Covid-19 sẽ tác động kép đến tín dụng tiêu dùng
Covid-19 không chỉ làm suy thoái kinh tế mà còn thay đổi cả thói quen và đời sống của người dân, do vậy sẽ gây ra tác động kép đối với tín dụng tiêu dùng, cả về nhu cầu sụt giảm và khả năng thu nợ.
Dư địa tín dụng tiêu dùng còn nhiều
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay, dư địa tài chính tiêu dùng tại Việt Nam là rất lớn. Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, ước tính cho vay tiêu dùng không chính thức chiếm khoảng 15-20% tổng dư nợ nền kinh tế (1,16-1,55 triệu tỷ đồng).
Cho vay tiêu dùng qua ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng cuối năm 2019, bằng 11,4% tổng dư nợ, ngoài ra các kênh khác chưa có thống kê chính thức.
Dư địa tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam còn lớn
Theo thông lệ, dư nợ cho vay tiêu dùng chính thức vào khoảng 40% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, do đó dư địa sẽ còn khá lớn khoảng 1,5- 2 triệu tỷ đồng, chưa kể hằng năm tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng thêm khoảng 14% thì cho vay tiêu dùng cũng sẽ tăng theo.
TS Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính, ngân hàng cho biết, hiện nay, chưa có thống kê cụ thể, nhưng ước tính, dư nợ tín dụng tiêu dùng đến cuối năm 2019 khoảng 1,68 triệu tỷ đồng. Mức tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng khoảng 20% mỗi năm là tương đối tích cực so với tín dụng toàn ngành (khoảng 14-15%). Tuy nhiên, nếu bóc tách phần tín dụng phục vụ mua nhà, sửa nhà (khoảng 40% tổng tín dụng tiêu dùng), thì dư nợ tín dụng tiêu dùng cuối năm 2019 chỉ khoảng 12,3% tổng dư nợ nền kinh tế.
Trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng (1,68 triệu tỷ đồng nêu trên), dư nợ của 16 công ty tài chính chiếm khoảng 7,7% (tương đương 130.000 tỷ đồng), còn lại là từ các ngân hàng thương mại (chiếm 88%) và các tổ chức tài chính khác (khoảng 4%).
PGS. TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng tài chính, ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, nhu cầu vay tiêu dùng thuộc nhóm “dưới chuẩn" chưa được đáp ứng trên thực tế là rất lớn, rất đa dạng và cũng rất cấp thiết.
Nếu áp các quy định theo Thông tư 41 thì các ngân hàng có muốn cũng khó cho vay, do đó đây là cơ sở tồn tại các hoạt động tín dụng không chính thức, đặc biệt là tín dụng đen.
“Như vậy, tiềm năng tiêu dùng được đánh giá là tăng trưởng tốt, tỷ lệ khách hàng có thu nhập thấp và có nhu cầu vay tiêu dùng chưa được tiếp cận các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính là khá lớn, cho thấy cung chưa đáp ứng được cầu, dư địa cho sự phát triển của tín dụng tiêu dùng là rất lớn”, PGS.TS Đặng Ngọc Đức nói.
Covid-19 tác động tiêu cực tới tín dụng tiêu dùng
Theo các chuyên gia, cho vay tiêu dùng luôn phải đối diện với nguy cơ rủi ro cao. Cho vay tiêu dùng ở các nước phát triển cũng như Việt Nam chủ yếu là cho vay tín chấp, trong khi với những quy định của Ngân hàng Nhà nước, cho vay tiêu dùng tín chấp phần lớn do các công ty tài chính triển khai và luôn phải đương đầu với nguy cơ rủi ro tiềm ẩn.
Ngoài ra, theo PGS.TS Đặng Ngọc Đức, đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động hết sức nghiêm trọng.
“Covid-19 không chỉ làm suy thoái kinh tế mà còn thay đổi cả thói quen và đời sống của người dân, do vậy sẽ gây ra tác động kép đối với tín dụng tiêu dùng, cả về nhu cầu sụt giảm và khả năng thu nợ của các công ty tài chính cũng như của các ngân hàng thương mại” – ông Đức nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng phụ trách Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, kỳ vọng thu nhập tăng thì tín dụng tăng và ngược lại, do đó, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh lên lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dự báo còn tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới, chủ trương của nhà nước là khai thác thị trường nội địa, lấy thị trường nội địa làm động lực tăng trưởng, dựa vào tiêu dùng trong nước, cầu nội địa.
Do đó, ông Nguyễn Tú Anh cho rằng, cần cơ chế kết hợp giữa Chính phủ, nhà sản xuất, người cung cấp tín dụng, giúp đưa nền kinh tế đi qua khủng hoảng, làm sao để các tổ chức tín dụng đừng rơi vào tình trạng nợ xấu quá cao, mất cân đối.
Theo ANTĐ
Sáng ngày 6/12/2024, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ khai trương hạ tầng Trung tâm Dữ liệu chính thành phố Hà Nội tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội.