CPI 9 tháng năm 2023 tăng 3,16% so với cùng kỳ
Tính chung 9 tháng năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,49%. Nguyên nhân chủ yếu do một số địa phương thực hiện tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 81/2021; Giá gạo, xăng dầu, gas trong nước tăng theo giá thế giới, giá thuê nhà ở tăng cao...
Theo báo cáo mới công bố từ Tổng cục Thống kê, CPI tháng 9/2023 tăng 1,08% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 9/2023 tăng 3,66%.
CPI bình quân quý III/2023 tăng 2,89% so với quý III/2022. Trong đó, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,99%; giáo dục tăng 5,95%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,9%; đồ uống và thuốc lá tăng 3,05%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,59%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,03%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,86%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,47%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,58%. Có 2 nhóm có chỉ số giá giảm so với cùng kỳ năm trước là bưu chính viễn thông giảm 1,12%; giao thông giảm 2,28%.
Tính chung 9 tháng năm nay, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,49%. Theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 9 tháng năm 2023 tăng 3,16% so với bình quân cùng kỳ năm 2022.
CPI 9 tháng năm nay tăng do chỉ số giá nhóm vé máy bay bình quân 9 tháng năm 2023 tăng 71,56% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá nhiên liệu bay ở mức cao, tỷ giá, lãi suất đều tăng khiến chi phí của các hãng tăng, cùng với đó nhu cầu đi lại tăng cao, đặc biệt trong dịp Lễ, Tết, nghỉ hè đã tác động đến giá vận tải hàng không; giá vé tàu hỏa tăng 31,26%; giá vé ô tô khách tăng 8,33%.
Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,28% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương tăng học phí năm học 2023-2024 theo lộ trình của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021.
Bên cạnh đó còn do chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,73%; Chỉ số giá nhóm lương thực tăng 4,85%; Chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 4,23%; Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,48% so với cùng kỳ năm trước; Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,2%...
Trong khi đó, có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 9 tháng năm 2023. Cụ thể, chỉ số giá nhóm xăng dầu trong nước 9 tháng năm 2023 giảm 15,26% so với cùng kỳ năm trước theo biến động của giá thế giới, tác động làm CPI chung giảm 0,55 điểm phần trăm; giá dầu hỏa giảm 11,26%. Chỉ số giá nhóm gas trong nước giảm 10,21% theo giá thế giới, tác động làm CPI chung giảm 0,15 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,62% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm, tác động làm CPI giảm 0,02 điểm phần trăm.
Lạm phát cơ bản tháng 9/2023 tăng 0,26% so với tháng trước, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,49% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,16%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 9 tháng năm 2023 giảm 15,26% so với cùng kỳ năm trước, giá dầu hỏa giảm 11,26%, giá gas giảm 10,21% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Minh An (t/h)“Với hạ tầng, hệ sinh thái du lịch hoàn thiện và khả năng tiếp cận thuận tiện, Phú Quốc có thể trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới như APEC. Phú Quốc đang ở giai đoạn vàng để phát triển toàn diện”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lữ hành G7 đánh giá.