Củ hành tím Việt Nam 'được mùa, mất giá'
Hiện sản lượng hành tím ở nhiều địa phương đang vào vụ thu hoạch rộ nhưng đang gặp khó do thiếu kho trữ, giá cả chịu sự cạnh tranh với hành Ấn Độ, người nông dân lại đứng trước nguy cơ “được mùa, mất giá”.
Tại Sóc Trăng, hành tím được trồng tại 2 huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu, tổng diện tích xuống giống hành tím hằng năm 6.500 ha, năng suất bình quân 18 tấn/ha, sản lượng trên 90.000 tấn.
Theo ông Trần Trọng Khiêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết, trước Tết Nguyên đán, giá hành tím thương phẩm dao động từ 38.000 – 45.000 đồng/kg chủ yếu là hành sớm (tương đương với giá hành năm trước). Sau Tết giá hành bắt đầu giảm, tính đến hiện nay giá hành dao động từ 15.000 – 26.000 đồng/kg.
Đối với hành lá, tổng diện tích hành lá của toàn tỉnh Hải Dương cả năm đạt trên 350 ha. Hành lá được trồng và cho thu hoạch 4-5 lứa/năm. Sản lượng hành lá ước đạt gần 7.000 tấn/năm. Giá bán trung bình dao động từ 8.000-15.000 đồng/kg, có thời điểm 20.000 đồng/kg. Bình quân thu nhập từ hành lá ước đạt 6-8 triệu đồng/sào (tương ứng 170-220 triệu đồng/ha). Lãi thuần ước đạt 4-6 đồng/sào (tương ứng 110-165 triệu đồng/ha).
Tương tự, tại Nghệ An, với diện tích canh tác hàng năm xấp xỉ 1.000 ha/năm, sản lượng đạt khoảng 15.000 - 20.000 tấn/năm, trong đó hành lá chiếm 90%. Hiện nay, sản phẩm hành hoa, hành lá được tiêu thụ bán sản phẩm tươi theo thu hoạch, giá bán phụ thuộc nhu cầu của thị trường từng thời điểm song có sự biến động lớn, dao động từ 2.000-10.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, hành tím vẫn gặp nhiều khó khăn ở khâu sản xuất và tiêu thụ. Nguyên nhân là do thời vụ bố trí chưa hợp lý tại một thời điểm xuống giống tập trung với một diện tích lớn nên sản lượng tại một thời điểm tương đối cao, lượng hành nhiều vào mùa vụ chính nên bị thương lái ép giá. Ngoài ra, thời gian lưu trữ hành không được kéo dài vì thiếu kho trữ và công nghệ sau thu hoạch.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tiềm năng, dư địa của thị trường tiêu thụ hành, hành tím vẫn còn rất lớn. Bởi lẽ, nhu cầu sử dụng hành để làm nguyên liệu không chỉ dừng ở việc cung cấp thực phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống mà hành, tỏi đã trở thành nguyên liệu quan trọng trong chế biến dược phẩm.
"Để không còn tình trạng giải cứu, được mùa mất giá, các địa phương phải thay đổi tư duy theo hướng bán hành không chỉ là bán thực phẩm mà là bán nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhiều ngành hàng," ông Nguyễn Như Tiệp nói.
Các vùng trồng phải tổ chức lại sản xuất để chuẩn hóa về mặt chất lượng; phát triển đa dạng sản phẩm chế biến từ hành; hoàn thiện hệ thống logistic, kho bảo quản lạnh để chủ động trước sự biến động của thị trường; đầu tư xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm hành địa phương; chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh; áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ hành để thuận lợi kết nối với các thị trường; tăng cường tổ chức các sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hành tím.
Minh ĐăngTP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Hải Phòng là 5 địa phương có quy mô kinh tế (GRDP) lớn nhất cả nước trong 2024.