombie công sở" gia tăng, lãnh đạo phải làm gì khi nhân viên lay lắt bám chỗ làm chỉ để vật vã chờ ngày nhận lương?
"Họa vô đơn chí" là thành ngữ mô tả chính xác tình trạng của doanh nghiệp hiện tại, khi bên ngoài có COVID-19 hoành hành, bên trong có nạn "zombie công sở" không ngừng gia tăng số ca lây nhiễm. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp chấn chỉnh lại mọi thứ, từ kế hoạch kinh doanh đến chiến lược nhân sự, để sau khi COVID-19 đi qua, những chú "ngựa hay" sẽ lộ diện, giúp doanh nghiệp bứt lên dẫn đầu cuộc đua tăng trưởng.
"Cố đấm ăn xôi" dù không còn mặn mà với công việc, vì đâu nên nỗi?
Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) 2020 dự đoán đại dịch COVID-19 sẽ cướp đi việc làm của khoảng 5,3 đến 24,7 triệu người. Trong khi đó, các công ty lại thắt chặt hầu bao tuyển dụng. Trước bối cảnh "việc đang có dễ mất, việc mới khó tìm", người lao động trở nên hoang mang tột độ vì nỗi lo bị đẩy đến bờ vực mất việc, mất thu nhập, từ người trụ cột trở thành người phụ thuộc. Vì vậy, một bộ phận không nhỏ người lao động dù đã rất chán nản với môi trường làm việc hay bất mãn với sếp vẫn lựa chọn đi làm trong tình trạng "vật vờ chờ đến ngày nhận lương".
Đây là cơn ác mộng với các nhà quản trị nhân sự bởi nhóm nhân viên này đa số làm việc dưới năng lực, dễ lây lan tâm lí tiêu cực cho các nhóm nhân viên khác, khiến những nhân viên tận tụy cảm thấy bất bình… Nhất là tại các công ty có chính sách không đuổi việc (trừ trường hợp gây họa tày trời), cộng đồng "zombie công sở" lại càng được nuôi dưỡng và lan rộng. Nhưng với phương châm "không thay đổi được hướng gió, chỉ chỉnh được cánh buồm", có một danh sách những việc doanh nghiệp có thể làm để "hồi sinh" lực lượng này.
3 cách chuyển hóa "cộng đồng zombie" thành "đội quân tinh nhuệ"
Có nhiều căn nguyên dẫn đến nạn "zombie công sở", đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải nghiên cứu để tìm ra giải pháp phù hợp với doanh nghiệp. Tuy nhiên về tổng thể, có 03 phương pháp có thể cân nhắc áp dụng:
Lãnh đạo "phá băng"
Một khảo sát ở Morikawa, Nhật Bản năm 2020 cho thấy năng suất của nhân viên áp dụng hình thức làm việc tại nhà trong đại dịch COVID-19 trung bình thấp hơn 30-40% so với ở văn phòng. Thiếu tương tác trực tiếp được xem là "kẻ đầu sỏ" khiến hiệu suất giảm. Do đó, các nhà lãnh đạo được khuyến khích tích cực "phá băng", thêm tương tác thông qua họp hằng tuần hay trao đổi 1-1 để lắng nghe, phản hồi cho từng nhân viên.
Lãnh đạo "phá băng" sẽ đưa việc tương tác nhân viên vào danh sách "việc phải làm", bất chấp rào cản địa lý và sự eo hẹp thời gian.
Cho nhân viên cơ hội đến với tương lai mong muốn
Được tạo điều kiện học tập và phát triển kỹ năng mới luôn là mong muốn hàng đầu của người lao động. Theo báo cáo của 15Five, 75% nhân viên mong muốn được phát triển kĩ năng về quản lí. Do đó, trong thời gian dịch bệnh bùng phát, những nhà lãnh đạo khôn ngoan nên tạo điều kiện để nhân viên tham gia các chương trình đào tạo trực tuyến, nhất là các khóa bồi dưỡng các kỹ năng quản lý, từ quản lý thời gian, quản lý dự án đến quản trị đội nhóm.... Đây là một khoản đầu tư không tệ khi vừa giúp nhân viên nhanh chóng thoát khỏi tâm lý chán chường, vừa trang bị thêm vũ khí để đội quân sẵn sàng chinh phạt các mục tiêu kinh doanh.
"Cây gậy và củ cà rốt" – Trò chơi cũ nhưng vẫn hiệu quả
Đối với những nhân viên theo tôn chỉ "làm an nhàn, lương an toàn", doanh nghiệp cũng có thể dùng thủ thuật vừa đấm vừa xoa.
Trong nửa đầu năm 2020, tiền lương của nhân viên ở hai phần ba quốc gia trên toàn cầu giảm đi hoặc tăng chậm hơn do đại dịch (Báo cáo của ILO).
Theo bà Nguyễn Thị An Hà – Giám đốc hợp tác chiến lược công ty Talentnet cho biết: "Lương luôn là "yếu huyệt" của người lao động, nhất là trong mùa COVID-19. Phải tìm cách chia sẻ và thoả mãn nhu cầu cơ bản nhất của họ rồi mới có thể nghĩ tới chuyện đòi hỏi họ nghĩ đến những điều xa vời như tình yêu với công ty hay mong muốn được cống hiến. " Điều đó chính là "xoa", vậy còn "đấm"?
"Cây gậy" kinh điển trong lĩnh vực nhân sự - vừa đủ tính răn đe, vừa đảm bảo nhân viên tâm phục khẩu phục – chính là các chính sách thưởng phạt phân minh. Và bởi tiền là "gót chân Asin" mùa COVID-19, nên giải thưởng và hình phạt đều có thể quy đổi ra VNĐ. Đây là giải pháp hiệu quả, một mặt giúp thức tỉnh các "zombie công sở" khỏi các cơn ngáp ngắn ngáp dài trên bàn làm việc, mặt khác tạo động lực cho nhóm nhân viên tận tụy vốn tìm mọi cơ hội để thể hiện bản thân.
"Họa vô đơn chí" là thành ngữ mô tả chính xác tình trạng của doanh nghiệp hiện tại, khi bên ngoài có COVID-19 hoành hành, bên trong có nạn "zombie công sở" không ngừng gia tăng số ca lây nhiễm. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp chấn chỉnh lại mọi thứ, từ kế hoạch kinh doanh đến chiến lược nhân sự, để sau khi COVID-19 đi qua, những chú "ngựa hay" sẽ lộ diện, giúp doanh nghiệp bứt lên dẫn đầu cuộc đua tăng trưởng.
Hoàng AnCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.