CPI bình quân quý 1/2023 tăng 4,18%

Tài chính - Đầu tư
11:31 AM 29/03/2023

Trong quý 1/2023, CPI bình quân quý 1/2023 tăng 4,18%, còn lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022.

Theo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội quý 1/2023 của Tổng cục Thống kê, giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào; giá xăng dầu, giá gas giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm CPI tháng 3/2023 giảm 0,23% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 3 tăng 0,74% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,35%.

Quý 1/2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% - Ảnh 1.

CPI bình quân quý 1/2023 tăng 4,18% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: Công Thương

CPI bình quân quý 1/2023 tăng 4,18% so với cùng kỳ năm 2022 do một số nguyên nhân chủ yếu sau: Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng quý I năm 2023 tăng 7,17% so với cùng kỳ năm trước (tác động làm CPI tăng 1,35 điểm phần trăm) do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao; Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 4,41% (tác động làm CPI tăng 0,94 điểm phần trăm) chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán tăng.

Học phí giáo dục tăng 10,13% (tác động làm CPI tăng 0,62 điểm phần trăm) do một số địa phương đã tăng học phí trở lại sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022 để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch. Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,9% (tác động làm CPI tăng 0,22 điểm phần trăm) do dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu giải trí và du lịch của người dân tăng cao, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân sau làm giảm CPI trong quý 1/ 2023: Bình quân quý 1/2023, giá xăng dầu trong nước giảm 11,09% so với cùng kỳ năm trước theo biến động của giá thế giới; Giá gas trong nước giảm 1,81% theo giá thế giới; Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,26% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.

Lạm phát cơ bản tháng 3 tăng 4,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý 1/2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước quý I/2023 giảm 11,09% so với cùng kỳ năm trước là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, kinh tế quý I/2023 đã diễn ra theo đúng dự báo của các tổ chức quốc tế, giá cả giảm tốc nhưng vẫn neo ở mức cao và tăng trưởng khó hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với Việt Nam, CPI ở mức không phải là cao so với thế giới và khu vực. Quý I/2023 năm nay, CPI tăng cao hơn mức bình quân chung. Sắp tới tính bất ổn rất cao, nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát, thị trường Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào giá: xăng dầu, lương thực, thực phẩm, sắt thép… Tổng cục trưởng Thống kê đề nghị đối với giá các dịch vụ, hàng hóa như y tế, giáo dục, điện… cần quản lý chặt chẽ và có lộ trình điều chỉnh cụ thể.

Tại cuộc họp về công tác điều hành giá quý 1/2023, Bộ Tài chính cũng đưa ra ba kịch bản lạm phát quý II/2023 và các tháng còn lại của năm 2023. Với ba kịch bản trên, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 3,9 - 4,8%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,8% - 4,8%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự báo lạm phát bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 4,3 ± 0,5%.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu kịch bản CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 9 tháng còn lại, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 0,52% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 4,5%.


Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.