Cú chuyển hướng của HSG
CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 4/2020 với doanh thu 2.233 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 90 tỷ.
HSG hưởng lợi từ HRC tồn kho chi phí thấp trong quý II/năm tài chính 2020.
Lũy kế 7 tháng đầu niên độ 2019-2020, doanh thu HSG đạt 14.597 tỷ, thực hiện được 52% kế hoạch cả niên độ (28.000 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế đạt 472 tỷ đồng, vượt 18% chỉ tiêu cả niên độ.
Được biết, tình hình kinh doanh HSG những quý gần đây liên tục tăng tốt chủ yếu hưởng lợi từ tích lũy thép cuộn cán nóng (HRC) với chi phí thấp. Lũy kế nửa đầu niên độ tài chính 2019-2020, mặc dù doanh thu giảm 15%, ngược lại lãi ròng đột biến lên 382 tỷ đồng. Biên lợi nhuận tiếp tục cải thiện.
Hưởng lợi từ HRC
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá, HSG tiếp tục hưởng lợi từ HRC tồn kho chi phí thấp trong quý II/năm tài chính 2020. Tuy nhiên, khi giá HRC giảm mạnh từ tháng 1, khả năng HSG gia tăng biên lợi nhuận thông qua tích lũy HRC sẽ giảm dần trong quý 3/năm tài chính 2020.
Trước đó, đã có nhiều ý kiến còn “hoài nghi” về dự tính chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ, về chiến lược đầu cơ nguyên liệu thép cán nóng giá thấp. Cụ thể, trong năm 2020, sau khi tái cơ cấu hoạt động mạnh mẽ, HSG lên kế hoạch “thoát lầy” chủ yếu nhờ vào đầu cơ nguyên liệu thép cán nóng (HRC).
Trong đại hội cổ đông năm 2019, ông Vũ đã tuyên bố từ trước đến nay, 50% lợi nhuận của HSG đến từ đầu cơ nguyên liệu, và sẽ tiếp tục như vậy. HSG kỳ vọng giá thép cán nóng tăng sẽ giúp biên lợi nhuận của họ tăng theo.
Với cơ sở ước tính sản lượng tiêu thụ của HSG tăng 5% trong năm 2020, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của HSG có thể tăng lần lượt 0,3% và 25%, lên mức 28.000 tỷ đồng và 453 tỷ đồng. Đồng thời, tỷ suất lợi nhuận phục hồi lên 12,8% trong năm tài chính 2020 từ 11,4% trong năm tài chính 2019.
Cơ sở kỳ vọng của HSG dựa vào biến động giá của nguyên liệu HRC. Còn nhớ, trong năm 2016, khi giá HRC tăng mạnh, nhờ đã đầu cơ lượng lớn hàng tồn kho giá thấp trước đó, biên lợi nhuận gộp của HSG đã tăng gấp đôi trong một năm, lên mức 25% của doanh thu.
Tuy nhiên, giai đoạn 2017-2018, giá HRC giảm đẩy lợi nhuận sau thuế của HSG giảm mạnh cho đến nay. Trong năm 2019, khi giá HRC tăng trở lại (đỉnh điểm là tháng 3/2019), HSG liền dự tính trữ tồn kho để đón đợt tăng giá kế tiếp.
Một cơ sở khác khiến các công ty chứng khoán kỳ vọng kết quả kinh doanh của HSG được cải thiện trong năm 2020 nằm ở cơ cấu sản phẩm. Việc gia tăng tỷ trọng tôn mạ màu (thường mang lại mức giá cũng như tỷ suất lợi nhuận cao nhất) cũng giúp gia tăng lợi nhuận của HSG.
Sản lượng tiêu thụ của tôn mạ màu của HSG đã tăng hơn 30% trong quý 4/2019. Đây là kết quả của việc áp dụng thuế chống bán phá giá mà Việt Nam áp cho tôn mạ màu có nguồn gốc từ Trung Quốc và Hàn Quốc (3,45%-34,27%, có hiệu lực từ ngày 25/6/2019).
Chuyển "lối chơi phòng thủ”
Ngoài ra, HSG có được lợi nhuận là do hoàn thiện mô hình quản lý hệ thống phân phối (HTPP), cho nên Tập đoàn thay đổi chiến lược tập trung vào khả năng sinh lời mà không cạnh tranh về giá. HTPP giúp đảm bảo đầu ra để có thể tự tin ổn định giá bán. Chất lượng sản phẩm được chú trọng, HSG không cắt giảm chất lượng để giảm giá nhằm cạnh tranh.
Bên cạnh đó, HSG là doanh nghiệp có thương hiệu nên người dân và chủ đầu tư tin dùng sản phẩm của HSG. Tập đoàn cũng tập trung tiết giảm chi phí tối đa, trong đó chủ yếu nhắm vào các chi phí tài chính, chi phí hàng tồn kho, vận chuyển và nhân viên.
“Cung vượt cầu thì sẽ phải cạnh tranh mạnh về giá. Đến hạn trả lãi ngân hàng thì đâu không thể trả, từ đó buộc nhiều doanh nghiệp phải bán rẻ sản phẩm để trả nợ vay. Hầu hết doanh nghiệp đều rơi vào tình trạng đó nhưng HSG thì không”, ông Vũ chia sẻ.
Vẫn theo ông Vũ, từ trước đến nay lúc nào HSG cũng mượn tiền để “tấn công”, nhưng bây giờ sẽ chơi “phòng thủ”. Trong những năm tới, Tập đoàn ưu tiên sự lành mạnh của BCTC. Đồng thời, hoạt động đầu tư cũng sẽ hết sức thận trọng, không ồ ạt như thời gian trước.
Ông Vũ cũng dự kiến dư nợ của HSG đến cuối niên độ tài chính 2020 – 2021 sẽ xuống còn khoảng 6.000 tỷ đồng. Nhưng với điều kiện tổng thống Mỹ Donald Trump không nghĩ ra ý tưởng gì “độc đáo” nữa. Vì theo ông Vũ, những khó khăn của HSG thực chất đều từ… ông Trump.
“Mỹ đánh thuế thường gây ra biến động thị trường rất lớn. HSG đã vun đắp lợi thế cạnh tranh bằng các nhà máy tại Quy Nhơn, Nghệ An và hàng trăm chi nhánh để tạo đà. Nhưng khi đến bước nhảy cuối cùng thì bị ông Trump quăng gạch… vì thế mà liểng xiểng. Nhưng Tập đoàn đã vượt qua được”, ông Vũ nói.
Theo Enternews
Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.