Cú hích lớn cho sân khấu sáng đèn

Xã hội
10:05 AM 23/05/2020

12 Nhà hát sẽ đồng loạt biểu diễn bắt đầu từ 23/5 để kéo khán giả trở lại với sân khấu sau thời gian giãn cách vì Covid-19.

    Cảnh trong vở 'Bệnh sĩ' của Nhà hát Kịch Việt Nam. 

    Tại Việt Nam, các nhà hát đều không thể và không được phép hoạt động trong thời gian Covid-19 hoành hành. Đối với các nghệ sĩ, các khoản thu nhập đều dựa vào hoạt động nghệ thuật biểu diễn như biểu diễn ở các tụ điểm, sự kiện, quán bar, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, quảng cáo... 

    Đóng băng vì dịch nhưng là cơ hội nhìn lại chính mình

    Covid-19 đã khiến tất cả nguồn thu trên biến mất, mà mức lương cơ bản của nghệ sĩ thì quá thấp, không đủ để họ trang trải cuộc sống. Một số đơn vị nghệ thuật tự chủ như Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại... thậm chí còn không tìm ra nguồn tài chính để trả lương cơ bản cho người lao động và đã phải cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên nghỉ việc hưởng 50% lương cho đến khi dịch bệnh chấm dứt.

    Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, lãnh đạo Bộ đã nắm rất rõ những vấn đề khó khăn mà các đơn vị nghệ thuật và các nghệ sĩ phải đối mặt trong thời gian qua và đã có những giải pháp hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, trong cái khó khăn mùa dịch Covid-19 đây cũng là cơ hội để các đơn vị nghệ thuật và các nghệ sĩ có một “khoảng lặng” cần thiết để nhìn lại chính mình.

    "Người làm nghệ thuật biểu diễn cũng cần có cả tư duy làm kinh tế. Hãy yêu chính mình, tâm huyết với tác phẩm của mình làm ra trước khi kêu gọi người khác đến với nghệ thuật. Các đơn vị nghệ thuật cũng nên bỏ tiền ra mua vé để đến xem các chương trình biểu diễn của đơn vị bạn. Có xem mới biết được mình đang ở đâu và tự hỏi rằng có đủ sức để tham gia cuộc chạy đua cạnh tranh lành mạnh trong nghệ thuật cũng như tự thay đổi tư duy của chính mình hay không", Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ.

    Người đứng đầu Bộ VHTT&DL nhận định: "Trên thực tế có nhiều chương trình nghệ thuật còn sơ sài, cẩu thả từ nội dung tới hình thức. Nếu cứ dựng và diễn theo lối mòn thì đừng kêu ca vì sao khán giả không tới rạp, nhà hát. Theo đó, 12 nhà hát của Bộ phải là những đơn vị nghệ thuật đi đầu trong việc thay đổi tư duy để làm nên những tác phẩm hay, có chất lượng và chạm được tới trái tim khán giả. Để đạt được như vậy thì cần phải đầu tư, nâng cấp ngay từ khâu kịch bản, dàn dựng, thiết kế sân khấu sao cho đẹp hơn, hấp dẫn và hiện đại hơn".

    12 nhà hát đồng loạt "sáng đèn"

    Trả lời VietNamNet, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng Bộ VHTT&DL cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo từ Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ sẽ hỗ trợ bằng cách tạo địa điểm tốt (cụ thể là Nhà hát Lớn Hà Nội) cho 12 nhà hát trực thuộc Bộ "sáng đèn" từ 23/5. Việc làm này nhằm giải quyết được những khó khăn trước mắt là làm sao để kéo khán giả trở lại với thói quen vào xem trực tiếp tại rạp, sân khấu biểu diễn. Ngoài ra, hiện có rất nhiều các đơn vị trực thuộc Bộ VHTT&DL đã mua vé ủng hộ cho các đêm diễn.

    Ngày 11/7 Nhà hát Cải lương Việt Nam diễn vở cải lương Chuyện tình Khau Vai (Nhà hát Lớn)

    Theo đó, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ "mở màn" với vở Bệnh sĩ của cố tác giả Lưu Quang Vũ tối thứ 7 ngày 23/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. NSƯT Xuân Bắc, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, việc Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo các nhà hát thực hiện các chương trình nhằm kéo khán giả trở lại với sân khấu thực sự là cú hích cực kỳ quan trọng và cần thiết để sân khấu sáng đèn trở lại. Các nhà hát và các nghệ sĩ đều đã sẵn sàng và háo hức được trở lại sân khấu và rất mong khán giả sẽ đón nhận các chương trình.

    "Chúng tôi mong rằng không chỉ một buổi mà cần tổ chức mỗi nhà hát khoảng 5 buổi diễn để tạo cơ hội để các nhà hát có cơ hội khoe những tác phẩm mới, hay nhất mang phong cách và thương hiệu riêng của từng đơn vị. Giải pháp kịp thời này đã tháo gỡ những khó khăn mà các nhà hát đang phải đối diện", NSƯT Xuân Bắc nói. 

    Bênh cạnh sự hỗ trợ của Bộ VHTT&DL, Nhà hát Kịch Việt Nam trong thời gian nghỉ do dịch Covid-19 cũng chủ động thay đổi, suy nghĩ tích cực. Đơn cử như Hội đồng nghệ thuật của Nhà hát đã căng sức ra thẩm định 40 kịch bản và đã lựa chọn được những kịch bản hay, phù hợp để giành dàn dựng trong thời gian tới. 

    "Lớp diễn viên trẻ luôn được tạo mọi điều kiện khi ở Nhà hát Kịch Việt Nam. Những vở diễn được dàn dựng ở Nhà hát luôn có sự đan xen giữa lớp diễn viên “gạo cội”, những anh chị tên tuổi và cả những nghệ sĩ trẻ, thậm chí cả những bạn trẻ mới tốt nghiệp cũng có thể được giao vai diễn chính. Chúng tôi rất mừng khi các nghệ sĩ tên tuổi của nhà hát như NSND Lan Hương, NSND Trung Anh, NSƯT Quốc Khánh, NSƯT Quế Hằng... mặc dù rất bận bịu với nhiều hợp đồng biểu diễn, đóng phim với cát sê cao nhưng sẵn sàng không từ chối để tham gia vai diễn tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Trong đó có cả những nghệ sĩ đã nghỉ hưu nhưng cũng rất hào hứng, chờ đợi để được tham gia nếu có vai diễn phù hợp với sở trường của họ.

    Tôi cũng như nhiều anh chị em nghệ sĩ tên tuổi của Nhà hát luôn lấy uy tín, ảnh hưởng cá nhân để tạo dựng cho uy tín và thương hiệu của Nhà hát mình. Đây cũng chính là chủ trương của Ban giám đốc Nhà hát khi tận dụng triệt để lực lượng nghệ sĩ tài năng của Nhà hát. Chúng tôi muốn khoe với khán giả rằng Nhà hát Kịch Việt Nam không thiếu tài năng và những nghệ sĩ tâm huyết với nghề", NS ƯT Xuân Bắc chia sẻ.

    Ngày 22/8, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam diễn vở Hồ Thiên Nga (Nhà hát Lớn).

    Tiếp sau vở Bệnh sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam, mỗi đơn vị nghệ thuật sẽ diễn một vở diễn tiêu biểu, có chất lượng để phục vụ khán giả trong dịp này.

    NSND Triệu Trung Kiên, Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh sân khấu truyền thống nói chung hết sức khó khăn, nghệ thuật Cải lương nói riêng cũng đang chịu những áp lực chung giống như nghệ sĩ của các loại hình sân khấu khác.

    Thế nhưng trong “cái khó ló cái khôn”, trong suy thoái luôn có mầm mống của phát triển. Lực lượng nghệ sĩ vẫn còn rất hùng hậu và rất yêu nghề, đương nhiên bằng tài năng, trí tuệ của mình tìm mọi cách để vượt khó. Anh luôn có niềm tin rằng nghệ thuật truyền thống đủ nội lực để vượt qua khủng hoảng. Cùng xu thế tất yếu là sự tìm lại truyền thống trong ngôn ngữ đương đại sẽ cho ta hy vọng về sự phục hưng của nghệ thuật truyền thống ở một tầm cao mới. 

    "Nói đến Cải lương, đa số công chúng hôm nay đã mặc định rằng nó đã lỗi thời, không phù hợp với cuộc sống đương đại. Khán giả không sai vì Cải lương thực sự là như thế, dù đã từng có những giai đoạn huy hoàng tột đỉnh.Trong bối cảnh hội nhập và cơ chế thị trường hiện nay, Cải lương đang phải đối mặt với những thách thức đến từ năng lực thẩm mỹ và nhu cầu giải trí phong phú của khán giả, bởi có quá nhiều sự lựa chọn xứng đáng cho họ.

    Xem ra, Cải lương chỉ có hai con đường: đổi mới hay là “chết”. Vậy, Cải lương nói riêng, sân khấu truyền thống nói chung, muốn tồn tại và phát triển thì những người làm nghề phải “động thủ” để tìm cho ra những phương thức khả dĩ, thậm chí phải liều lĩnh vượt qua “vùng cấm” - lằn ranh giới đúng/sai. Trong nỗ lực đổi mới, tôi dựng Chuyện tình Khau Vai", NSND Trung Kiên chia sẻ. 

    Lịch diễn của các nhà hát trong mùa hè

    Ngày 23/5: Vở Bệnh sĩ (Nhà hát Lớn)

    Ngày 31/5:  Xiếc Cướp biển (Rạp xiếc Trung ương)

    Ngày 12/6: Chương trình Mặt trời phương Đông (Nhà hát Âu Cơ)

    Ngày 13/6 : Vở chèo Vân dại ( Nhà hát Chèo Kim Mã)

    Ngày 19/6: Dàn nhạc Giao hưởng VN diễn chương trình hòa nhạc chọn lọc (Phòng hòa nhạc Nhạc viện Hà Nội)

    Ngày 20/6: Vởi rối Thân phận nàng Kiều (Nhà hát Lớn)

    Ngày 27/6: Vởi Tháng 6 trời mưa (Nhà hát Lớn); Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc diễn Nhịp điệu ATK (Trung tâm VHNT tỉnh Thái Nguyên)

    Ngày 11/7:  Vở cải lương Chuyện tình Khau Vai (Nhà hát Lớn)

    Ngày  22/8: Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam diễn vở Hồ Thiên Nga (Nhà hát Lớn).

    Xem trích đoạn múa "Hồ Thiên Nga" của Nhà hát nhạc Vũ kịch VN:

    Theo Vietnamnet

    Ý kiến của bạn