Cư Jút - Đắk Nông: Thấy gì từ một vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản…?
Bản án sơ thẩm số 22/2012/DS-ST ngày 05/12/2012 của TAND huyện Cư Jút và Bản án phúc thẩm số 23/2013/DS-TP ngày 17/4/2013 của TAND tỉnh Đắk Nông “V/v tranh chấp hợp đồng vay tài sản” buộc bị đơn là bà Vũ Thị Nại (ở Thôn 6, xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) phải trả cho nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Vân Anh (ở Thôn 14, xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) số tiền 1.563.020.000 đồng, trong đó nợ gốc 1.240.000.000 đồng, nợ lãi 323.020.000 đồng. Tuy nhiên trên thực tế bị đơn chỉ vay 660.000.000 đồng và đã trả 263.800.000 đồng, số tiền còn lại chưa trả là 396.200.000 đồng. Vậy, lý do gì 2 cấp tòa án nói trên lại buộc bị đơn trả nợ số tiền lớn như vậy?
Khởi kiện "một đằng" lời khai "một nẻo"?
Theo nội dung khởi kiện của vụ án, bà Nguyễn Thị Vân Anh yêu cầu TAND huyện Cư Jút buộc bà Vũ Thị Nại phải trả số tiền 1.335.000.000 đồng nợ gốc và 1.095.000.000 đồng nợ lãi, theo lãi suất 2.500 đồng/triệu/ngày. Chứng cứ bà Vân Anh đưa ra là một tờ giấy có 7 bản kê, cụ thể: Ngày 29/3/2009 (âm lịch), số tiền 925.000.000 đồng; ngày 21/3/2009, số tiền 50 triệu đồng; ngày 30/3/2009, số tiền 50 triệu đồng; ngày 07/4/2009, số tiền 60 triệu đồng; ngày 23/4/2009, số tiền 150 triệu đồng; ngày 25/4/2009, số tiền 50 triệu đồng; ngày 1/5/2009, số tiền 50 triệu đồng (tổng cộng 1.335.000.000 đồng). Tiền lãi tính đến ngày 29/11/2009, là 1.095.000.000 đồng. Từ các bản kê trên, ngày 29/11/2009, bà Vũ Thị Nại viết giấy biên nhận mượn tiền 1.335.000.000 tỷ đồng và nhận trả lãi 1.095.000.000 đồng (sau đó bà Vân Anh rút nội dung khởi kiện yêu cầu trả lãi này).
Từ chứng cứ trên, các cấp Tòa án tỉnh Đắk Nông chấp nhận đơn khởi kiện của bà Vân Anh, buộc bà Vũ Thị Nại trả cho bà Vân Anh số tiền 1.563.020.000 đồng (trong đó nợ gốc 1.240.000.000 đồng và nợ lãi 323.020.000 đồng). Tòa bác đơn của bà Vân Anh yêu cầu bà Nại phải trả 222.020.000 đồng, trong đó nợ gốc 95.000.000 đồng và tiền lãi 127.020.000 đồng vì nội dung này không hợp pháp.
Tuy nhiên, tại biên bản lấy lời khai ngày 25/8/2011 của TAND huyện Cư Jút (BL số 29, 31, 33, 35), bà Nguyễn Thị Vân Anh khai rằng: Ngày 28/02/2006, cho bà Nại vay số tiền 700 triệu đồng; ngày 20/3/2006, cho bà Nại vay tiếp số tiền 500 triệu đồng; ngày 15/8/2006, cho bà Nại vay tiếp số tiền 500 triệu đồng, tổng cộng là 1,7 tỷ đồng với lãi suất 1,5%/tháng. Tính đến ngày 28/12/2006, giữa bà Vân Anh và bà Nại đã chốt nợ, trong đó tiền gốc 1,7 tỷ đồng và nợ lãi 606 triệu đồng. Tiếp đến ngày 20/01/2008 cho bà Nại vay 500 triệu đồng, nợ lãi đến ngày 28/12/2008 là 84 triệu đồng; ngày 15/5/2008 cho vay số tiền 700 triệu đồng, tính đến ngày 28/12/2008 nợ lãi 78 triệu đồng. Ngày 28/12/2008, chốt nợ gốc là 2,9 tỷ đồng, nợ lãi 760 triệu đồng (cùng ngày 28/12/2008, bà Vân Anh và bà Nại 2 lần chốt nợ thì đây có phải là điều bất hợp lý hay không?! - PV). Ngày 28/11/2009, hai bên chốt nợ, số tiền gốc 2,9 tỷ đồng, nợ lãi 1,29 tỷ đồng. Cùng ngày 29/11/2009, bà Vũ Thị Nại trả nợ gốc 1,565 tỷ đồng và trả nợ lãi 195 triệu đồng. Còn lại nợ gốc là 1,335 tỷ đồng và nợ lãi 1,095 tỷ đồng.
Như vậy, bà Nguyễn Thị Vân Anh khởi kiện yêu cầu bà Vũ Thị Nại trả các khoản vay từ ngày 29/3/2009 đến ngày 1/5/2009 là 1,335 tỷ đồng và 1,095 tỷ đồng tiền lãi của khoản vay này. Nhưng, tại biên bản lấy lời khai thì bà Vân Anh cho rằng, từ ngày 28/02/2006, đến ngày 29/11/2009, bà cho bà Vũ Thị Nại vay số tiền 2,9 tỷ đồng, nợ lãi 1,29 tỷ đồng, bà Nại trả nợ gốc 1,565 tỷ đồng và trả nợ lãi 195 triệu đồng thì có bất hợp lý hay không?! Mặc khác, đơn khởi kiện thì nói rằng đến ngày 1/5/2009, bà Vân Anh cho bà Nại vay 1,335 tỷ đồng, nhưng bản tự khai bà Vân Anh cho rằng: Đến ngày 29/11/2009, cho bà Nại vay số tiền 2,9 tỷ đồng thì có bất hợp lý?! Nói như vậy, từ ngày 28/02/2006 đến ngày 29/11/2009 là gần 4 năm cho vay với số tiền lớn, nhưng bà Nại chưa trả nợ gốc và lãi, thì sao bà Vân Anh vẫn tiếp tục cho bà Nại vay tiếp các khoản tiền lớn khác!? Vì sao bà Vân Anh không lấy số liệu này để khởi kiện bà Nại mà phải lấy số liệu khác để khởi kiện bà Nại!?
Như vậy, nội dung khởi kiện và biên bản lấy lời khai của bà Nguyễn Thị Vân Anh hoàn toàn khác nhau nhưng 2 cấp Tòa án tỉnh Đắk Nông đã không xem xét, làm rõ nguyên nhân để giải quyết triệt để vụ án mà lại giải quyết theo hướng khác có lợi cho nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Vân Anh. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho (bị đơn) bà Vũ Thị Nại cũng bỏ quên tình tiết có lợi cho thân chủ, dẫn đến oan sai đối với bà Vũ Thị Nại. Cần nói cho rõ, số liệu bà Vân Anh khởi kiện là giấy biên nhận mượn tiền không lãi suất, còn biên bản lấy lời khai bà Vân Anh khẳng định cho bà Nại vay với lãi suất 1,5%/tháng, nên có số tiền lãi 1,095 tỷ đồng, Tòa án đã bác bỏ khoản lãi này, nhưng không xem xét toàn bộ lời khai và chứng cứ số tiền cho vay và số tiền đã trả theo lời khai của bà Vân Anh là chưa giải quyết triệt để vụ án. Bà Vân Anh khởi kiện "một đằng" lời khai "một nẻo" nhưng điều đó lại không được các cấp Tòa án quan tâm, luật sư bảo vệ không phát hiện điều bất hợp lý này để yêu cầu Tòa án xem xét.
Bị đơn nói gì?
Bà Vũ Thị Nại thừa nhận: Ngày 29/11/2009, bà có viết giấy biên nhận mượn số tiền 1.335.000.000 đồng và nợ lãi 1.095.000.000 đồng theo yêu cầu của bà Vân Anh, ngoài ra bà không viết bản kê mượn tiền. Tuy nhiên bà Nại cho rằng, bà chỉ mượn của bà Vân Anh số tiền 660.000.000 đồng và đã trả 263.800.000 đồng, yêu cầu Tòa án xem xét. Bà Nại cung cấp các giấy mượn tiền (bản photo) nhưng không cung cấp bản gốc vì luật sư yêu cầu bà giữ lại. Đây cũng là điều khó hiểu, vì nghĩa vụ của đương sự là chứng minh hồ sơ gốc, hoặc văn bản có công chứng để Tòa án xem xét, nhưng luật sư yêu cầu bà Nại cất giữ là điều không bình thường, dẫn đến hồ sơ không có giá trị pháp lý. Mặt khác, bà Nại không giải trình được những con số mà bà Vân Anh tính toán "lãi mẹ đẻ lãi con" trên các giấy biên nhận mượn tiền nên các cấp Tòa án không công nhận. Câu hỏi đặt ra là, bà Nại không am hiểu pháp luật nên nhờ luật sư bảo vệ, nhưng vì sao luật sư không giải trình với Tòa án những con số tính toán "lãi mẹ đẻ lãi con" trên giấy biên nhận mượn tiền!? Mặt khác, vì sao luật sư không yêu cầu giám định chữ viết trong tờ giấy có 7 bản kê khoản tiền mượn để ra số tiền 1,335 tỷ đồng, có phải của bà Nại viết ra hay không để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình, trong khi bà Nại đã giao quyền quyết định cho luật sư!?
Ở một diễn biến khác, bà Vân Anh thừa nhận bà Nại đã nhiều lần trả cho bà số tiền nợ 263.800.000 đồng, tuy nhiên bà Vân Anh cho rằng bà Nại trả lãi, còn bà Nại cho rằng mình trả nợ gốc. Tòa án thì cho rằng bà Nại không chứng minh trả nợ gốc, theo quy định của pháp luật thì trả lãi trước nếu còn thừa mới trừ vào gốc, do đó Hội đồng xét xử không xem xét. Như vậy, các cấp Tòa án chưa làm rõ quan hệ pháp luật của giấy biên nhận mượn tiền, mượn là hợp đồng không lãi suất, nhưng Tòa án cho rằng trả lãi trước, nếu còn thừa mới trừ vào nợ gốc là không đúng bản chất, ảnh hưởng đến quyền lợi của bị đơn bà Vũ Thị Nại. Mặt khác, tại bản lấy lời khai bà Vân Anh cho rằng, ngày 29/11/2009, bà Nại đã trả cho bà số tiền gốc và lãi là 1,760 tỷ đồng, bà Vân Anh còn thừa nhận của bà Nại 263.800.000 tiền lãi. Vậy, tổng số tiền bà Vân Anh đã nhận của bà Nại 2.023.000.000 đồng (1.760.000.000 + 263.000.000), thì lý do gì không đưa nội dung này vào bản án!? Bà Vân Anh đã nhận của bà Nại 2.023.000.000 đồng, nhưng khởi kiện yêu cầu bà Nại trả số tiền 1.335.000.000 đồng, vậy số tiền bà Vân Anh phải trả cho bà Nại là 688.000.000 đồng (2.023.000.000 - 1.335.000.000) mới phù hợp lời khai bà Vân Anh.
Từ phân tích trên cho thấy, bị đơn chỉ mượn số tiền 660 triệu đồng, đã trả 263.800.000 đồng, nhưng phải chịu khoản nợ 1,335 tỷ đồng; bị đơn không cung cấp hồ sơ gốc, không chứng minh những con số "lãi mẹ đẻ lãi con" để Tòa án xem xét; không nghiên cứu lời khai bất hợp lý của nguyên đơn để yêu cầu Tòa án xem xét, trong khi bị đơn có luật sư bảo vệ. Nội dung khởi kiện của nguyên đơn "một đằng" lời khai "một nẻo" nhưng Tòa án không xem xét. Hợp đồng không lãi suất, nhưng Tòa án không công nhận số tiền 263.800.000 đồng bị đơn đã trả cho nguyên đơn là hết sức nghịch lý. Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn trả số tiền 222.020.000 đồng bị Tòa bác bỏ, thể hiện không trung thực của nguyên đơn. Hiện bản án đã hết thời hiệu yêu cầu kháng nghị giám đốc phẩm, gia đình bà Vũ Thị Nại đang làm đơn yêu cầu kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Được biết, TAND huyện Cư Jút đang thụ lý vụ án phân chia tài sản để thi hành án.
Trao đổi với phóng viên, người nhà bà Vũ Thị Nại (bà Nại hiện không có mặt tại địa phương) người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều cho rằng, bà Nại chỉ vay số tiền tiền 660 triệu đồng, đã trả 263.800.000 đồng, nhưng bà Vân Anh buộc bà Nại viết giấy mượn tiền 1,335 tỷ đồng là tính "lãi mẹ đẻ lãi con" nên gia đình không đồng ý. Trước lúc bà Vân Anh khởi kiện, chúng tôi đồng ý trả cho bà Vân Anh số tiền đã vay, nhưng bà Vân Anh không chịu nhận mà cứ đòi số tiền cao hơn và khởi kiện chúng tôi ra Tòa án. Thấy vậy, gia đình tôi nhờ Luật sư Hà Nội bảo vệ, ai ngờ đâu "tiền mất, tật mang" hiện gia đình chúng tôi đang phân chia tài sản chung để giải quyết việc thi hành án và làm đơn kháng nghị Bản án phúc thẩm số 23/2013/DS-TP ngày 17/4/2013 của TAND tỉnh Đắk Nông theo thủ tục tái phẩm.
Thiết nghĩ, về quan hệ pháp luật dân sự cho vay, mượn tiền phổ biến hiện nay, người cho vay và người vay chỉ dựa trên uy tín và quen biết mà không cần có tài sản thế chấp, hai bên giao kết hợp đồng bằng giấy viết tay để làm bằng chứng giải quyết tranh chấp về sau. Nhìn chung là thuận tiện, người cho vay phải ràng buộc nội dung trong hợp đồng, người vay phải đọc kỹ hợp đồng trước lúc ký. Trong quan hệ vay, mượn tài sản, hợp đồng cần phải được công chứng, hoặc có người làm chứng để giảm thiểu rủi ro. Khi xảy ra tranh chấp tự mình bảo vệ, nếu cần luật sư nên lựa chọn công ty luật có uy tín để gửi trọn niềm tin.
Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị xin chuyển nội dung đến Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét, kháng nghị Bản án phúc thẩm số 23/2013/DS-TP ngày 17/4/2013 của TAND tỉnh Đắk Nông theo thủ tục tái phẩm. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh khi có tình tiết mới của vụ án.
Y QuangTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.