CPI tháng 5 tăng 0,01% so với tháng trước
Theo Tổng cục Thống kê, giá lương thực, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2023 chỉ tăng 0,01% so với tháng trước.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023 của Tổng Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2023 chỉ tăng 0,01% so với tháng trước, còn so với cùng kỳ năm trước tăng 2,43% và tăng 0,4% so với tháng 12/2022.
Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng 0,01% của CPI tháng 5/2023 so với tháng trước, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Cụ thể, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng mạnh nhất với 1,01% chủ yếu do thời tiết nắng nóng kéo dài, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng lên (giá điện sinh hoạt tháng 5 tăng 2,62% so với tháng trước; giá nước sinh hoạt tăng 2,19). Giá gas trong tháng tăng 0,31% so với tháng trước…
Ngoài ra, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,24% so với tháng trước, trong đó giá dịch vụ du lịch trọn gói tăng 0,67%; nhà khách, khách sạn tăng 0,38% do trong tháng có kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài nên nhu cầu đi du lịch tăng cao. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,24%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,23%…
3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm gồm: Nhóm giáo dục giảm 0,1% do một số địa phương đã tăng học phí trở lại từ tháng 9/2022 sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021 - 2022 để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch; Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,17% do giá phụ kiện điện thoại thông minh giảm; Nhóm giao thông giảm 2,98% do giá xăng trong nước giảm.
Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 5/2023 tăng 0,27% so với tháng trước, tăng 4,54% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,83% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,55%).
Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 5 tháng đầu năm 2023 giảm 15,27% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 8,51% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
An Mai (t/h)Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.